Một số người đã đặt biệt danh cho cuộc bạo động đang diễn ra tại thị trấn Ferguson - thuộc bang Missouri của Mỹ - là "Mùa xuân Mỹ", mặc dù xét về quy mô tàn bạo và độ đẫm máu thì các cuộc biểu tình tại Ferguson không thể so sánh với các cuộc biểu tình tại Ai Cập và Bahrain, và thị trấn này của Mỹ cũng không bạo lực và bất ổn như các khu vực chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.
Cảnh sát triển khai để ngăn chặn người biểu tình tại thị trấn Ferguson ngày 17/8. Ảnh: AFP-TTXVN |
Người Mỹ đã choáng váng khi nhìn thấy nhiều dấu hiệu tương đồng của các cuộc xung đột "Mùa xuân Arập" với các cuộc bạo động diễn ra hàng đêm tại Ferguson. Làn sóng biểu tình đã biến thành bạo động, với hàng loạt cửa hàng và cây xăng bị đốt phá cùng với các vụ đụng độ giữa lực lượng thực thi luật pháp với người biểu tình. Nguyên nhân bắt nguồn từ ngày 9/8, khi Michael Brown - một thanh niên da đen - bị một cảnh sát bắn chết. Vụ việc này đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn Ferguson với 21.000 dân (chủ yếu là da màu) mà còn ở nhiều thành phố của Mỹ.
Theo các cựu chiến binh, một số cảnh sát tại Ferguson đã tùy ý sử dụng các loại súng, áo chống đạn và ô tô quân sự - những trang thiết bị được binh lính Mỹ sử dụng tại các chiến trường Iraq và Afghanistan. Hình ảnh những cảnh sát được vũ trang hạng nặng này tiếp cận những người biểu tình đã tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ. Những người biểu tình đã từ chối giải tán, đồng thời ném những chai thủy tinh (bị cáo buộc là bom xăng) vào cảnh sát, khiến ít nhất 6 người bị thương và 31 người bị bắt. Trong khi đó, cảnh sát đã dùng hơi cay, bom khói và vòi rồng. Súng của cảnh sát, mặc dù cho tới nay chưa khai hỏa, nhưng vẫn chĩa vào đám đông biểu tình.
Sau vài ngày đầu phản ứng tương đối chậm chạp, hiện các hãng tin tức lớn nhất của Mỹ đã hướng sự chú ý tới Ferguson. Những hình ảnh chiến tranh cũng đặc biệt rõ ràng trong các đoạn băng hình được phát đi từ Ferguson. Các phóng viên, nhiều người trước đây là phóng viên chiến trường, mang mặt nạ phòng độc, mặc áo chống đạn. Các quan sát viên của tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã có mặt tại thực địa. Lần đầu tiên từ trước đến nay, tổ chức Ân xá Quốc tế đã cử một phái đoàn đến giám sát các sự kiện tại một địa phương nằm trong nước Mỹ. Đáng lưu ý là ngay cả Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 19/8 cũng ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng họ đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện tại Ferguson và kêu gọi kiềm chế.
Mặc dù nguyên nhân và sự bất bình là khác nhau, nhưng động lực đằng sau các cuộc biểu tình tại Ferguson và "Mùa xuân Arập" lại giống nhau: Một sự cố cụ thể đang châm ngòi cho một phong trào quần chúng rộng hơn nhiều để trút ra nỗi thất vọng được tích tụ trong nhiều năm. Tại Ferguson, việc một sĩ quan cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen không vũ trang khiến cộng đồng tức giận chống lại sự bất công phân biệt chủng tộc có hệ thống, mà họ tin rằng đã tạo môi trường cho vụ trên xảy ra.
Người ta đang chờ xem các cuộc biểu tình ở Ferguson sẽ kết thúc như thế nào. Trong "Mùa xuân Arập", các cuộc biểu tình thường đạt được thắng lợi ban đầu là sự từ chức hoặc sự sụp đổ của một nhà lãnh đạo độc tài. Tuy nhiên, sau những thắng lợi ban đầu, các cuộc biểu tình có khuynh hướng đuối dần do bản thân những người biểu tình mệt mỏi vì việc tiếp tục biểu tình, đồng thời cộng đồng ngày càng trở nên ít khoan dung hơn với tình trạng hỗn loạn thường đi kèm với các cuộc nổi dậy, và kết quả là đồng ý hơn với bất kỳ biện pháp nào có thể chấm dứt chúng.
Nếu "Mùa xuân Arập" được coi là "kim chỉ nam" thì các cuộc biểu tình tại Ferguson có thể sớm đạt được một kiểu thắng lợi ngắn hạn nào đó, chẳng hạn viên sĩ quan cảnh sát đã bắn chết cậu thanh niên Brown phải ra tòa, hoặc sự hiện diện của cảnh sát vũ trang trong thị trấn có thể giảm bớt, nhưng triển vọng có một thay đổi sâu sắc và hệ thống hơn là rất mờ nhạt.
Dương Hoa (Theo báo "Thư tín địa cầu")