Một vụ đánh bom xe ở Pakistan, có thể là nhằm vào một nhà ngoại giao Trung Quốc, cho thấy hòa bình và ổn định ở khu vực này quan trọng như thế nào với Bắc Kinh cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 65 tỷ USD.
Vụ đánh bom tối 21/4 nói trên xảy ra ở một khách sạn Pakistan, khiến bốn người chết. Mục tiêu rõ ràng có thể là vị đại sứ Trung Quốc ở Paksitan, ông Nong Rong – người đang ở thành phố Quetta để gặp quan chức ở tỉnh Balochistan bàn về Hành lang Kinh tế Pakistan – Trung Quốc (CPEC). Lực lượng Taliban ở Pakistan sau đó đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công.
Tỉnh Balochistan là nơi có cảng nước sâu Gwadar mới được mở rộng, là khu vực quan trọng với Con đường và Vành đai của Trung Quốc.
Mặc dù những vụ tấn công kiểu này xảy ra như cơm bữa ở Pakistan và chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề lâu dài, nhưng thời điểm vụ tấn công đặt ra những câu hỏi rộng hơn về các thỏa thuận an ninh tương lai của khu vực này khi mà năm nay, có một sự kiện có thể thay đổi tất cả. Đó là việc Mỹ rút quân ra khỏi quốc gia láng giềng là Afghanistan.
Bình luận với đài RT (Nga), nhà phân tích Tom Fowdy nhận định: Sự kiện rút quân chắc chắn sẽ khiến sức mạnh của Taliban trỗi dậy mạnh mẽ khi mà lực lượng này giờ không còn động lực để tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan và Taliban chắc chắn sẽ kiểm soát lại quốc gia này.
Khi Mỹ không còn đảm bảo tình hình ổn định ở Afghanistan, liệu điều này có nghĩa là Taliban sẽ là vấn đề của Trung Quốc từ bây giờ trở đi? Liệu Bắc Kinh có buộc phải lấp chỗ trống mà Mỹ sắp để lại ở Afghanistan? Liệu có phải Taliban trỗi dậy sẽ phục vụ lợi ích của Mỹ?
Ông Fowdy cho rằng việc Mỹ sắp rút quân vào 11/9 tới là sự rút lui chiến lược, chiến thuật. Sau gần 20 năm liên minh NATO hiện diện ở Afghanistan, động cơ ở đó đã thay đổi. Bản thân cuộc xung đột và việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan đánh dấu khởi đầu cuộc chiến chống khủng bố. Taliban không giao nộp trùm khủng bố Osama bin Laden sau vụ 11/9/2001 và trong hai chục năm qua, Mỹ nhận lấy gánh nặng củng cố chính quyền Afghanistan để chống lại phong trào nổi dậy của Taliban.
Tuy nhiên, thế giới giờ đã khác. Kỷ nguyên chiến tranh chống khủng bố đã khép lại và thứ thay thế là cạnh tranh chiến lược, khiến Mỹ chuyển ưu tiên từ chống khủng bố sang tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là mục đích chiến lược của Mỹ ở Afghanistan cuối cùng đã lỗi thời, và việc Taliban có chiếm lại quyền kiểm soát Afghanistan hay không cũng không quan trọng với Mỹ nữa, miễn là Taliban không dính dáng tới các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ lần nữa.
Mọi chuyện thành ra tốt hơn với Mỹ nếu vấn đề Afghanistan trở thành vấn đề của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy tiềm tàng của Taliban sẽ khiến bất ổn lan rộng, gây ra các cuộc tấn công vào Pakistan sát vách, đặt ra thách thức với CPEC – dự án cơ sở hạ tầng quan trọng kết nối Tân Cương của Trung Quốc với Ấn Độ Dương thông qua Pakistan và cảng Gwadar.
Theo ông Fowdy, theo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nước này muốn sử dụng hải quân để kiềm chế Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Đó là lý do tại sao Mỹ không ngừng tập trung vào vấn đề Tân Cương.
Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ thay đổi các thỏa thuận an ninh của khu vực này. Trước tiên, Mỹ sẽ không còn là đối tác an ninh của Pakistan. Pakistan là đồng minh giúp Mỹ kiềm chế Taliban, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Điều này có nghĩa là Pakistan sẽ bị Mỹ xa rời và Mỹ không còn lợi ích ở đây. Khoảng trống quyền lực này sẽ do Bắc Kinh lấp đầy ở một mức độ nào đó. Trung Quốc sẽ không can thiệp vào Afghanistan như Mỹ, nhưng thực tế mới sẽ khiến Trung Quốc trở thành một bên có liên quan trong hỗ trợ Pakistan và duy trì ổn định ở Afghanistan nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế.
Các nước khác cũng sẽ thấy bản thân ngày càng liên quan. Nga có thể sẽ trở thành đối tác lớn hơn của Afghanistan và đóng góp vào động lực an ninh mới. Ấn Độ cũng sẽ thấy cần phải tham gia vì khi Taliban trỗi dậy, đây sẽ là con dao hai lưỡi, gây vấn đề với cả New Deilhi vì chủ nghĩa khủng bố là cái gai thường trực trong quan hệ với Pakistan.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là nước nào sẽ toàn tâm dồn lực và đầu tư để ngăn chặn Taliban quay lại, để mang lại hòa bình cho Afghanistan? Đây là điều mà Mỹ và đồng minh không thể làm trong 20 năm qua nên khó có nước nào có thể.
Hy vọng tốt nhất với Afghanistan có thể là Trung Quốc và các nước khác chỉ đơn giản học cách sống và tồn tại cùng Taliban – lực lượng có động cơ cơ bản là đẩy lùi các thế lực nước ngoài.
Ông Fowdy kết luận: Mặc dù có khả năng chủ nghĩa cực đoan lan rộng, nhưng cũng có cơ hội cho hòa bình thực sự. Vấn đề Afghanistan sẽ không biến mất hay được giải quyết nhanh chóng. Bản đồ chiến lược của khu vực này sẽ được vẽ lại và sẽ đòi hỏi nỗ lực và cam kết lớn hơn từ Trung Quốc.