Ông Macron không còn lựa chọn nào khác, bởi làn sóng biểu tình và bạo lực mỗi dịp cuối tuần vẫn đang đe dọa nhấn sâu nước Pháp và đặc biệt là chính quyền vào một cuộc khủng hoảng không có lối thoát.
Sức nóng của khói lửa trên đại lộ Champs-Elysée cùng những hình ảnh Paris bị phá phách tan hoang trong lúc lễ Noel đang đến rất gần buộc chính quyền phải có câu trả lời cấp bách và thích đáng, đủ liều lượng để hạ nhiệt ngay lập tức “cơn nóng giận” của một bộ phận người dân.
Trong bài diễn văn rất được mong đợi vào tối 10/12, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố nhiều biện pháp có thể coi là đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người biểu tình “Áo vàng”. Một mặt bày tỏ sự thông cảm với những khó khăn của người dân, vốn là kết quả của những chính sách chưa phù hợp tích tụ từ nhiều thập niên trước, ông tuyên bố sẽ ban bố “tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội” với những biện pháp mạnh và ngay lập tức: tăng lương tối thiểu trước khi khấu trừ các khoản đóng góp xã hội thêm 100 euro ngay từ đầu năm tới “mà không khiến cho người sử dụng lao động tốn thêm đồng nào”, mở rộng diện miễn đóng góp bảo hiểm xã hội sang cả những người về hưu có thu nhập dưới 2.000 euro, khuyến khích doanh nghiệp thưởng cuối năm cho người lao động và khoản tiền này sẽ được miễn tất cả các loại thuế cũng như trách nhiệm xã hội, không đánh thuế các khoản thu nhập từ làm thêm giờ.
Cộng với việc chính phủ quyết định hủy bỏ tăng thuế môi trường đánh vào nhiên liệu được đưa ra trước đó, những biện pháp mới được cho là một “liệu pháp sốc” trấn an người biểu tình vì thỏa mãn một phần những đòi hỏi cấp bách của họ.
Có thể thấy những nội dung trong diễn văn của Tổng thống Macron có phần “trái ngược” với phát biểu của một số bộ trưởng đưa ra mấy ngày nay. Phát ngôn viên chính phủ đồng thời là người thân cận với Tổng thống Macron, ông Benjamin Griveaux, trước đó cho rằng không chỉ đơn thuần “trao một tấm séc cho mỗi người” vì điều đó đồng nghĩa với một cử chỉ ban ơn.
Chính ông này cũng tuyên bố nếu như chỉ giới hạn ở các biện pháp khẩn cấp thì chỉ giải quyết được những triệu chứng”. Ngay trong sáng 10/12, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire còn khăng khăng sẽ không cắt giảm đóng góp xã hội của những người hưởng lương hưu.
Sự “bất nhất” trên được hiểu có thể do những quan điểm trước đó đã không được Tổng thống Macron chấp nhận, hoặc phát ngôn của các bộ trưởng chỉ là thủ thuật để tạo ra hiệu ứng bất ngờ cho bài phát biểu được chờ đợi của người đứng đầu đất nước.
Đó là lý do rất nhiều người biểu tình “Áo vàng” đang bám trụ chốt chặn ở một số nút giao thông đã bày tỏ sự bất ngờ giữa lúc các đài truyền hình đồng loạt phát băng hình Tổng thống Macron đọc diễn văn. Không chỉ về nội dung, phát biểu của Tổng thống Macron được coi là một thay đổi quan trọng về phong cách và giọng điệu.
Từ vài tuần nay, chính quyền đã giữ thái độ kiên quyết, bác bỏ các đòi hỏi tăng mức thu nhập cho người dân, đến mức bị chỉ trích là “phớt lờ” tầng lớp người Pháp có thu nhập thấp và ở các địa phương xa xôi. Nội việc chấp nhận đối thoại với người biểu tình và cuối cùng đưa ra một số nhượng bộ ngoài mong đợi cũng được coi là cử chỉ tích cực.
Chấp nhận thỏa mãn một số yêu sách của người biểu tình, Tổng thống Pháp vẫn tỏ ra cương quyết bảo vệ chương trình nghị sự đã được khẳng định trong chiến dịch tranh cử. Không đả động tới các yêu sách liên quan đến chính trị như đòi trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới, giải tán quốc hội, cách chức thủ tướng hay cải tổ chính phủ, ông Macron còn khẳng định sẽ không xem xét lại việc bãi bỏ một phần thuế đánh vào các tài sản lớn. Tiếp tục “cải tổ sâu sắc hệ thống Nhà nước, chế độ trợ cấp thất nghiệp và hưu trí” sẽ vẫn là ưu tiên của chính quyền trong những tháng tới.
