Các cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng vào ngày 8/11 tới để quyết định thành phần tiếp theo của cơ quan lập pháp nước này.
Theo tờ Aljazeera, trong khi chủ đề chiếm ưu thế trong các cuộc vận động tranh cử là về các vấn đề kinh tế, luật phá thai, tình hình tội phạm và nhập cư, các cử tri cũng sẽ đóng góp tiếng nói cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong hai năm tới.
Các chuyên gia nhận định sau nhiều năm rạn nứt, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đã đạt được sự đồng thuận đáng ngạc nhiên về ít nhất hai trong số các ưu tiên chính sách đối ngoại chính của chính quyền Tổng thống Joe Biden: Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, trong khi cách tiếp cận hiện giờ của Nhà Trắng đối với Bắc Kinh được dự đoán sẽ tương đối ổn định dù đảng nào chiếm ưu thế trong Quốc hội 2 năm tiếp theo, thì các nhà phân tích lại cho rằng kế hoạch viện trợ tài chính cho Ukraine của Mỹ sẽ có phần bị ảnh hưởng nếu như đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện.
“Nhiều nghị sĩ Cộng hòa muốn thấy thêm nhiều vũ khí và ít hạn chế các loại vũ khí gửi cho Ukraine. Song cùng lúc, chúng ta vẫn chứng kiến một bộ phận trong đảng này phản đối gói viện trợ cho Ukraine”, Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại viện nghiên cứu Chatham House, giải thích.
Bên cạnh đó, các nhà quan sát cho rằng chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Hạ viện hoặc Thượng viện có thể gia tăng chia rẽ đảng phái ở thủ đô Washington, DC, đặt ra vô số thách thức cho chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden trong hai năm tới.
Đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội cũng có thể làm tăng thêm sức nặng tiếng nói của cựu Tổng thống Donald Trump, người được cho là ứng cử viên của đảng trong cuộc đua năm 2024.
"Sẽ có rất nhiều đảng viên Cộng hòa muốn thể hiện lòng trung thành với ông Donald Trump, vì ông ấy có lẽ sẽ tiếp tục vận động tranh cử tổng thống và có thể giành chiến thắng", ông Jeff Hawkins, cựu Đại sứ Mỹ đồng thời là nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược và Quốc tế Pháp ở Paris, nói.
Trong những thập kỷ gần đây, mặc dù các đời tổng thống Mỹ ngày càng củng cố quyền lực đối với chính sách đối ngoại và một số nhà quan sát nhận thấy quốc hội dần thoái thác trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế, thì Hạ viện và Thượng viện vẫn duy trì một số quyền hiến định quan trọng. Đáng chú ý nhất trong số đó là quyền kiểm soát ngân sách liên bang và khả năng chính thức tuyên chiến với các quốc gia khác.
Quốc hội phải phê duyệt chi tiêu viện trợ, cũng như các khoản phân bổ cho bộ máy chính phủ, với một phần lớn kinh phí dành cho quân đội, đoàn ngoại giao và các chi phí khác ở nước ngoài.
Cụ thể, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, nước này đã cấp phép chi hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Kiev. Trong khi đó, tổng thống thường có thể qua mặt Quốc hội để áp đặt các lệnh trừng phạt, một công cụ quan trọng mà Washington đã sử dụng để trừng phạt Moskva.
Maximilian Hess, một thành viên Trung Á trong chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho hay: “Các biện pháp trừng phạt hầu như đều có thể được thực hiện theo sắc lệnh. Nhưng theo tôi nghĩ, chính quyền đang hướng tới việc giúp đỡ các nước thứ ba bị ảnh hưởng cũng như chính Ukraine. Trong trường hợp đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội, điều này có thể ảnh hưởng đến các gói viện trợ Ukraine thay vì các lệnh trừng phạt Nga. Về cơ bản, việc mỗi tháng Ukraine cần 3-4 tỷ USD hỗ trợ là điều cực kỳ quan trọng”.
Trong tháng 5, 57 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu phản đối gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine. Trong khi đó, tại Thượng viện, 11 nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng có động thái tương tự. Chuyên gia Vinjamuri cho hay vẫn còn phải xem liệu nhóm các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đang phản đối viện trợ cho Ukraine có tăng lên hay không.
Theo kết quả thăm dò, chính sách đối ngoại đi sau các vấn đề khác trong danh sách ưu tiên đối với cử tri. Trong một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào tháng 8, chỉ có 45% cử tri cho rằng chính sách đối ngoại là một vấn đề quan trọng, kém xa 77% người xác định nền kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò của Morning Consult, tính đến giữa tháng 10, 37% người được hỏi cho rằng xung đột ở Ukraine là một vấn đề "rất quan trọng", giảm từ 56% vào giữa tháng 3 và cũng tụt xa so với các vấn đề kinh tế, luật kiểm soát súng đạn và luật phá thai.
Mike Hannah, một thành viên cấp cao tại Eurasia Group Foundation, cho biết: “Không có sự kết nối giữa nhà hoạch định chính sách đối ngoại ở Washington và những người dân Mỹ. Đó không phải là sự chỉ trích đối với việc xây dựng chính sách đối ngoại, mà chỉ là người Mỹ thường không ưu tiên hoặc thực sự quan tâm đến các chủ đề chính sách đối ngoại xung quanh các mùa bầu cử”.
Ông nói thêm rằng cuộc khảo sát gần đây của Eurasia Group đã tiết lộ một số xu hướng lưỡng đảng trong số cử tri có vẻ khác so với quan điểm truyền thống. Điều này có thể gửi tín hiệu tới các nhà lập pháp và ứng cử viên trong việc tiếp cận một số vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng sau nhiệm kỳ.
Đáng chú ý, gần 80% đảng viên Cộng hòa và đảng Dân chủ ủng hộ giám sát chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng vũ lực. Các nhà lập pháp của cả hai đảng đã thúc đẩy cải cách Quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) năm 2001 và 2002, vốn được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho hầu hết các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Phi, Trung Đông và châu Á trong hơn 2 thập kỷ.