Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Singapore đã kiểm soát dịch bệnh thành công khi mới phong tỏa một lần. Ở đất nước 5,7 triệu dân này, cuộc sống đã trở lại thời kỳ “bình thường mới”. Các nhà hàng, trung tâm mua sắm lại đông người. Các quán bar, phòng tập gym lại nhộn nhịp trở lại.
Chỉ có một số khác biệt so với trước đại dịch là người dân đeo khẩu trang, không bán rượu sau 10h30, câu lạc bộ đêm và quán karaoke vẫn đóng cửa, các nhóm chỉ tụ tập tối đa 5 người.
Chẳng bao lâu nữa, các khác biệt này sẽ còn ít hơn khi Singapore nới lỏng hạn chế ngày 28/12, cho phép tụ tập tới 8 người.
Hồi tháng 4 và 5, khi Singapore bị phong tỏa một phần nghiêm ngặt để “ngắt mạch” lây lan của virus; các trường học, nơi làm việc đóng cửa; nhà hàng chỉ bán đồ mang về; thăm nhà bạn bè, gia đình bị cấm.
8 tuần ngắt mạch là phản ứng của chính phủ với đợt gia tăng ca mắc đột ngột bắt nguồn từ người Singapore trở về từ nước ngoài và mang theo virus.
Trong tháng 3, số ca mắc COVID-19 ở Singapore đã tăng gấp 10, lên 1.000. Trong tháng 4, số ca mắc tăng thêm khi virus hoành hành khu nhà ở chật chội của 323.000 người lao động nhập cư nghèo. Vào ngày tồi tệ nhất, Singapore có tới 1.426 ca mắc.
Đợt dịch này khiến uy tín của Singapore giảm khi đang được ca ngợi vì tiên phong trong quản lý đại dịch. Báo chí nhanh chóng coi Singapore là bài học cảnh giác thay vì tấm gương chống dịch. Khi đó, các chuyên gia nhận định việc Singapore không quan tâm tới khu nhà ở của lao động nhập cư là bước sai lầm lớn nhất.
Thế nhưng, tới tháng 12, Singapore lại thành công trong kiềm chế virus khi có thể tổ chức hội thảo 250 khách và sẽ tổ chức các sự kiện giải trí lớn như hòa nhạc, thí điểm mở lại câu lạc bộ đêm.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng quyết định dời địa điểm tổ chức cuộc họp thường niên đặc biệt năm tới từ Davos (Thụy Sĩ) sang Singapore. Đây mới là lần thứ hai trong 49 năm qua, hội nghị thượng đỉnh nổi tiếng thế giới này diễn ra bên ngoài Thụy Sĩ.
Singapore cũng bắt đầu mở làn nhập cảnh mới dành cho doanh nhân vào nước này ở ngắn ngày mà không cần cách ly thông qua bóng bóng du lịch với Hong Kong (Trung Quốc).
Tiến sĩ Jeremy Lim, Phó giáo sư khoa y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Singapore đã huy động nguồn lực khó tin để có được vị trí hiện nay. Ông nói: “Chỉ trong vài tháng, điều dường như không thể kiểm soát nổi đã được kiểm soát”.
Singapore giờ có 57.377 ca mắc nhưng chỉ có 86 ca đang còn phải điều trị. Tổng số người chết thuộc hàng thấp nhất thế giới: 29 ca. Trong hai tuần qua, Singapore chỉ ghi nhận một ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Các chuyên gia y tế như ông Lim cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá thành tích của Singapore vì cuộc chiến còn kéo dài, nhưng thừa nhận thành công hiện nay là nhờ nhiều yếu tố: chính sách ngắt mạch, quản lý lao động nhập cư trong khu nhà ở để chờ ca lây nhiễm giảm xuống, chính sách truy vết nhanh và cách ly người tiếp xúc gần.
Ông Teo Yik Ying, Trưởng khoa y tế công cộng Saw Swee Hock, cho biết chính sách của Singapore dựa trên khoa học và bằng chứng. Ai vi phạm luật sẽ bị bắt và trừng phạt công khai. Chính phủ hỗ trợ kinh tế - xã hội cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn “ngắt mạch”. Lòng tin vào chính phủ cũng giúp Singapore dập dịch tốt.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng không ngại thừa nhận sai lầm và sẽ tiếp tục cải thiện chính sách. Chính sách liên quan khẩu trang là ví dụ điển hình. Đầu đại dịch, Singapore nói khẩu trang là không cần thiết. Tuy nhiên, khi có bằng chứng khoa học, nước này đã khuyến cao người dân đeo khẩu trang.
Tháng 12, Singapore đang chuẩn bị giai đoạn mở cửa lại thứ ba và cuối cùng. Từ 28/12, chỉ còn nhóm người lao động nhập cư còn bị hạn chế. Nhóm người này chiếm gần 94% tổng ca mắc ở Singapore.
Tình hình của nhóm lao động này là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên Singapore. Khi số ca lây nhiễm tăng, họ buộc phải ở trong phòng. Ngày tháng trôi qua khiến một số người bị ảnh hương tâm thần, có người còn định tự tử.
Giờ đây, mọi chuyện đã sáng hơn. Họ đã trở lại làm việc và được xét nghiệm thường xuyên, có chuyên gia tâm thần tư vấn, có người còn được dọn tới khu nhà ở mới.
Các chuyên gia lưu ý rằng dù Singapore kiểm soát được dịch bệnh nhờ nhiều lớp bảo vệ nhưng thế giới vẫn đang bị đại dịch hoành hành. Khi các lớp bảo vệ này được dỡ bỏ thì Singapore có thể sẽ trải qua đợt bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng quy mô lớn như ở Bắc Mỹ và châu Âu hiện nay.