Tuy nhiên, những biện pháp mới đưa ra vẫn còn tương đối mơ hồ và cần phải được chính phủ làm sáng tỏ trong những ngày tới. Phản ứng sau bài phát biểu, rất đông người dân đặt câu hỏi liệu lương cơ bản tăng có đồng nghĩa với việc thu nhập của người lao động sẽ tăng lên hay không, đây là điểm chưa rõ ràng.
Trên toàn nước Pháp, hiện chỉ có khoảng chưa đầy 2 triệu người hưởng lương cơ bản trong tổng số khoảng 30 triệu người lao động. Hơn nữa, như cam kết của Tổng thống Macron, các chủ sử dụng lao động sẽ không phải chịu trách nhiệm về khoản lương mới tăng, điều này đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ phải tìm ra nguồn thu để bổ sung, ước tính khoảng 8 đến 10 tỷ euros mỗi năm.
Một khoản tiền không nhỏ, nếu biết rằng từ hơn một năm nay, nguồn thu ngân sách đã giảm đáng kể do các biện pháp giảm thuế và đóng góp của doanh nghiệp để kích thích đầu tư. Chỉ riêng khoản cắt giảm này, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2019, sẽ khiến cho “két sắt” nhà nước hụt 40 tỷ euro, một khoản tiền có thể đe dọa những nỗ lực nhằm ráo riết thu hẹp thâm hụt ngân sách tiến hành từ khí ông Macron lên nắm quyền.
Chính giới Pháp, đặc biệt trong phe đa số, phần lớn đánh giá cao diễn văn của Tổng thống Macron, cho rằng với những biện pháp kịp thời và đủ mạnh, ông chủ Điện Elysee "đang đi đúng hướng" khi nhận trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng xã hội này. Cũng không có gì bất ngờ khi phe đối lập lên tiếng chỉ trích các quyết định mới của Tổng thống Macron.
Thủ lĩnh đảng Nước Pháp bất khuất, Jean-Luc Mélenchon lấy làm tiếc rằng các khoản tiền để bù đắp cho lương tăng sẽ do người đóng thuế và tham gia bảo hiểm xã hội chi trả, còn giới nhà giàu và lợi nhuận của các tập đoàn lớn sẽ không bị ảnh hưởng. Thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, Marine Le Pen, cho rằng, chính quyền “lùi bước để nhảy vọt về phía trước”.
Đối tượng chính của bài diễn văn, những người “Áo vàng” đã tiến hành chiến dịch phản kháng suốt 3 tuần, cũng có quan điểm không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Trong khi một số đánh giá tích cực thông điệp mà chính quyền đưa ra, cho rằng Tổng thống Macron đã hiểu được nguyện vọng của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, một số khác cho rằng các biện pháp mới thiếu thuyết phục và chưa cụ thể. Cũng có ý kiến cho rằng không phải ai cũng được hưởng lợi từ những chính sách mới được công bố.
Không ít người biểu tình cho rằng tuyên bố của Tổng thống Macron đưa ra quá muộn. Điều này có phần đúng, nguyên nhân là chính phủ không thể lường trước được phản ứng quá mãnh liệt từ đa số người dân. Một bộ phận người “Áo vàng” khẳng định họ sẽ tiếp tục biểu tình để chờ đợi các chỉ dấu rõ ràng hơn từ chính phủ trong những ngày tới, trước khi có quyết định dỡ bỏ các điểm tập trung và quay về nhà hay không.
Khó có thể khẳng định các cuộc tuần hành sẽ chấm dứt ngay vì phong trào phảng kháng xã hội lần này mang tính chất tự phát, không có một cơ cấu tổ chức cụ thể - một đặc điểm khiến nó rất khác với các cuộc tổng đình công do các công đoàn hay đảng chính trị tổ chức, nhưng có điểm chắc chắn rằng số người tham gia, nếu có, cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Paris,các thành phố lớn cũng như các miền quê nước Pháp tạm thời có thể trở lại vẻ thanh bình, song tình hình diễn biến tiếp theo phụ thuộc vào những giải pháp tổng thể và lâu dài mà Chính phủ Pháp đưa ra cho những vấn đề gốc rễ gây bất ổn xã hội.