Tại sao 2015 là năm ‘sống còn’ đối với châu Âu?

Theo ông Joschka Fischer, cựu Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức trong giai đoạn 1998-2005, cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, như mọi người đề cập, đã kết thúc. Bình yên đang trở lại đối với các thị trường tài chính trong bối cảnh có một sự bảo đảm chắc chắn từ các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) – đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nhưng các nền kinh tế ở khu vực phía nam của châu Âu vẫn còn trong tình trạng trì trệ, khu vực đồng euro vẫn đang phục hồi một cách chậm chạp, áp lực giảm phát, và tại các quốc gia khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp tục ở mức cao.

Không có gì ngạc nhiên, rõ ràng, với sự “bất lực” của chính phủ các nước EU trong việc chấm dứt tình trạng bất ổn, nhiều quốc gia thành viên đang mất dần sự kiên nhẫn đối với chính sách thắt lưng buộc bụng. Thực vậy, một vài quốc gia đang phải đối mặt với những biến động về chính trị.

Ông Joschka Fischer cho rằng, rất có khả năng Hy Lạp sẽ là nơi kích hoạt một cuộc khủng hoảng như vậy (và thậm chí đối với cả khu vực đồng euro). Nước này đang tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mà dường như khó có khả năng đưa ra một người thắng cuộc. Nếu Quốc hội không chọn được một vị tổng thống mới trong vòng bỏ phiếu thứ 3, Hy Lạp sẽ phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm trước thời hạn và đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ hai trong vòng chưa đầy hai năm tại quốc gia châu Âu này. Có nguy cơ rằng đảng Xã hội cực tả sẽ lên nắm quyền tại Hy Lạp.

Năm tới sẽ đánh dấu một bước ngoặt với châu Âu. Ảnh: Telegraph


Tất nhiên, Hy Lạp là một quốc gia nhỏ và dường như các vấn đề của nước này khó có thể đặt ra một mối nguy hiểm thực sự cho khu vực đồng euro. Nhưng kết quả bầu cử ở Athens có thể dẫn đến sự hoảng loạn trong thị trường tài chính, gây ra một cuộc khủng hoảng có thể lan rộng sang Italy và sau đó là Pháp, lần lượt là nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 2 của khu vực đồng euro.

Một phép lạ có thể xảy ra: Một tổng thống mới được bầu ở Athens vào tuần tới, hoặc Syrza không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo. Nhưng thật không may, một trong hai kết quả trên sẽ chỉ trì hoãn một cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra trong lòng EU. Ở Italy, tình hình cũng tương tự với những dấu hiệu cho thấy một cơn bão đang kéo đến, không chỉ vì chính sách khắc khổ mà còn vì chính các vấn đề nội tại ngày càng tăng của đồng euro. Và khi cơn bão đổ vào Italy, Pháp có thể là nạn nhân tiếp theo.

Bên cạnh đó, cuộc tranh cãi về chính sách thắt lưng buộc bụng đang tạo ra một “quả bom chính trị” bởi vì nó trở thành một cuộc xung đột giữa Đức và Italy, và tệ hơn, cả giữa Đức và Pháp. Điều này lại đang xảy ra vào đúng thời điểm khi mà các lực lượng chống châu Âu và lực lượng dân tộc chủ nghĩa đang phát triển mạnh mẽ trong hội đồng của các bang và quốc hội Đức - do đó, làm giảm đáng kể khả năng thỏa hiệp của Thủ tướng Merkel. Cuộc chiến giữa bên bảo vệ chính sách khắc khổ và bên phản đối thực sự đe dọa không chỉ đối với sự sụp đổ của khu vực đồng euro mà còn gây ra chia rẽ với cả châu Âu.

Cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro và việc từ chối thực hiện bất kỳ một phương pháp tiếp cận châu Âu thực tế nào nhằm khôi phục đà tăng trưởng  đã góp phần – không hoàn toàn, nhưng đáng kể - vào sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc trong EU. Sức mạnh của xu hướng chính trị này được thể hiện rõ ràng vào tháng 5 vừa qua, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) lần thứ 8, khi các đảng cực hữu và theo xu hướng hoài nghi đồng tiền chung châu Âu giành thắng lợi lớn tại một số nước EU. Xu hướng này vẫn không suy giảm kể từ thời điểm đó.

Ở mức độ nào đó, điều này có vẻ kỳ lạ. Xét cho cùng, không vấn đề nào mà châu Âu đang và sẽ phải đối mặt có thể được giải quyết một cách dễ dàng bởi từng quốc gia hơn là bởi cả châu Âu thông qua khuôn khổ của một cộng đồng chính trị “siêu quốc gia”. Thật vậy, bài ngoại dân tộc là một điều đặc biệt phi lý trong bối cảnh thực tế nhân khẩu học tại châu lục này: Một châu Âu lão hóa đang rất cần nhiều người nhập cư.

Sẽ không quá khi nói rằng EU đang bị đe dọa cả từ bên trong lẫn bên ngoài bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đó là lý do tại sao cuộc khủng hoảng đồng euro tiếp theo sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. Vậy, tại sao các chính quyền ở Berlin, Brussels và ở các thủ đô khác của EU vẫn không sẵn sàng thay đổi chính sách của họ, vốn rõ ràng đang tạo ra một tình huống tồi tệ hơn?

Vấn đề cuối cùng đó là Anh. London đang có một loạt các động thái với quyết tâm rõ ràng nhằm tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý về thành viên EU của Anh trong quốc hội tiếp theo. Đó là vấn đề nguy hiểm sau năm 2015, nhưng lại là một thành phần quan trọng trong bức tranh tổng thể về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra trong EU. Bất kể cuối cùng Anh có tách khỏi EU, năm tới sẽ đánh dấu một bước ngoặt với châu Âu.


Công Thuận (Theo P.S)

Châu Âu sẽ 'mất' Mỹ năm 2015?
Châu Âu sẽ 'mất' Mỹ năm 2015?

Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người châu Âu vẫn thưởng thức một trong những thú tiêu khiển ưa thích riêng của họ: Chỉ trích về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) gữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN