Kết thúc cuộc hội đàm cấp cao Triều - Mỹ lần đầu tiên trong vòng 9 tháng qua tại New York vừa qua, cả Bình Nhưỡng và Oasinhtơn đều mong muốn tiếp tục có thêm các cuộc đối thoại cấp cao khác. Theo nhận định của nhật báo “Người đưa tin Hàn Quốc” số ra ngày 3/8, các nước tham gia cơ chế đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thời gian tới có thể sẽ tiến hành một loạt cuộc đối thoại song phương như Bình Nhưỡng - Tôkiô, Bình Nhưỡng - Bắc Kinh, Xơun - Oasinhtơn và Oasinhtơn - Tôkiô.
Các nhà phân tích cho rằng, tại cuộc gặp cấp cao vừa qua, Oasinhtơn và Bình Nhưỡng có thể chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, việc hai bên ngồi lại với nhau phần nào cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều muốn thay đổi tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại.
Trả lời báo giới hôm 31/7, Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Han Song-ryol cho rằng “các cuộc đối thoại cấp cao Triều - Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai không xa”. Về các cuộc gặp song phương với các bên liên quan khác, ông Han Song-ryol cho biết: “Trước khi tái khởi động cơ chế đàm phán đa phương (đàm phán sáu bên), các bên liên quan đều có nhu cầu tiến hành các cuộc đối thoại song phương”. Bên cạnh đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 1/8 cũng cho báo giới biết thêm rằng “cả hai bên (Mỹ và Triều Tiên) đều có lợi ích nhất định khi quan hệ Triều - Mỹ được cải thiện. Hai nước sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình thông qua đối thoại. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đối thoại song phương khác nữa”.
Về vấn đề này, các nhà phân tích đưa ra dự đoán rằng các bên tham gia vòng đàm phán sáu bên sẽ tìm kiếm các cuộc thảo luận đa phương để đánh giá xem kết quả đạt được của cuộc hội đàm cấp cao song phương Mỹ - Triều vừa qua có đủ “lực” để tiếp tục có thêm các cuộc hội đàm song phương giữa Oasinhtơn và Bình Nhưỡng nữa hay không.
Để bắt đầu tiến trình này, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth (đồng thời là quan chức cấp cao của Mỹ tham gia các cuộc đối thoại với Triều Tiên) dự kiến sẽ thực hiện chuyến đi dài ngày tới Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ngay trong tháng này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cũng sẽ có chuyến thăm Nga kéo dài 4 ngày bắt đầu từ ngày 6/8 tới.
Nguồn tin Ngoại giao Mỹ ngày 1/8 cho biết Oasinhtơn muốn “xúc tiến các cuộc hội đàm song phương với các nước tham gia đàm phán sáu bên để trao đổi về kết quả cuộc đối thoại Mỹ - Triều vừa qua đồng thời thảo luận về các bước đi tiếp theo”. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng được cho là cũng đang chuẩn bị trao đổi với “người láng giềng” Trung Quốc về kết quả cuộc gặp vừa qua. Theo lịch trình, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan sẽ phải quá cảnh Bắc Kinh khi từ New York trở về Bình Nhưỡng. Do vậy, giới phân tích cho rằng không loại trừ khả năng ông Kim Kye-gwan sẽ có cuộc gặp ngắn với Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ vào ngày 4/8.
Ngay sau khi Bình Nhưỡng ngày 1/8 tuyên bố muốn “sớm nối lại đàm phán sáu bên mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/8 đã ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Triều Tiên sớm nối lại các cuộc đàm phán sáu bên và cho rằng điều này là vì “lợi ích chung” của các bên liên quan. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan nắm lấy cơ hội này để xích lại gần nhau và cùng nhau đưa ra các điều kiện để sớm nối lại đàm phán sáu bên. Việc tái khởi động đàm phán sáu bên càng sớm càng tốt phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên”.
Trong khi đó, trong cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây tại khách sạn Thiên niên kỷ, ông Kim Kye-gwan đã một lần nữa nhắc lại quan điểm rằng chương trình làm giàu urani của Triều Tiên là vì mục đích hòa bình và “chỉ để sản xuất điện”. Liên quan đến vấn đề này, nhật báo Asahi và một số báo khác của Nhật Bản ngày 1/8 đều cho rằng tại cuộc hội đàm Triều - Mỹ vừa qua, Oasinhtơn đã yêu cầu Bình Nhưỡng dừng ngay lập tức chương trình làm giàu urani. Tuy nhiên, Triều Tiên đã từ chối thực hiện đề nghị này của Mỹ.
Anh Nguyên (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)