Sự lan rộng của các tổ chức khủng bố mà đứng đầu là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng với tính bạo lực và cực đoan ngày càng lớn đã trở thành mối đe dọa chủ yếu trên thế giới. Tấn công quân sự chắc chắn là một biện pháp quan trọng không thể thiếu để ngăn chặn sự mở rộng của IS, song ngày càng có nhiều nước ý thức được rằng chỉ dựa vào các hành động quân sự để đối phó với mối đe dọa khủng bố mang tính toàn cầu này là chưa đủ.
Lực lượng an ninh Iraq bắn pháo trong giao tranh với IS tại Garma, phía tây thủ đô Baghdad ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vừa qua, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền đã chỉ ra rằng: "Để đấu tranh chống IS, chỉ dựa vào hành động quân sự là chưa đủ mà chúng ta phải nhổ bỏ tận gốc rễ ý thức hệ của chúng". Một thực tế cho thấy những người bị lôi kéo tham gia cuộc chiến ở Iraq và Syria chủ yếu là do sự tuyên truyền, dụ dỗ của IS. Do vậy, theo ông Tiêu Chí Hiền, để ngăn chặn sự mở rộng của IS, các quốc gia không chỉ sử dụng lực lượng quân sự mà cũng cần triển khai một “cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng là cần thiết và cấp bách bởi IS và những phần tử theo chúng đang lợi dụng Internet để triển khai cuộc tấn công mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng, đồng thời cũng sử dụng tin tặc để thực hiện các cuộc tấn công mạng thường xuyên hơn. Gần đây, các đối tượng thuộc IS đã tấn công một đài truyền hình lớn ở Pháp, sau đó một trang mạng bằng tiếng Pháp nổi tiếng của Bỉ cũng bị các tin tặc đến từ Trung Đông tấn công. Truyền thông xã hội đang trở thành một trong những phương tiện chính để IS tuyên truyền ra khắp thế giới cái gọi là "thánh chiến", và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự ngộ nhận và kích thích tư tưởng cực đoan của những "con sói đơn độc". Có một thực tế là những lời hiệu triệu tôn giáo có thể xuyên qua mọi rào cản biên giới. Theo ước tính, hiện có khoảng hơn 20.000 người đến từ khắp nơi trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi của IS, đã hăm hở tham gia các cuộc chiến ở Trung Đông, thậm chí một số người còn đưa cả gia đình tới đó định cư.
Mặc dù xã hội Singapore tương đối giàu có, ổn định và bình đẳng, nhưng một số người cũng không cưỡng lại được sự cám dỗ mê hoặc từ IS. Điều này cho thấy những suy nghĩ lệch lạc về tôn giáo quả thực rất đáng lo ngại. Một người dưới sự dẫn dắt của niềm tin tôn giáo có thể sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả sinh mệnh của mình. Sở dĩ IS có thể lôi kéo nhiều người tham gia cuộc “thánh chiến” là bởi vì chúng hiểu và sử dụng tương đối tốt công cụ tư tưởng này, làm cho một số người lầm tưởng rằng đất nước mà IS tuyên truyền là một “thiên đường trần gian”, tin rằng cuộc chiến mà họ tham gia là một cuộc chiến chính nghĩa, cho dù có hy sinh thì cũng trở thành một tử sĩ của Thánh Allah. Cuộc chiến tư tưởng của tổ chức khủng bố Hồi giáo đang tạo ra các phần tử cực đoan, một nhóm trong số chúng vẫn còn trên chiến trường, số khác đã "trở về" nước và rất có thể trở thành các “tế bào độc hại” tiếp tục truyền bá các tư tưởng tôn giáo cực đoan ở nước mình. Một số đã được tẩy não trở thành những "con sói đơn độc" sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố trong nước.
Ngoài việc triển khai cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng, các nước cũng cần xem xét các quy định pháp luật hiện hành một cách nghiêm túc để giám sát tốt hơn hành tung của những kẻ cực đoan trong nước. Trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố ngày càng lớn, việc tạo ra một đạo luật chống khủng bố là rất cần thiết. Có thể nói rằng chỉ có triển khai đồng bộ các biện pháp quân sự, tư tưởng và tăng cường kiểm soát bằng luật pháp thì cuộc chiến chống khủng bố mới thực sự mang lại hiệu quả và mới có hy vọng “khối u chủ nghĩa khủng bố” một ngày nào đó sẽ được bóc sạch.
Lê Hải (Theo báo “Liên hợp Buổi sáng”)