Những thay đổi ngược chiều
Sự thay đổi trước hết có thể quan sát trong lĩnh vực kinh tế. Mặc dù điều kiện ở mỗi nước khác nhau, tăng trưởng đã trở lại Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ trung bình toàn khối ước tính sẽ đạt 1,4% năm nay và 1,2% trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone).
Mức tăng trưởng này thấp so với một số nền kinh tế nhưng rất đáng khích lệ nếu nhìn lại tình trạng đáng lo ngại của EU cách đây 5 năm, nhất là ở một số nước vừa bước ra khỏi khủng hoảng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của khối như Hy Lạp hay Tây Ban Nha.
Kinh tế không phải là chủ đề duy nhất khiến cử tri đắn đo trước khi bước vào phòng bỏ phiếu. Năm 2015, các cuộc bầu cử tại Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đã đánh dấu sự nổi lên đáng kinh ngạc của chủ nghĩa dân túy châu Âu.
Ở nhiều nước khác như Pháp, Hà Lan và Đức, phe dân túy cũng tạo ra những đột phá lớn dù chưa thể vươn lên giành chính quyền. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh với chiến thắng thuộc về liên minh lỏng lẻo tập hợp những người chỉ có đặc điểm chung lớn nhất là muốn phá vỡ hệ thống chính trị không còn phù hợp với tình hình thực tiễn mà không có một dự án chính trị cụ thể, đã đưa chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu lên một tầm mức mới.
Tiếp sau đó là thành công của một loạt đảng có khuynh hướng chính trị ít cực đoan hơn, tại Đức, Phần Lan, Thụy Điển hay Tây Ban Nha, lực lượng cực hữu phát triển không ngừng. Đó là bức tranh hết sức sống động và đặc trưng của nền chính trị châu Âu hiện nay.
Diễn biến trên về cơ bản là kết quả của sự hội tụ nhiều yếu tố, trong đó phải nhắc đến đầu tiên là những tác động tiêu cực của mặt trái toàn cầu hóa tới nền kinh tế châu Âu, khiến hàng triệu người không được hưởng lợi từ thành quả của tăng trưởng kinh tế; sự xuất hiện của các công nghệ mới khiến cho tiếng nói của mọi người có khả năng được lan truyền rộng rãi, với tốc độ ngay lập tức.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn, với hàng triệu người ồ ạt tràn vào nhiều nước và chầu chực bên kia đường biên giới châu Âu là yếu tố gây lo ngại lớn, là vết thương tâm lý lớn. Ngoài ra, sự cổ vũ của các thế lực dân túy quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đối với chủ nghĩa cực hữu, chỉ trích tiến trình hội nhập châu Âu, cũng tác động tới quan điểm của người dân EU.
Trong bối cảnh đó, dự án hội nhập châu Âu, được thúc đẩy liên tục, không ngừng suốt vài thập niên qua, đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết do còn quá nhiều lĩnh vực chưa hoàn thiện. Các chính sách của EU tác động lớn đến tất cả các nước thành viên, ở hầu hết những nước này, lực lượng không chấp nhận việc chủ quyền quốc gia bị chuyển bớt cho EU ngày một mở rộng.
Xu hướng hoài nghi châu Âu, những tiếng nói chỉ trích các thiết chế chung của khối, tâm lý không hài lòng với chủ nghĩa quan liêu và xa rời công dân của giới lãnh đạo EU ngày càng lớn dần, tạo ra mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các đảng phái chống châu Âu.
Ở phần lớn các nước, xu hướng ủng hộ châu Âu vẫn còn mạnh -thăm dò dư luận cho thấy có tới % người châu Âu tin rằng nước họ tốt hơn vì nằm trong EU - tạm thời kìm hãm sự vươn lên của các lực lượng hoài nghi châu Âu, nhưng nó đặt ra yêu cầu EU cần phải tiếp tục thay đổi để lật ngược sự thất vọng của một bộ phận lớn người dân.
