Trong thời gian gần đây, tất cả sự tranh luận đã tập trung xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran vừa mới đạt được và dẫn đến những suy đoán về tương lai mối quan hệ giữa Washington và Tehran. Tuy nhiên, việc hướng nhiều vào tình trạng bớt căng thẳng dài hạn tiềm năng giữa Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo này đã khiến các nhà bình luận bỏ quên một sự khởi đầu ngoại giao trực tiếp hơn của Nhà Trắng, cụ thể là với nước Nga của Tổng thống Putin.Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc hội đàm. Ảnh: ABCNews |
Mới đây, khi phát biểu với nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times liên quan đến các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Obama đã bất ngờ đưa ra một tín hiệu tích cực về vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán tại Vienna: "Nga đã giúp ích trong vấn đề này. Tôi sẽ nói thật với các bạn. Tổng thống Putin và chính phủ Nga đã chia vấn đề này theo một cách khiến tôi ngạc nhiên, và chúng ta sẽ không đạt được thỏa thuận này nếu không có thiện chí của Nga trong việc kết nối chúng tôi với các thành viên thuộc nhóm P5+1 khác".
Điều này thực sự cho thấy một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Nga mặc dù Ukraine vẫn là vấn đề bất đồng cơ bản và mới tháng trước chính quyền Obama đã thuyết phục thành công EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga đến hết tháng 1/2016.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong nhận xét trên là tín hiệu về một sự chuyển đổi trong suy nghĩ của ông Obama đối với Moskva. Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga trong tháng 3/2014, chính sách của chính quyền Mỹ nhằm mục đích cô lập Nga. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và lạnh nhạt về ngoại giao, chẳng hạn như loại Nga khỏi G-8, được kết hợp với những luận điệu tuyên truyền chống Moskva kiểu như Nga một quốc gia cô lập, không có khả năng hành xử trên vũ đài thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Lavrov tại Sochi. Ảnh: Sputnik |
Tại những thời điểm như vậy, lời lẽ của ông Obama là khá nặng nề. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8/2014, ông Obama cho rằng Nga là một quốc gia "không làm bất cứ điều gì" và bị những tổn thương do dân số đang thu hẹp, không có người nhập cư. Khi đưa ra những bình luận này, ông Obama nhằm mục đích vừa khuấy động sự tức giận ở Moskva và xoa dịu các nhà phê bình tại Quốc hội Mỹ đề nghị đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn đối với ông Putin.
Điều này cũng cho thấy Mỹ đang có một chính sách thực dụng và thực tế hơn đối với Nga trên cơ sở can dự có chọn lọc trong các vấn đề cùng quan tâm. Chính sách này không hẳn là mới; nó từng là trung tâm trong chính sách “cài đặt lại” của ông Obama nhiệm kỳ đầu tiên, được thiết kế nhằm cải thiện các mối quan hệ với Moskva sau cuộc chiến năm 2008 với Gruzia và quan hệ căng thẳng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến cho chính sách trên của ông Obama rơi vào bế tắc. Nhưng hiện nay, đằng sau những cánh cửa khép kín, chính quyền Obama bắt đầu thay đổi một cách khéo léo chính sách cô lập Moskva. Chúng ta có thể gọi đó là một sự “hiệu chỉnh”, nếu không muốn nói là “cài đặt lại”.
Hãy xem xét các dấu hiệu gần đây về ngoại giao giữa Washington và Moskva. Đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Sochi hồi tháng 5 vừa qua, chuyến thăm ngoại giao đầu tiên tới Nga kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra. Chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry, mà ban đầu dự kiến chỉ đàm phán với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhưng sau đó diễn ra trong hình thức song phương với sự tham gia của Tổng thống Putin, đã trở thành một dấu mốc nổi bật, mặc dù như thừa nhận của cả hai bên, không một ai từng chờ đợi đột phá. Theo lời Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov, Moskva xuất phát từ mong muốn đưa quan hệ của Mỹ và Nga về quĩ đạo bình thường. Mỹ cũng coi chuyến thăm của ông Kerry tới Nga là quan trọng để đạt tới tiến bộ về nhiều vấn đề phức tạp.
Giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn là vấn đề bế tắc trong mối quan hệ Nga-Mỹ. Ảnh: Newsweek |
Cũng tại cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Mỹ đã gửi thông điệp rõ ràng rằng đối thoại sẽ chiếm ưu thế hơn là sự cô lập. Ý tưởng này cũng được phản ánh trong các cuộc điện thoại ngoại giao trực tiếp ngày càng tăng giữa ông Obama và ông Putin. Ngày 25/6 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng, Tổng thống Nga đã kêu gọi ông Obama thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân Iran và hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Kể từ đó, 2 vị tổng thống đã có sự thống nhất hơn, với việc ông Putin gửi một thông điệp thân mật cho ông Obama ngày 4/7/2015 và gần đây nhất, cả 2 vị tổng thống đã chúc mừng nhau về thoả thuận hạt nhân Iran đồng thời cam kết hợp tác sâu rộng hơn ở Trung Đông.
Những lời đề nghị này có thể chỉ mang tính biểu tượng, nhưng thỏa thuận hạt nhân Iran là một thành tựu ngoại giao lớn đối với chính quyền Obama, điều sẽ không thể xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của Moskva.
Sau Iran, câu hỏi đặt ra là sự hợp tác tiếp theo giữa Mỹ và Nga sẽ là gì và ở đâu? Đã từ lâu, vấn đề Syria và Ukraine khiến quan hệ giữa hai nước rơi vào bế tắc, nhưng ngay cả trên các mặt trận này, sự thỏa hiệp vẫn có khả năng đạt được. 4 năm sau khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, Mỹ đã thất bại trong tham vọng nhằm khiến cho Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực, một động thái mà Nga từ lâu đã phản đối. Đồng thời, Nga đã bắt đầu thừa nhận sự yếu kém của chế độ Assad và nguy cơ về một cuộc chiến tranh Hồi giáo ở Syria. Thực tế này có thể đưa Mỹ và Nga đến sự đồng thuận chung, tạo ra khả năng hợp tác trong vấn đề Syria. Thật vậy, Syria là chủ đề chính trong một cuộc thảo luận giữa hai vị tổng thống, và Tổng thống Obama cho biết ông đã được "khuyến khích" bởi cách tiếp cận chủ động của Tổng thống Putin về việc giải quyết cuộc xung đột.
Ngay cả vấn đề Ukraine cũng có những dấu hiệu của sự tiến bộ. Hồi đầu tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến thăm quốc hội Ukraine để thúc giục thông qua một điều khoản gây tranh cãi cho phép "luật đặc biệt" ở khu vực bị các cuộc xung đột tàn phá Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine. Bà Nuland được cho là không thân thiện với Moskva; và thường xuyên bị Nga coi là kiến trúc sư của cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, sự hỗ trợ chính thức của bà cho quyền tự chủ lớn hơn ở Donetsk và Luhansk cũng có thể là biểu hiện của một sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Obama về vấn đề Ukraine.
Rõ ràng Ukraine và Syria vẫn còn là vấn đề khó và không gì có thể đảm bảo rằng cam kết ngoại giao sẽ chuyển thành một giải pháp phù hợp với cả hai bên. Tuy nhiên, tạm thời có một điều rõ ràng là: chính quyền Obama ít nhất sẽ tìm cách đối thoại với Nga, sau một nỗ lực lớn nhằm cô lập Moskva nhưng không mang lại kết quả. Có thể sẽ không có nút “cài đặt lại” trong mối quan hệ ngoại giao mới này, và nó cũng không dẫn đến một sự chuyển đổi cơ bản trong mối quan hệ Mỹ-Nga, nhưng chính sách “hiệu chỉnh” mối quan hệ của Washington đối với Moscow hướng tới một chương trình nghị sự thực dụng hơn có thể tạo ra những kết quả có ý nghĩa, phù hợp với lợi ích của cả hai nước.