Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số với sự ứng dụng rộng rãi các tiến bộ công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cũng không nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm. Bản thân khả năng tiếp cận, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nữ giới và nam giới cũng không cân bằng trên toàn cầu, chủ yếu bởi phụ nữ luôn chịu nhiều rào cản từ gia đình và xã hội. Nguy cơ gia tăng sự bất bình đẳng giới trong một xã hội tự động hóa và kết nối cũng ngày càng hiện hữu. Sáng tạo và công nghệ đem lại những cơ hội chưa từng có, song xu hướng hiện nay cho thấy phụ nữ đang bị yếu thế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và thiết kế. Điều này ngăn họ phát triển và thay đổi các định kiến về giới tính nhằm mang lại những tiến bộ mang tính chuyển biến trong xã hội.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số, vì thế vẫn được coi là một trong những mục tiêu chủ chốt của LHQ, xuất phát từ thực tế rằng hiện vẫn còn tồn tại nhiều khoảng cách, khi cùng đóng góp như nhau cho xã hội nhưng phụ nữ lại không được ghi nhận thành quả xứng đáng. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trung bình trên thế giới phụ nữ được trả lương chỉ bằng 63% so với đàn ông. Mức cách biệt này sẽ mất 202 năm để thu hẹp bởi chúng quá lớn và sự thay đổi diễn ra quá chậm. Khoảng cách lớn nhất về lương tồn tại ở các quốc gia Trung Đông như Yemen, Syria và Iraq, khi phụ nữ chỉ nhận được 30% số tiền so với những gì đàn ông kiếm được. Ngay tại Liên minh châu Âu (EU), nữ giới có thu nhập theo giờ thấp hơn nam giới trung bình 16,3%.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trên thế giới chỉ có sáu nền kinh tế trao cho nữ giới và nam giới quyền lợi pháp lý bình đẳng trong các lĩnh vực có tác động đến công việc của họ. Nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn thì sẽ cần 170 năm để xóa bỏ khoảng cách về kinh tế giữa nữ giới và nam giới.
Lĩnh vực chính trị cũng trong tình trạng tương tự với 17 quốc gia có nhà lãnh đạo nữ, trong khi tỷ lệ bộ trưởng và nghị sĩ trung bình tại mỗi quốc gia lần lượt chỉ là 18% và 24%. Ngay ở Nghị viện châu Âu, số đại biểu nữ chỉ chiếm 36,1%. Tại châu Âu nói chung, chỉ có khoảng 30% nghị sĩ là phụ nữ và chỉ có 3 trên 28 quốc gia thành viên EU là Thụy Điển, Phần Lan và Tây Ban Nha có số nghị sĩ nữ đạt 40%.
Trong các lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo như nghệ thuật và công nghệ, chỉ có 7% đạo diễn và 20% biên kịch trên thế giới là phụ nữ. Nghiên cứu về thị trường nghệ thuật toàn cầu cho thấy các tác phẩm của phụ nữ có giá trị đấu giá thấp hơn so với của nam giới. Các chuyên gia nhận định sự chênh lệch rõ nét trong hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ đã phản ánh sự bất bình đẳng giới trong đời sống kinh tế và xã hội. Tại hầu hết các nước, có rất ít phụ nữ theo học khoa học, kỹ thuật, công nghệ và y học. Điều này khiến tỷ lệ phụ nữ làm việc trong những ngành sáng tạo công nghệ là rất thấp.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều định kiến “trói buộc” phụ nữ trong vai trò truyền thống thay vì được tạo điều kiện trở thành các nhà lãnh đạo. Những “rào cản vô hình” khiến những phụ nữ tài năng bị lỡ mất cơ hội trong công việc so với đồng nghiệp nam khi họ lập gia đình và có con. Nếu như không có sự thay đổi, vòng tuần hoàn này sẽ lặp lại, các bé gái và phụ nữ của thế hệ tiếp theo sẽ không có hình mẫu để truyền cảm hứng và phát huy tối đa năng lực tiềm tàng.
Trên thực tế, nhiều nước cũng đã có những chính sách để xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ. Tại Nhật Bản, để thực hiện mục tiêu "Womenomics", thúc đẩy vai trò quan trọng của phụ nữ trong công cuộc tái thiết nền kinh tế, Thủ tướng Shinzo Abe đã điều chỉnh hàng loạt chính sách để "cởi trói" và trao quyền cho phụ nữ, giúp cả triệu phụ nữ tham gia thị trường lao động trong khi vẫn chu toàn cuộc sống gia đình. Ngay tại vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia có tư tưởng bảo thủ, chính phủ cũng đã công bố những đạo luật mang tính bước ngoặt, như cho phép phụ nữ được một mình lái xe, giúp họ có thể tham gia hoạt động cộng đồng dễ dàng hơn. Iceland đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới quy định việc trả lương cho nam giới nhiều hơn nữ giới là trái pháp luật.
Những nỗ lực trên sẽ góp phần đem lại những chuyển biến to lớn trong xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030, thế giới còn rất nhiều việc phải làm.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ, bình đẳng giới và quyền của phụ nữ là nền tảng cho sự tiến bộ về hòa bình và an ninh, quyền con người và sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu. Khi công nghệ ngày càng phát triển thì sự đóng góp của phụ nữ cho sự tiến bộ xã hội là vô cùng quan trọng. Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững, có vai trò quyết định trong một thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ nhận thức tới hành động, một tư duy đổi mới và cách thức sáng tạo, cân bằng sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu xóa bỏ rào cản và thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu.