Syria và những ngày tháng 9

Những năm gần đây, tầm cuối tháng 9 là thời điểm người dân Syria chứng kiến những dấu mốc đáng nhớ đối với đất nước và cuộc sống của chính bản thân. Họ phải làm quen nhiều hơn với những tiếng máy bay gầm gào, tiếng đạn pháo rền vang khi ngày 22/9/2014, Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự tại Syria; một năm sau đó - ngày 3/9, Nga phát động cuộc không kích chống khủng bố; và gần đây nhất - 10/9/2016, Nga và Mỹ nhất trí về một lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này.

Triển vọng hòa bình còn mờ mịt

Nga và Mỹ hiện là đồng Chủ tịch Nhóm quốc tế ủng hộ Syria, gồm 23 quốc gia. Lệnh ngừng bắn nói trên là một phần trong thỏa thuận 3 điểm mà hai bên đạt được sau cuộc đàm phán kéo dài gần 13 tiếng tại Thụy Sĩ, nhằm “giảm bạo lực và nối lại hoạt động hướng tới một nền hòa bình thông qua đàm phán và sự chuyển tiếp chính trị tại Syria”. 

Theo thỏa thuận, Nga và Mỹ sẽ thành lập một ủy ban chung để đưa ra các tiêu chí phân loại rõ đâu là quân thuộc phe đối lập và đâu là phần tử khủng bố. Các cuộc không kích của Nga và Mỹ cùng các lực lượng đồng minh cũng sẽ được phân vùng rõ ràng.

Binh sĩ quân đội Chính phủ Syria sau khi giành lại quyền kiểm soát doanh trại Handarat tại thành phố Aleppo ngày 25/9. Ảnh: EPA/TTXVN

Người ta kỳ vọng đặt được những viên gạch hòa bình đầu tiên khi hai cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn và tiềm lực kinh tế-quân sự mạnh cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung. Thế nhưng, thỏa thuận ngừng bắn đã bị đổ vỡ chỉ một tuần sau đó.

Ngày 19/9, một đoàn gồm 31 xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc và tổ chức Chữ Thập đỏ Arab Syria (SARC) đang làm nhiệm vụ đã bị trúng bom trong một vụ tấn công, khiến nhiều người thương vong và gây phản ứng phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Tối cùng ngày, quân đội Syria tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn, cáo buộc các nhóm phiến quân vi phạm thỏa thuận này hơn 300 lần, trong đó các nhóm vũ trang đối lập dưới sự bảo trợ của Mỹ đã thực hiện 23 vụ pháo kích vào những khu dân cư và các vị trí của quân đội chính phủ. 

Quân đội Syria cũng thông báo tiến hành chiến dịch quân sự mới nhằm vào các khu vực lực lượng nổi dậy chiếm giữ ở phía Đông thành phố Aleppo - chiến trường chính của cuộc nội chiến đẫm máu trong thời gian gần đây. Động thái này khiến Mỹ cho rằng chính quyền Syria đã ngăn cản, không cho viện trợ nhân đạo tới với người dân sống trong khu vực bị phong tỏa, đồng thời cáo buộc Damascus từ chối gia hạn lệnh ngừng bắn.

Tình hình còn tệ hơn nữa khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích trúng căn cứ của quân đội Syria ở cao điểm chiến lược Jabal al-Thadar trước sân bay Deir ez-Zor, làm gần 200 người thương vong (trong đó hơn 10 lính đặc nhiệm Nga tử nạn). Lầu Năm Góc phân trần: đây là sự cố nhầm mục tiêu. Tuy nhiên lý do ấy không thuyết phục được Nga và Syria, nhất là khi ngay sau vụ việc này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng mở cuộc tấn công mạnh mẽ vào Jabal al-Thadar, khiến căn cứ này gần như thất thủ. 

"Toàn bộ hỏa lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu đều được trang bị GPS dẫn đường, trong khi quân đội Syria đã hiện diện ở sân bay Deir ez-Zor một thời gian khá dài. Không có lý nào liên quân lại không biết chính xác họ ở đâu. Vụ ném bom giống như một hành động khiêu khích để phe Syria tự mình phá vỡ lệnh ngừng bắn. Nhưng họ đã không cắn câu", ông Jim W. Dean, chủ bút tờ “Veterans Today” phân tích.

Washington luôn bị nghi ngờ rằng ngoài mặt thì nói là “diệt khủng bố”, nhưng thực chất thì “ngấm ngầm bắt tay với khủng bố” để lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - trái ngược với vai trò cố vấn quân sự của Nga tại Syria. 