Ngoài những thay đổi có tính chất đi ngược chiều hướng hội nhập và cởi mở thường thấy ở EU, người ta cũng chứng kiến sự quan tâm mới của người dân đối với môi trường và biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu dư luận của Cơ quan thăm dò châu Âu Eurobarometre thực hiện năm 2017 cho thấy 94% người dân cho rằng bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu là vấn đề “quan trọng” hoặc “rất quan trọng”.
Những đặc điểm đó đã khiến trên bàn cờ chính trị châu Âu nổi lên một sự chia rẽ mới, vượt qua sự khác biệt truyền thống. Trước đây, mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị châu Âu chủ yếu xoay quanh ranh giới giữa cánh tả và cánh hữu, giữa xu hướng ủng hộ hay chống lại tiến trình hội nhập châu Âu, cũng như mâu thuẫn giữa các đảng phái trong nội bộ mỗi nước.
Hiện nay, mâu thuẫn xung quanh các khái niệm như giá trị và bản sắc xã hội nổi lên thành một chủ đề lớn, bên cạnh vấn đề quản lý và hạn chế dòng người nhập cư. Sự kết hợp giữa tư tưởng chống nhập cư và đề cao bản sắc quốc gia, một cách tuyên truyền để chống lại cả xu hướng hội nhập và liên kết châu Âu, che giấu tư tưởng bài ngoại đã mang lại cho chủ nghĩa dân túy, hoài nghi châu Âu có thêm luận cứ mới để tạo sự khác biệt.
Thứ tự các chủ đề được người dân châu Âu quan tâm đã thay đổi một cách cơ bản. Nhập cư, chủ nghĩa khủng bố và chống biến đổi khí hậu nổi lên thành bộ ba vấn đề thu hút sự chú ý hàng đầu của cử tri, trong khi đó chỉ là những nội dung thứ yếu trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ trước. Kinh tế ít được quan tâm hơn chủ yếu do bức tranh kinh tế châu lục hiện nay đã sáng sủa hơn trước.
Tuy vậy, ở mỗi nước, sự quan tâm của cử tri không giống nhau. Nỗi lo kinh tế vẫn được nhắc đến đầu tiên ở những nước đã bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng Eurozone. Năm 2018, có tới 27% người dân Hy Lạp và Italy, 25% người Tây Ban Nha và 22% người CH Cyprus tiếp tục coi đây là một trong hai vấn đề quan trọng nhất của EU, trong khi tỷ lệ trung bình của toàn EU chỉ có 18%.
Thế và lực của các đảng
Thay đổi trong suy nghĩ của cử tri chắc chắn sẽ có ảnh hưởng quyết định tới lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử sắp tới. Các kết quả thăm dò dư luận thực hiện gần đây đã củng cố cho nhận định này.
Cánh tả là lực lượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Thực tế các thành quả kinh tế-xã hội đạt được ở một số nước do cánh tả, nhất là phe thiên tả, nắm quyền hoặc tham gia liên minh cầm quyền không thực sự ấn tượng.
Họ không đủ sức giải quyết những hậu quả xã hội mà cuộc khủng hoảng cũng như các chính sách của cánh hữu gây ra, hoặc không làm rõ được mô hình sản xuất cũng như tái phân phối thu nhập tại châu Âu. Dự báo các đảng cánh tả ở Đức, Italy và Pháp sẽ phải gánh chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử.
Những đồng minh của họ ở Anh, Tây Ban Nha hay các nước Bắc Âu, cho dù có giành thắng lợi hoặc duy trì được tình thế, cũng không đủ mạnh để bù đắp sự giảm sút số ghế trong EP khóa tới, do tỷ trọng của các nước mà cánh tả thắng thế so với toàn liên minh không cao.
Ngay cả phe thiên tả, lực lượng nổi lên sau cuộc khủng hoảng tài chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề, do một số đảng lớn như “Nước Pháp bất khuất” chìm sâu trong khủng hoảng, hoặc bị suy yếu như ở Tây Ban Nha, hoặc hoàn toàn rơi vào quên lãng như ở Italy. Việc cử tri giảm mức độ quan tâm tới các vấn đề kinh tế hậu khủng hoảng tạo bầu không khí không thuận lợi cho các đảng cánh tả.
Sự chú ý của cử tri tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng không mang lại cho các đảng cánh tả thêm lợi thế do sự cạnh tranh gay gắt của khối đảng Xanh châu Âu, lực lượng được hưởng lợi lớn từ phong trào môi trường dâng cao.
Điều này sẽ đặc biệt đúng ở những nước mà người dân nhạy cảm với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tại Anh, Đức và ở mức độ là Pháp và Bỉ, đảng Xanh có thể mở rộng thêm sự ủng hộ, tạo điều kiện để nhóm nghị sỹ đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu tăng cường sức mạnh.
Như thường lệ, vấn đề nhập cư - tị nạn luôn là mối quan tâm lớn của cử tri cánh hữu. Tuy vậy, các đảng cánh hữu truyền thống - khối chính trị mạnh nhất trong EP sắp mãn nhiệm - không phải là mục tiêu dồn phiếu duy nhất của họ.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy cánh hữu có nguy cơ mất một số ghế đáng kể tại một số nước như Đức, Tây Ban Nha và Italy, những nơi mà phe bảo thủ truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các lực lượng có quan điểm chống nhập cư kịch liệt, như đảng AfD (Đức), Vox (Tây Ban Nha), Liên đoàn phương Bắc (Italy).
Hiện tượng này không quá báo động tại Pháp, nơi đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” khó có thể tạo ra đột phá sâu hơn năm 2014 khi họ về thứ nhất, nhưng cánh hữu ôn hòa đã bị suy yếu sau bầu cử tổng thống năm 2017 vẫn chưa thể gượng dậy.
Sự nổi lên của vấn đề nhập cư sẽ tạo đà cho lực lượng chính trị cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là các đảng tham gia nhóm nghị sỹ Châu Âu tự do và các quốc gia riêng rẽ (ENF), tập hợp nhiều đảng lớn ở một số nước thành viên như Tập hợp quốc gia (Pháp), đảng Vì tự do (PVV, Hà Lan), đảng AfD (Đức), đảng Tự do Áo (FPO), …
Gần tới thời điểm bầu cử, các ứng cử viên đứng đầu liên danh tranh cử liên tục hô hào chống nhập cư và giương cao bản sắc của các dân tộc châu Âu để huy động người dân ủng hộ những ưu tiên của họ. Khối ENF có khả năng sẽ mở rộng sự hiện diện trong EP từ 25 ghế hiện nay lên tới trên 62 ghế, trong đó phần lớn nhờ sự ủng hộ ngày càng lớn hơn dành cho Liên đoàn phương Bắc ở Italy.
Khối nghị sỹ trung dung tập hợp trong Liên minh dân chủ và tự do châu Âu (ALDE) nhiều khả năng mạnh lên nhờ sự xuất hiện của nhân tố mới là đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM), đảng cầm quyền mới thành lập tại Pháp và được dự báo sẽ giành nhiều ghế nhất ở nước này.
Không tính LREM, các đảng trung dung cũng đều có bước tiến đáng khích lệ, do họ tranh thủ sự đi xuống và mất uy tín của các đảng lớn. Ở nhiều nước như Tây Ban Nha, Đức, CH Séc, tình trạng này đã phá vỡ thế lưỡng đảng truyền thống, mở đường cho các đảng thành viên của ALDE gửi thêm nghị sỹ tới Strasbourg.
Kết quả thăm dò dư luận gần đây tại tất cả các nước EU cho thấy đảng Nhân dân châu Âu (PPE) sẽ giành khoảng 23% số ghế, nhỉnh hơn một chút so với khối các đảng dân túy và hoài nghi châu Âu, khoảng 20-23% số ghế. Tiếp theo sau là liên minh trung tả S&D (khoảng 19,5%), khối cánh trung ALDE (khoảng 13%) và sau đó là các đảng Xanh/môi trường (7,3%) và phe thiên tả (6,3%).
Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 thập niên, hai lực lượng chính trị chủ chốt trong EP là đảng PPE và S&D không còn giành đa số, nếu cộng các ghế của họ vào nhau. Do đó, ALDE chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các liên minh tình huống để thúc đẩy chương trình nghị sự và thông qua các văn kiện của EP trong nhiệm kỳ tới.
