Theo tờ Business Insider, điều này giải thích vì sao những thành viên đảng Cộng hòa kỳ cựu, kể cả một số đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Trump ở Quốc hội, đều chỉ trích ông vì động thái trên. Có lẽ đây là những lời chỉ trích Tổng thống rộng rãi và mạnh mẽ nhất từ các nghị sĩ Cộng hòa từ trước tới nay và lại được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đối mặt điều tra luận tội.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người luôn bảo vệ ông Trump quyết liệt nhất và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ không khác gì đảm bảo cho khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy và khiến Mỹ gặp khó trong khuyến khích đồng minh tham gia chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Từ lâu, ông Trump và đảng Cộng hòa luôn mâu thuẫn nhau về đường lối chống chủ nghĩa khủng bố. Từ ngày xảy ra sự kiện 11/9, đảng Cộng hòa luôn chủ trương can thiệp mạnh mẽ trong vấn đề chống khủng bổ và thường đẩy mạnh vai trò của Mỹ trong vấn đề này trên thế giới. Có lúc này lúc kia các thành viên bất đồng về chiến thuật hay biện pháp thực hiện, nhưng họ luôn thận trọng với khả năng rút binh sĩ Mỹ từ nước ngoài về.
Trong khi đó, ông Trump với triết lý “Nước Mỹ Trước tiên” đã trở thành một thách thức lớn với quan điểm chính thống của đảng Cộng hòa.
Khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã kêu gọi rút lực lượng Mỹ khỏi những cuộc chiến tranh bất tận và không ngần ngại chỉ trích cựu Tổng thống George W. Bush vì gây hậu quả thảm họa khi đưa quân vào Iraq năm 2003.
Tuy nhiên, khi làm tổng thống, ông Trump vấp phải thực tế là khó mà có thể thực hiện cam kết tranh cử là rút quân Mỹ về nước, một phần do tình hình phức tạp trên thực địa ở Afghanistan, Iraq, Syria, một phần do các nghị sĩ Cộng hòa luôn ngăn ông đột ngột rút quân.
Khi Tổng thống Trump thông báo ý định rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Syria cuối tháng 12/2018, ngay lập tức ông đã gây làn sóng phản đối từ các nghị sĩ Cộng hòa và khiến ông James Mattis từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vì bất đồng. Sau đó, Mỹ duy trì khoảng 1.000 binh sĩ ở Syria.
Các nghị sĩ Cộng hòa phần lớn tránh chỉ trích Tổng thống khi bản thân Donald Trump và chính quyền của ông dính vào một loạt vụ bê bối mà mới đây nhất là cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine. Tuy nhiên, họ không bao giờ im lặng khi Tổng thống Trump từ bỏ trật tự thế giới thời hậu 11/9.
Một số người cho rằng quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria mà Tổng thống Trump đưa ra là một thắng lợi với Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như với Nga và Iran. Quyết định cũng khiến nhiều người lo ngại phần tử IS, các tay súng nước ngoài từ châu Âu bị giam ở Syria sẽ trốn thoát khi người Kurd không còn đủ lực lượng canh giữ vì phải đối phó với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Phe Cộng hòa cũng lo quyết định sẽ phát đi thông điệp nguy hiểm với đồng minh Mỹ.
Thoạt nhìn, Mỹ không có lợi ích gì sau quyết định này. Điều đó giải thích tại sao phe Dân chủ cũng phản đối động thái dù phe này không thích can thiệp nhiều và cho rằng Mỹ không nên hiện diện lâu dài ở Syria.
Tuy nhiên, rút quân khỏi Syria cũng là một động thái quan trọng để thực hiện một đợt rút lui rộng rãi hơn mà ông Trump từ lâu đã mong muốn và thúc đẩy thực hiện. Ông giải thích động thái rút quân là do IS cách đó cả hơn 11.000 cây số và không phải là mối lo ngại trực tiếp của Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng thì nói rằng không hẳn là Mỹ rút quân mà chỉ là tái bố trí lực lượng để đảm bảo binh sĩ không vướng giữa hai làn đạn trong giao tranh Thổ Nhĩ Kỳ-người Kurd tại Đông Bắc Syria.
Cả hai cách giải thích trên đều bị phe Cộng hòa bác bỏ. Họ lo sợ diễn biến này là dấu hiệu cho thấy trong tương lai thời Tổng thống Trump, ông sẽ từng bước thoái lui sự hiện diện của Mỹ trong thế giới Hồi giáo.
Chính quyền Mỹ thông báo rút quân khỏi Đông Bắc Syria 18 năm sau khi cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu. Đây cũng là cuộc chiến mà Tổng thống Trump không muốn Mỹ dính líu nữa. Mỹ đã liên tục duy trì hiện diện quân sự ở Trung Đông sau sự kiện 11/9/2001 để tham gia cuộc chiến chống khủng bố khắp nơi.
Với động thái rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump cho thấy ông sẵn sàng đi ngược lại triết lý truyền thống và phá vỡ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài, cho dù nó không có lợi cho Mỹ hay đồng minh hay cho dù không có kế hoạch dài hơi.
Tổng thống Trump hòa hợp với quan điểm truyền thống của phe Cộng hòa về một loạt vấn đề, nhưng trong chính sách đối ngoại ông hoàn toàn là nhân tố mới. Đó là lý do tại sao ông có thể sẽ bị các thành viên Cộng hòa chống đối sau này.