Khi Anh đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G-8 vào giữa tháng 6 tại Enniskillen (Bắc Ailen), vấn đề Syria có thể sẽ phủ mây đen lên chương trình nghị sự đầy tham vọng của Thủ tướng David Cameron sau khi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập ở quốc gia Trung Đông đang chìm trong nội chiến này.
Người tị nạn Syria tại vùng biên giới với Jordan ngày 27/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo "Điện tín" hôm 28/5, trong những tuần gần đây, Nga đã trở thành tâm điểm của mọi nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Xyri. Sau hàng loạt cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhất trí tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế ở Geneva (Thụy Sỹ) về vấn đề Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thảo luận chi tiết với ông Cameron ở Sochi. Vào giữa tháng 6 này, ông Putin lần đầu tiên tham dự thượng đỉnh G-8 sau 6 năm vắng mặt và rất có thể nắm trong tay quân át chủ bài quyết định tiến trình hòa bình Syria. Hy vọng tạo đột phá không phải là vô căn cứ, tuy nhiên từ nay đến thời điểm diễn ra Thượng đỉnh G-8 vào ngày 17 - 18/6, các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ. Hoặc là họ sẽ tìm được tiếng nói chung, hoặc là họ sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc, tất cả đều phụ thuộc vào mức độ thỏa hiệp và nhượng bộ từ nay đến khi khai cuộc.
Một nguồn tin ngoại giao từ Moscow cho biết, Nga sẽ hối thúc các nước phương Tây đưa nội dung về hội nghị hòa bình quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và có sự tham gia của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al - Assad vào tuyên bố chung của Thượng đỉnh G-8. Ông Lavrov cũng khuyến cáo rằng G-8 phải thể hiện được sự thống nhất và đoàn kết, từ đó thuyết phục các bên liên quan đến xung đột chấp nhận giải pháp chấm dứt nội chiến. Moscow không giấu giếm rằng các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới cần phải ủng hộ sáng kiến của Nga và Mỹ. Trên thực tế, Nga cũng muốn tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria càng sớm càng tốt để tạo tiền đề thuận lợi cho Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra ở St Petersburg vào tháng 9 này và Moscow đảm nhận chức chủ tịch luân phiên G-8 vào năm 2014.
Tuy nhiên, bất đồng giữa Nga và phương Tây về tiến trình chuyển giao quyền lực ở Syria đang ngày càng sâu sắc. Những chuyến đi con thoi của Thủ tướng David Cameron, Ngoại trưởng John Kerry, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon tới Nga và cả việc Tổng thống Putin quyết định dự Thượng đỉnh G-8 chưa thể đảm bảo chắc chắn rằng các bên đã tìm được sự đồng thuận. Như vậy, bước đột phá tại Thượng đỉnh G-8 và cơ hội đưa tất cả các bên tham gia xung đột ở Syria ngồi vào bàn đàm phán dường như vẫn còn xa vời. Theo biên tập viên Fyodor Lukyanov của tạp chí "Vấn đề Toàn cầu" (Nga), sự đoàn kết của G-8 sẽ tạo ra sức mạnh tập thể, buộc các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút hay Qatar ngừng can thiệp vào Syria.
Mặc dù đã đạt được mục đích là EU quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với lực lượng nổi dậy ở Syria nhưng Anh đang phải hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ phía các thành viên khác về cái mà họ cho là nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ và bất đồng nội bộ đe dọa sự tồn tại của tổ chức khu vực này. Anh và Pháp đã giành chiến thắng vào phút chót sau 14 giờ đàm phán căng thẳng tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Brussels tối 27/5. Như vậy, lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với lực lượng nổi dậy ở Syria sẽ chấm dứt vào ngày 31/5 trong khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad vẫn được duy trì thêm một năm, ví dụ như lệnh cấm đi lại và cấm vận tài chính. Trong khi đó, vấn đề cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria bây giờ phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia thành viên - một động thái mang tính thỏa hiệp để EU đi đến thống nhất.
Tuy nhiên, một nhóm các thành viên EU do Áo dẫn đầu vẫn bảo lưu ý kiến phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí này. Họ cáo buộc Anh và Pháp đang phá hỏng giấc mơ về sự đồng thuận trong chính sách của toàn châu Âu, biến EU từ một tổ chức kiến tạo hòa bình thành "kẻ khơi mào chiến tranh". Mặc dù vậy, Anh và Pháp cho rằng EU cần phải thể hiện bằng hành động cụ thể nhằm gia tăng sức ép, buộc ông Assad phải nhượng bộ tại hội nghị hòa bình quốc tế. Lập luận này của hai quốc gia EU ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Nga. Đáp lại động thái của EU, Nga cho biết họ sẽ chuyển giao cho Syria hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S - 300 để ngăn chặn "sự can dự từ bên ngoài".
Căng thẳng leo thang ngay trước thềm Thượng đỉnh G-8, khiến ông Cameron phải đau đầu vì Anh từng tuyên bố các vấn đề kinh tế là chủ đề chính tại hội nghị năm nay. Giới chức Nga ám chỉ rằng những cuộc thảo luận kín và bên lề về Syria sẽ chi phối toàn bộ Thượng đỉnh G-8 chứ không phải chương trình nghị sự chính thức do nước chủ nhà đưa ra. Theo ông Lukyanov, "những gì quan trọng sẽ không được công bố công khai, nhưng lại quyết định đến toàn bộ kỳ họp". Nếu điều này xảy ra, thì phải chăng khách sẽ lấn át chủ và nước Anh khó có thể nắm thế chủ động đối với Thượng đỉnh G-8?
Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)