Vụ không kích nhầm của Mỹ làm dấy lên dư luận cho rằng Washington “bảo kê” IS. Và không chỉ dừng lại ở đó, phía Nga còn tố cáo rằng Mỹ “tỏ ra lưỡng lự” trong việc không kích Mặt trận Al-Nusra thân Al-Qaeda, mặc dù đã đồng ý trong thỏa thuận ngừng bắn. Mặt trận Al-Nusra - gần đây đổi tên là Mặt trận Fateh al-Sham - là tổ chức khủng bố số 1 tại Syria và được cho là đối thủ mạnh nhất có thể đánh bại quân chính phủ. 

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 6. Giống như những nỗ lực không thành trước đó, Nga và Mỹ tiếp tục đứng trong vòng xoáy tranh cãi ai là người có lỗi. Nỗ lực hòa bình liên tiếp thất bại khiến người ta nghi ngờ: Liệu hòa bình có bao giờ tới với Syria?

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rõ ràng rằng không có bên nào giành chiến thắng áp đảo để lái tiến trình chuyển giao chính trị theo hướng của mình. Khác hoàn toàn với lúc ban đầu, giờ đây, cuộc nội chiến Syria đã được quốc tế hóa và phụ thuộc nhiều vào ý đồ của các cường quốc bên ngoài, chứ không phải các phe phái trong nước. Nga, Mỹ, Iran và cả Thổ Nhĩ Kỳ - mỗi nước can dự vào cuộc nội chiến ở Syria từ những góc độ khác nhau, tùy theo những tính toán và lợi ích lâu dài của họ. Bối cảnh tình hình phức tạp và đan xen lợi ích giữa các nước lớn chính là nguyên nhân khiến cuộc xung đột ở Syria khó tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm", dù không ít sáng kiến, giải pháp đã được đưa ra thảo luận và triển khai trên thực tế.

LHQ nhận định Syria đang là “thảm kịch lớn” của thời đại khi mà tình hình tại nước này ngày càng diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), cuộc nội chiến Syria đã cướp đi sinh mạng hơn 300.000 người, và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi vấn đề cứu trợ nhân đạo ngày càng trở nên cấp bách. 

Cách đây một năm, cũng vào một ngày tháng 9, bức ảnh thi thể cậu bé 3 tuổi người Syria Alan Kurdi bị sóng đánh dạt vào bờ biển Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) đã gây chấn động thế giới và trở thành tấm ảnh biểu tượng của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu. Còn hàng trăm em bé khác cũng đã chết như thế trong quá trình theo gia đình tháo chạy khỏi cuộc nội chiến tàn khốc, mà không ai bận tâm. Những người may mắn thoát chết tố cáo phương Tây đã lãng quên số phận của hàng vạn người dân đang chết dần ở Syria trong một bi kịch không có hồi kết. Cuộc chiến ở Syria sẽ tiếp tục đẩy họ tới các hành trình tuyệt vọng trên biển.

Tuy quân đội đang chiếm thế thượng phong tại Aleppo - thành phố lớn nhất Syria, nhưng gần 60% lãnh thổ cả nước vẫn còn nằm dưới “gọng kìm” của IS và Mặt trận Al-Nusra. Cuộc chiến tranh giành những vùng lãnh thổ hiện đang bị chiếm đóng nói trên là một nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa nhấn chìm mọi nỗ lực ngừng bắn và hòa đàm. Những vùng lãnh thổ giàu dầu lửa này từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của nhiều phe nhóm tham chiến tại Syria. Bài toán hóc búa đặt ra với cả Mỹ và Nga là làm thế nào để vừa đánh bại IS, vừa ngăn chặn nguy cơ cát cứ ở Syria. Cuộc nội chiến này sẽ chẳng thể nào chấm dứt chỉ bằng một thỏa thuận lỏng lẻo mà bản thân hai nhà trung gian vẫn còn tìm cách “giữ miếng”. Về lâu dài, vấn đề Syria vẫn cần những đột phá quan trọng với sự nhượng bộ và thỏa hiệp sâu rộng từ các bên liên quan đến cuộc nội chiến hiện nay.
Thanh Phương
Nga giữ đề xuất lệnh ngừng bắn 48 giờ ở Syria
Nga giữ đề xuất lệnh ngừng bắn 48 giờ ở Syria

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 29/9 tuyên bố Moskva không chấp nhận thời hạn ngừng bắn 7 ngày tại Syria bởi vì thời hạn này sẽ được các nhóm khủng bố sử đụng dể tập hợp lại lực lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN