Mối quan tâm của Trung Đông đối với các cường quốc châu Á không chỉ giới hạn ở Trung Quốc: Hàn Quốc đang nổi lên như một nước tham gia chiến lược trong khu vực. Vậy lợi ích địa kinh tế và địa chính trị thúc đẩy sự hợp tác ngày càng tăng của họ là gì?
Trong những năm gần đây, các cường quốc châu Á ngày càng thể hiện sự quan tâm đến Trung Đông và Bắc Phi (MENA), củng cố quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với các nước trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc ngày càng nhận được sự chú ý nhờ vai trò ngày càng tăng của mình trong hoạt động năng động này, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là nước này không phải là cường quốc châu Á duy nhất tìm kiếm sự hiện diện ở MENA. Đặc biệt, Hàn Quốc đã thể hiện cam kết liên tục trong việc gia tăng ảnh hưởng của mình, nhất là ở khu vực vùng Vịnh.
Theo nhận định của chuyên gia Sara Coppolecchia tại Viện Phân tích Quan hệ Quốc tế (IARI) có trụ sở ở Italy mới đây, Hàn Quốc trong những năm qua đã tích cực xây dựng quan hệ với các nước MENA, thúc đẩy quan hệ ngoại giao và mở rộng hợp tác trên một số lĩnh vực. Vào đầu thế kỷ này, các mối quan hệ đó ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau, một phần do sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Seoul và một phần do nỗ lực của các nước Trung Đông hướng tới đa dạng hóa kinh tế và tái thiết sau xung đột.
Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Đông chủ yếu được thúc đẩy bởi: lợi ích địa kinh tế, gắn liền với nhu cầu năng lượng cũng như các cơ hội đầu tư và kinh doanh của Seoul trong một khu vực đang phát triển nhanh chóng; lợi ích địa chính trị, với việc Seoul đang tìm cách khẳng định mình là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực và được công nhận là một cường quốc châu Á, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Lĩnh vực dầu khí và khí đốt
Như đã đề cập, sự hợp tác của Hàn Quốc với các nước Trung Đông rất đa dạng nhưng vẫn chủ yếu hướng tới an ninh năng lượng.
Điều đầu tiên cần lưu ý là Seoul gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu cho nhu cầu nhiên liệu hóa thạch, với lượng nhập khẩu chiếm 98% tổng lượng tiêu thụ. Năm 2021, Hàn Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ tư thế giới với giá trị nhập khẩu lên tới 60,6 tỷ USD. Trong năm đó, dầu thô lần đầu trở thành sản phẩm được nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Seoul nhập khẩu dầu thô chủ yếu từ Saudi Arabia, Mỹ, Kuwait, Nga và Iraq.
Cũng trong năm 2021, Hàn Quốc đẫ nhập khẩu 24,5 tỷ USD khí đốt, trở thành nước nhập khẩu khí đốt lớn thứ sáu thế giới. Khí đốt là sản phẩm nhập khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc. Các quốc gia cung cấp khí đốt chủ yếu là Mỹ, Qatar, Australia, Oman và Malaysia.
Những thông tin này do OEC (Tổ chức Quan sát về kinh tế) cung cấp, nêu bật sự phụ thuộc đáng kể của Hàn Quốc vào các nước Trung Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Cho đến năm 2019, Hàn Quốc cũng là nước nhập khẩu dầu lớn từ Iran. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã cản trở nghiêm trọng mối quan hệ của Seoul với Tehran, ban đầu làm tê liệt nền kinh tế Iran và hạn chế khả năng trao đổi thương mại của Hàn Quốc với Iran. Kết quả là Hàn Quốc chủ yếu quay sang các nước khác để cung cấp dầu.
Trong số này, Saudi Arabia đóng một vai trò quan trọng với việc Seoul đã ký 51 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ vào tháng 10 năm ngoái. Trong số đó có hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc, một công ty do nhà nước Hàn Quốc kiểm soát và Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Saudi Arabia. Thỏa thuận này quy định việc tạo ra một kho dự trữ dầu thô chung khoảng 5,3 triệu thùng, sẽ được lưu trữ tại một cơ sở ở thành phố Ulsan của Hàn Quốc vào năm 2028.
Năng lượng hạt nhân
Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc đã mở rộng hợp tác năng lượng với Trung Đông, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Seoul đang ngày càng hỗ trợ một số quốc gia trong khu vực đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, đáp ứng mong muốn của các chế độ quân chủ dầu mỏ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đa dạng hóa nền kinh tế của họ.
Hàn Quốc chính thức bày tỏ mong muốn trở thành nước xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân khi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng nước này công bố kế hoạch xuất khẩu 80 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030.
Kể từ đó, Seoul bắt đầu xuất khẩu các lò phản ứng của mình, chủ yếu tập trung nỗ lực vào Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hiện tại, 4 lò phản ứng đang hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân Barakah, được xây dựng nhờ sự hợp tác giữa Hàn Quốc và UAE.
An ninh và buôn bán vũ khí
Trong lịch sử, sự tham gia của Seoul vào các vấn đề quốc phòng và an ninh ở khu vực MENA còn hạn chế so với các cường quốc khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước này đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình ở lĩnh vực này.
Hàn Quốc đã tham gia vào các liên minh do Mỹ lãnh đạo, bao gồm cả các cuộc xung đột, chiến tranh liên quan tới Iraq. Ngoài ra, Hàn Quốc còn đóng góp thông qua các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), như Lực lượng Lâm thời LHQ ở Liban (UNIFIL). Hơn nữa, Hàn Quốc có sự hiện diện hải quân chống cướp biển ở Vịnh Aden và eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, đóng góp đáng kể nhất của Seoul về mặt quốc phòng, an ninh cho các nước trong khu vực lại đến từ việc bán vũ khí. Hàn Quốc hiện là cường quốc quân sự lớn thứ 5 thế giới theo Báo cáo Sức mạnh toàn cầu 2024 và nổi lên là nước xuất khẩu vũ khí lớn vào năm 2022, với các thị trường trọng điểm là Trung Đông, Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Một trong những thỏa thuận đầu tiên trong khu vực MENA xảy ra vào năm 2013 với Iraq, nước mua máy bay huấn luyện T-50IQ từ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI).
Kể từ đó, Hàn Quốc đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị lớn với Ai Cập, UAE và Saudi Arabia. Các thỏa thuận vũ khí của Hàn Quốc chắc chắn đã được hưởng lợi từ nhu cầu và mong muốn ngày càng tăng của các nước MENA trong việc phát triển cơ sở công nghiệp và quốc phòng quốc gia của họ.
Tóm lại, với sự chuyển dịch ngày càng tăng của sức mạnh kinh tế và chính trị toàn cầu sang châu Á, các nước Trung Đông và Bắc Phi đang ngày càng hướng sự chú ý về phía Đông, tìm cách tăng cường quan hệ với các cường quốc châu Á chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Việc hợp tác với các cường quốc này, cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á ở cấp độ toàn cầu, cũng được thúc đẩy bởi chiến lược đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế. Chiến lược này đáp ứng nhu cầu giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan đến sự phụ thuộc vào một đối tác lớn duy nhất. Cách tiếp cận này ngày càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực MENA, được thúc đẩy bởi những bất ổn liên quan đến hành vi của Mỹ và đối với một số người, bởi mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc lịch sử vào các cường quốc thực dân.
Trong bối cảnh này, Hàn Quốc đang nổi lên như một đối tác có khả năng củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực, mở rộng quan hệ với các quốc gia và lĩnh vực khác nhau. Những mối quan hệ này không ngừng phát triển và mang lại triển vọng phát triển đáng kể vì chúng đáp ứng nhiều nhu cầu của các nước trong khu vực.