Ngay cả thành công vượt bậc của đảng Fidesz tại Hungary, kết quả tốt ngoài mong đợi của Diễn đàn dân sự tại Ba Lan hay sự trỗi dậy của đảng Dân chủ mới tại Hy Lạp, đều là thành viên PPE, cũng không đủ ngăn chặn sự thụt lùi của nhóm nghị sỹ này.
Mọi sự chú ý đổ dồn về sự nổi lên của các đảng cực hữu, dân túy và hoài nghi châu Âu. Đây không phải là một khối thống nhất do lực lượng chống hội nhập châu Âu rất phân tán, ngay trong EP có nhiều nhóm khác nhau. Trong cuộc bầu cử lần này, không phải tất cả các nhóm nghị sỹ dân túy đều có khả năng mở rộng lực lượng.
Đơn cử, Liên minh bảo thủ và cải cách (AECR) sẽ chứng kiến sự thụt lùi đáng kể, do các thành viên chính là đảng Bảo thủ Anh có thể chỉ giành nhiều nhất 14 ghế so với 19 ghế hiện nay. Dù đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đang nắm quyền tại Ba Lan có thể bổ sung thêm vài nghị sỹ, khối nghị sỹ đề cao chủ quyền quốc gia trong EU sẽ chỉ còn chiếm khoảng 8,6% (khoảng 65 ghế) so với 10% hiện nay.
Ẩn số lớn thuộc về nhóm đảng cực hữu đang tìm cách kết hợp lại với nhau. Ngày 18/5, theo sáng kiến của Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc, đại diện nhiều đảng cực hữu châu Âu, từ “nữ tướng” Marine Le Pen của Tập hợp quốc gia (Pháp), thủ lĩnh đảng Tự Do (Hà Lan) Geert Wilders, cho tới George Meuthen, đảng AfD (Đức) đã họp thảo luận phối hợp hành động. Từ đầu tháng 4, ông Matteo Salvini đã thành lập Liên minh châu Âu của các dân tộc và quốc gia nhằm cụ thể hóa ý tưởng liên kết các đảng theo chủ nghĩa dân tộc trong EU.
Cho đến nay, liên minh mới đã thu hút thêm AfD và một số đảng nhỏ như đảng Nhân dân Đan Mạch, đảng VF tại Phần Lan. Nếu thành công, nhóm nghị sỹ mới khả năng sẽ quy tụ được trên dưới 70 thành viên, nhưng vẫn chưa trở thành một lực lượng mạnh như bà Marine Le Pen từng mơ ước, thậm chí còn chưa đủ để cạnh tranh với nhóm nghị sỹ cánh trung, trong đó đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là thành viên.
Vấn đề của phe cực hữu và dân túy, là dù đứng chung trong một tổ chức, họ kỳ thực là một tập hợp rất khác biệt, mà hai chủ đề gây chia rẽ lớn nhất là kinh tế và quan hệ với Nga. Cho dù có sự phối hợp với nhau về một vài chủ đề, tác động của nó tới chính sách của EU tương đối hạn chế.
iểm của họ ít nhiều sẽ mềm mỏng hơn. Ngoài ra, bản thân EP không thể đề xuất sáng kiến luật pháp, mà thẩm quyền này hoàn toàn thuộc về Ủy ban châu Âu. Trên thực tế, các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước mới là những nhân tố thúc đẩy chính sách của EU.
Nói cách khác, cuộc bầu cử EP chưa phải là mục tiêu quan trọng nhất của các đảng dân túy chưa nắm quyền. Với họ, đây chỉ là cuộc tập dượt và khuếch trương thanh thế để tạo điều kiện cho các cuộc đấu trên vũ đài chính trị trong nước thời gian tới.
Tác động lớn nhất từ sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy không phải là việc các đảng này mở rộng lực lượng, mà là việc nó góp phần quan trọng phá vỡ tương quan chính trị truyền thống trong EP, khiến cho quá trình hoạch định chính sách của EU trở nên khó khăn hơn, do phải mất nhiều thời gian và công sức xây dựng liên minh chính trị.