Đây là một sự kiện đặc biệt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính giới và dư luận Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một chính khách bị Quốc hội luận tội tới hai lần. Ông Donald Trump – vị Tổng thống thứ 45 của “xứ sở cờ hoa” – đối mặt với cáo buộc “kích động bạo loạn” liên quan tới vụ những người biểu tình quá khích tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 khiến 5 người thiệt mạng. Vụ “đột kích” đó là vết đen khó có thể xóa mờ đối với nền dân chủ hơn 200 năm của Mỹ.
Cuối năm 2019, Tổng thống Trump đã bị Hạ viện Mỹ luận tội “lạm dụng quyền lực và cản trở công lý”. Tuy nhiên, sau đó vào mùa Xuân 2020, Thượng viện Mỹ khi đó do phe Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu và tha bổng cho ông. Tròn 1 năm sau, bắt đầu vào lúc 13 giờ ngày 9/2 (1 giờ sáng 10/2 theo giờ Việt Nam), ông Trump sẽ lần thứ 2 đối mặt với một phiên luận tội tại Quốc hội.
Ngày 13/1 vừa qua, Hạ viện khóa 117 do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội ông Trump với cáo buộc “kích động bạo loạn”, người thời điểm đó vẫn là Tổng thống Mỹ. Các nhà lập pháp Dân chủ muốn đẩy nhanh tiến trình luận tội và hoàn tất trước ngày 20/1, tức là thời điểm Tổng thống Trump mãn nhiệm và rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công một phần do sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa, một phần do thời gian quá gấp gáp để xúc tiến phiên xét xử luận tội tại Thượng viện.
Qui tắc chung
Hiến pháp Mỹ qui định rõ tại Điều 1, Khoản 2, Hạ viện có toàn quyền truy tố Tổng thống, Phó Tổng thống và các chức vụ dân sự cấp liên bang). Điều 1, Khoản 3 qui định Thượng viện nắm quyền xem xét chứng cứ, tranh luận, bỏ phiếu kết tội. Theo Hiến định, để kết tội Tổng thống, Thượng viện cần nhận được sự ủng hộ của một đa số áp đảo (67 ghế).
Đó là qui định chung của Hiến pháp Mỹ, song mỗi phiên luận tội, các nhà lập pháp Mỹ cũng thường hiệp thương và đưa ra các qui tắc chung để tiến hành. Ngày 8/2, lãnh đạo hai đảng tại Thượng viện Mỹ đã đạt được thoả thuận về các quy tắc tiến hành phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Donald Trump.
Phiên xét xử diễn ra như thế nào?
Thông thường, các phiên xét xử luận tội các giới chức hành pháp tại Mỹ sẽ do Chánh án Tòa án Tối cao chủ trì. Tuy nhiên, do ông Trump đã không còn giữ cương vị Tổng thống, nên Thượng nghị sĩ Patrick Leahy sẽ chủ trì phiên luận tội lần này thay cho Chánh án Tóa án Tối cao John Roberts.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer thông báo các quy tắc này cho phép nhóm đại diện từ Hạ viện (đóng vai trò công tố) và các luật sư của cựu Tổng thống Trump có 16 tiếng mỗi bên để trình bày về vụ việc. Thượng viện sẽ đóng đồng thời hai vai trò: Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán.
Phiên toà xét xử sẽ bắt đầu với 4 giờ đồng hồ tranh luận về tính hợp hiến của vụ luận tội, tiếp theo là một cuộc bỏ phiếu – nhiều khả năng sẽ được thông qua khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện.
Nhóm đại diện từ Hạ viện sẽ bắt đầu bài thuyết trình vào trưa 10/2 (theo giờ Bờ Đông của Mỹ), với tối đa 16 giờ trong 2 ngày. Sau đó, nhóm luật sư của cựu Tổng thống Trump cũng có 16 giờ trong 2 ngày để bào chữa. Sau đó, các thượng nghị sĩ có thể đặt câu hỏi bằng văn bản cho mỗi bên.
Hiện chưa rõ phiên xét xử có nhân chứng nào xuất hiện nay không, trong khi cựu Tổng thống Trump từ chối đề nghị của các nghị sĩ tại Hạ viện nước này về cung cấp lời khai tại phiên luận tội ông ở Thượng viện. Theo qui định, trong trường hợp muốn có nhân chứng, Thượng viện sẽ phải tiến hành bỏ phiếu đề chấp thuận đề xuất này.
Lập trường của các bên
Giới quan sát và các chuyên gia phân tích chính trị tin rằng kịch bản cựu Tổng thống Trump bị kết tội là không cao, vì phe Dân chủ cần phải nhận được thêm sự ủng hộ của 17 Thượng nghị sĩ Cộng hòa. Khả năng có một số lượng lớn như vậy các nhà lập pháp Cộng hòa “quay giáo” là rất khó. Và như vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ được tha bổng một lần nữa.
Trong khi đó, nhóm đại diện pháp lý của ông Trump cho rằng việc Quốc hội Mỹ xúc tiến cuộc luận tội lần này là “ngớ ngẩn và vi hiến” vì ông đã không còn đảm nhiệm một chức vụ công quyền nào và nay chỉ là một công dân bình thường.
Tuy nhiên, những người cáo buộc thì lập luận rằng không được phép có “ngoại lệ tháng 1”, nhấn mạnh một tổng thống phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình từ ngày đầu tiên cho tới ngày cầm quyền cuối cùng.
Và nếu Tổng thống Trump bị kết tội, Thượng viện khi đó cũng tiếp tục bỏ phiếu xem liệu có cấm ông đảm nhiệm các chức vụ công quyền trong tương lai hay không.
Tân Tổng thống Joe Biden không coi việc xúc tiến luận tội cựu Tổng thống Trump là một ưu tiên trong chương trình nghị sự. Giới quan sát cũng cho rằng việc phe Dân chủ quyết tâm theo đuổi cuộc luận tội sẽ gây cản trở cho quá trình luật hóa các chương trình nghị sự của chính quyền mới, và nghiêm trọng hơn là làm phân cực hơn nữa những bất đồng vốn đã rất sâu sắc trong lòng chính trường và xã hội Mỹ những năm qua. Do đó, mục tiêu hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ của Tổng thống Biden có thể sẽ gặp nhiều trở ngại.