Sáu sai lầm của truyền thông phương Tây khi đưa tin về Xyri

Giống như cuộc xung đột tại Libi năm 2011, các phương tiện truyền thông phương Tây, từ Thời báo New York, Fox News (Mỹ), cho tới "The Guardian" (Anh) và "National Post" (Canađa) hay "Le Monde" và "Le Figaro" (Pháp) khi đưa tin về Xyri, đều có một cốt truyện cơ bản, đó là “chính quyền độc tài Xyri đang tra tấn và tàn sát người biểu tình và thường dân, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em" và rằng "các nước phương Tây và Liên minh Arập muốn bảo vệ những thường dân Xyri".

Theo "Liên minh Ngăn chặn Chiến tranh" (STWC), một tổ chức độc lập tại Anh, truyền thông phương Tây đã sử dụng mọi thông tin có được để đưa tin theo lập trường của họ mà không quan tâm đến nguồn tin và chất lượng tin. Cách đưa tin thành kiến và cường điệu về các sự kiện tại Xyri đã tạo ra một nguy cơ đẩy cuộc xung đột tại đây thành một cuộc chiến tranh tổng lực với những hậu quả thảm khốc đối với người dân Xyri và với cả khu vực. STWC cho rằng truyền thông phương Tây đã mắc 6 sai lầm trong cách đưa tin về Xyri.

Một phóng viên tác nghiệp tại Xyri. Ảnh: Internet


Thứ nhất, truyền thông phương Tây có một giả định ngầm rằng đa số người dân Xyri ủng hộ phong trào nổi loạn, và rằng họ muốn Tổng thống Bashar Assad phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến duy nhất được tổ chức YouGovSiraj có trụ sở tại Cata thực hiện cho biết 55% người dân Xyri không muốn ông Assad ra đi.

Thứ hai, liệu Hội đồng Quốc gia Xyri (SNC) và phong trào nổi loạn có vũ trang có đại diện cho phong trào đối lập tại Xyri? Theo cách đưa tin của truyền thông phương Tây thì phe đối lập tại Xyri cơ bản do SNC đại diện. Nhiều tờ báo độc lập và các nhóm đối lập tại Xyri đã chất vấn sự thiếu minh bạch của SNC về vấn đề thành viên. Một tổ chức khác cũng tuyên bố là đại diện của phe đối lập là Tổ chức Hợp tác Đối lập Xyri (SOC) hoạt động tại Xyri và không ủng hộ sự can thiệp của nước ngoài. Truyền thông phương Tây không cho biết về các tổ chức này, chương trình nghị sự, hệ tư tưởng của họ.

Thứ ba, số lượng thương vong tại Xyri là bao nhiêu và ai là thủ phạm? Thực tế đã có những thương vong và do nhiều nguyên nhân. Số lượng người thiệt mạng do Hội đồng Nhân quyền LHQ tuyên bố tính tới thời điểm này là 7.500, và con số này thường xuyên được truyền thông phương Tây sử dụng để đề cập về quy mô đàn áp tại Xyri. Tuy nhiên, không có phân tích cụ thể về con số này, theo đó tỷ lệ thường dân là bao nhiêu, lực lượng vũ trang của phe đối lập thiệt mạng là bao nhiêu và binh lính chính phủ là bao nhiêu? Truyền thông phương Tây cần có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng con số thương vong khi đưa tin, bởi những con số này có ảnh hưởng rất lớn đối với việc định hình dư luận quốc tế về cuộc xung đột.

Thứ tư, liệu các nguồn tin có tin cậy và không thành kiến? Hoạt động của các nhà báo nước ngoài tại Xyri bị hạn chế bởi lo ngại về an ninh. Hệ quả là, truyền thông phương Tây đã sử dụng các nguồn tin, chủ yếu từ Cơ quan Giám sát Nhân quyền Xyri (SOHR) và các nguồn tin từ các lực lượng đối lập. Đôi khi, truyền thông phương Tây chỉ dẫn nguồn là "các nhà hoạt động" hoặc một thực thể mới lạ hoắc như "Hội đồng Hợp tác Địa phương" (LCC) mà không cung cấp chi tiết về các nguồn tin này.

Thứ năm, lợi ích của các quốc gia muốn thúc đẩy thay đổi chế độ tại Xyri cũng như ủng hộ việc can thiệp của nước ngoài là gì? Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Xyri bị hoen ố và phức tạp thêm bởi sự can thiệp của một danh sách dài các tác nhân nước ngoài với chương trình nghị sự chính trị riêng của mình. Truyền thông phương Tây bấy lâu đã đưa tin hời hợt về các mục tiêu của các quốc gia vốn đang đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột tại Xyri. Cốt truyện đơn giản chỉ là các chính phủ này muốn "bảo vệ người dân Xyri", còn những mắt lưới phức tạp của những lợi ích bất di bất dịch thì phần lớn bị bỏ qua.

Thứ sáu, thành tích dân chủ của các quốc gia muốn dân chủ tại Xyri ra sao? Khối các nước chủ chốt muốn thúc đẩy can thiệp quân sự và thay đổi chế độ tại Xyri gồm Liên đoàn Arập (AL) và GCC. Một điều quan trọng cần lưu ý là phần lớn các quốc gia GCC, trong đó có Baranh, Arập Xêút và Cata hiện đều do các chế độ chuyên chế điều hành và cũng đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình của người dân.

STWC kết luận rằng, cũng giống như trường hợp tại Libi, việc đưa tin một chiều về cuộc xung đột tại Xyri đang khiến cuộc xung đột này leo thang thành nội chiến và sự can thiệp quân sự nước ngoài, vốn nhằm phục vụ một số lợi ích ngắn hạn của các quốc gia bên ngoài, sẽ rất tàn khốc đối với người dân Xyri. STWC kêu gọi truyền thông phương Tây cần có trách nhiệm đạo đức lớn hơn và chuyển từ cách đưa tin một chiều thiếu khách quan đối với chính phủ Xyri sang một cách tiếp cận toàn diện, cân bằng hơn về cuộc xung đột tại quốc gia này.

Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN