Ứng cử viên Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn sau khi thăm bệnh viện Raymond Poincare ở Garches,ngoại ô Paris ngày 25/4. Ảnh: EPA/TTXVN |
Báo Hospodarske Noviny (Séc) vừa đăng bài viết của chuyên gia Petr Honzejk về vấn đề trên. Bài báo nêu rõ: Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống có quan điểm trung dung Emmanuel Macron đã giương cao cờ EU mừng chiến thắng của ông trong vòng bầu cử đầu tiên.
Tuy nhiên, tại Séc biểu tượng cờ EU bị gạch chéo lại thường xuất hiện trong các cuộc tuần hành của những người ủng hộ Tổng thống Milos Zeman.
Ông Honzejk cho rằng quan điểm của Tổng thống Zeman và ông Macron đại diện cho hai luồng tư tưởng nổi bật hiện nay trên chính trường châu Âu, liên quan đến các vấn đề toàn cầu hóa, nhập cư và quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Giới chính khách châu Âu không còn bị chia rẽ bởi ranh giới giữa cánh tả và cánh hữu nữa mà bởi sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do và xu hướng độc tài, giữa quan điểm cởi mở, hội nhập và xu hướng cô lập. Các lực lượng chính trị ủng hộ EU xuất hiện ở cánh hữu và cánh tả, đối lập với một bên là các lực lượng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ dù họ thuộc các đảng phái truyền thống khác nhau.
Điều này thể hiện rất rõ trên chính trường Pháp khi bà Marine Le Pen, đại diện của lực lượng cực hữu có chung quan điểm với ứng cử viên của Đảng Cộng sản Jean-Luc Melenchon về nhiều chủ đề, trong đó có mối quan hệ với EU.
Tại Séc quan điểm này cũng được Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc-Morava Vojtech Filip và ông Tomio Okamura, lãnh đạo đảng cực hữu chống người nhập cư - Tự do và Dân chủ trực tiếp, ủng hộ.
Tuy nhiên, bối cảnh xã hội Séc và Pháp có sự khác biệt lớn. Tại Pháp tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến sắc tộc, thường bị đe dọa bởi các vụ tấn công khủng bố nên người dân có xu hướng ủng hộ quan điểm tự do, cởi mở của ứng viên Macron.
Trong khi đó, Séc được hưởng lợi từ chính sách mở cửa, hội nhập trong EU và người dân Séc chỉ biết đến vấn đề nhập cư từ các phương tiện truyền thông nhưng ít được trải nghiệm trong thực tế. Do đó, xu hướng bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa mà đại diện là Tổng thống Zeman đóng vai trò chủ đạo trên chính trường.
Lực lượng cánh hữu – Đảng Dân chủ Công dân (ODS), lực lượng chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế của Séc giai đoạn hậu Xôviết, hiện cũng cho rằng đồng euro là thảm họa, phản đối việc Séc gia nhập Khu vực đồng tiền chung EU. Thậm chí, ông Andrej Babis, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính đồng thời là lãnh đạo phong trào ANO, cũng không ủng bộ đồng euro vì các lí do chính trị.
Một số chính trị gia Séc dù tuyên bố ủng bộ EU thì thực tế cũng chỉ là 50/50. Điều này thể hiện rõ nhất trong chính sách của ứng cử viên Tổng thống Séc Jiri Drahos. Quan điểm của Séc trong việc hội nhập EU cho thấy xu hướng cố hữu trên chính trường nước này: “Tốt hơn là không nên làm rắc rối thêm bởi Séc không thể giúp thay đổi được gì hết”.
Đa số chính trị gia Séc hiện nay tin rằng chìa khóa để giành thắng lợi trên chính trường là việc tuân theo xu hướng này. Mặc dù vậy, nhiệm vụ của các chính khách không chỉ là phản ánh lại một cách máy móc quan điểm, thái độ và tình cảm của cử tri mà còn phải thúc đẩy, định hình các quan điểm của cử tri.
Đây là điều mà ông Macron đang thực hiện trên chính trường Pháp. Nếu chính khách Séc nào dám mạo hiểm thực hiện điều này thì ông ta có cơ hội để thành công.