Sai lầm trong thiết kế là nguyên nhân gây nổ ở Fukushima 1?

Theo nhật báo "Asahi", sai lầm trong thiết kế hệ thống xả khí trong các lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 có thể là nguyên nhân gây ra vụ nổ tại lò phản ứng số 1 của nhà máy này hôm 12/3/2011, làm sập mái của tòa nhà có chứa lò phản ứng này. Đáng chú ý, các hệ thống xả và thông khí tại các nhà máy điện hạt nhân khác ở Nhật Bản cũng có thiết kế tương tự, vì vậy, cần phải xem xét toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân này.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1. Ảnh: Internet

Các quan chức của Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy Fukushima 1, tin rằng việc xả khí tại thùng chứa của lò phản ứng số 1 nhằm giảm áp suất bên trong lò và ngăn ngừa lò phản ứng này bị hư hỏng có thể đã dẫn tới tình trạng khí hyđrô bay vào trong tòa nhà có chứa lò phản ứng chứ không phải bay ra ngoài theo thiết kế ban đầu. Một van của hệ thống xả khí riêng có chức năng ngăn cản các luồng khí hyđrô bay ngược vào trong tòa nhà có chứa lò phản ứng đã không hoạt động do tất cả các nguồn điện cung cấp cho lò phản ứng này bị mất trong nhiều giờ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3.

Các lãnh đạo TEPCO thừa nhận, các sai lầm trong thiết kế hệ thống xả khí có thể là nhân tố dẫn tới vụ nổ khí hyđrô trên. Theo các tài liệu lưu hành nội bộ trong TEPCO, lò phản ứng số 1 có hai hệ thống xả khí. Một là hệ thống xử lý khí dự phòng (SGTS) sẽ xả khí từ tòa nhà có chứa lò phản ứng ra bên ngoài thông qua một máy lọc. Hệ thống khác là một ống xả có khả năng chịu áp lực sẽ xả khí từ trong thùng chứa lò phản ứng ra không khí.

Khi xả khí từ thùng chứa của lò phản ứng số 1, van xả của hệ thống SGTS bị kẹt ở vị trí mở sau khi lò phản ứng này tự động ngừng hoạt động sau trận động đất. Việc mất nguồn điện sau đó đã dẫn tới việc không thể đóng van xả khí này. Các quan chức TEPCO tin rằng khí hyđrô thoát ra từ ống xả đã bay ngược vào tòa nhà có chứa lò phản ứng thông qua van xả của hệ thống SGTS đang được mở và tích tụ ở đây, dẫn tới vụ nổ khí hyđrô.

Lò phản ứng số 1 cũng không có van được thiết kế để ngăn cản hiện tượng khí xả ra bay ngược vào tòa nhà có chứa lò phản ứng. Các tòa nhà chứa lò phản ứng số 2 và 3 được trang bị van đặc biệt như vậy và van này có thể hoạt động cho dù nguồn điện bị cắt. Vì vậy, trong vụ nổ khí hyđrô ở tòa nhà có chứa lò phản ứng số 3, lượng khí hyđrô bay ngược vào tòa nhà này có thể đã được hạn chế bởi van đặc biệt này.

Trong sách hướng dẫn của TEPCO về việc xả khí, các công nhân được chỉ thị phải xác định xem van đặc biệt của hệ thống xả khí ra khỏi tòa nhà có chứa lò phản ứng đóng hay không trước khi bắt đầu xả khí. Tuy nhiên, do nồng độ phóng xạ cao trong tòa nhà của lò phản ứng số 1, các công nhân TEPCO không thể kiểm tra trạng thái van xả khí.

Khi lò phản ứng số 1 bắt đầu hoạt động vào năm 1971, nó có một hệ thống xả khí ra khỏi tòa nhà này. Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ucraina năm 1986, hệ thống xả khí cho thùng chứa của lò phản ứng đã được lắp đặt vào năm 1999 để đề phòng tai nạn thảm khốc.

Cho đến gần đây, các quan chức TEPCO vẫn giải thích rằng vụ nổ ở lò phản ứng số 1 xảy ra do khí hyđrô rò rỉ từ các vết nứt trên đường ống nối giữa thùng chứa lò phản ứng với bên ngoài.

Một quan chức điều hành TEPCO đã bảo vệ quyết định thực hiện việc xả khí bởi vì đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ thùng chứa lò phản ứng. Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận: “Chúng tôi đã không xem xét một cách đầy đủ khả năng khí hyđrô có thể bay ngược trở lại tòa nhà có chứa lò phản ứng khi nguồn điện bị mất. Chúng tôi phải thừa nhận những sai lầm trong thiết kế hệ thống xả khí này”.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN