Theo bình luận của tờ Pravda châu Âu (Ukraine) ngày 7/8, chỉ vài tháng trước, cuộc khủng hoảng hiện tại và mức độ nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine là không thể tưởng tượng được. Chính trị gia có ảnh hưởng nhất của Ba Lan, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền Jarosław Kaczyński, đã tuyên bố vào năm ngoái rằng nước này chỉ có hai đồng minh: Ukraine và Anh.
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Warsaw vào tháng 4 vừa qua, chuyến thăm đầu tiên kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, đã thực sự thành công. Tổng thống Zelensky đã được đón tiếp với nghi thức tương tự như Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó không lâu. Những ví dụ này minh họa những thay đổi quan trọng trong quan hệ Ukraine - Ba Lan trong 18 tám tháng qua.
Ngay khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ba Lan đã đi đầu trong việc hỗ trợ Kiev, khi hầu hết các nước phương Tây chưa quyết định hỗ trợ quy mô lớn. Nhưng nhiều người cho rằng chính sách của Ba Lan đối với Ukraine có thể trở nên thực dụng hơn theo thời gian, vì bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng có giới hạn của nó.
Tuy nhiên sự điều chỉnh này là quá đột ngột, có nguồn gốc từ phản đối của nông dân Ba Lan không hài lòng với ngũ cốc, dầu và ngô của Ukraine ở thị trường nội địa. Trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội đang đến gần ở Ba Lan và PiS đang gặp thách thức để giành chiến thắng, lá phiếu của nông dân trở nên rất quan trọng. Do đó, chính quyền Ba Lan đã chọn cách leo thang căng thẳng với Ukraine.
Cùng với đó, các cuộc thăm dò cho thấy đảng Liên đoàn Tự do và Độc lập của Ba Lan đang trên đường trở thành lực lượng chính trị lớn thứ 3 trong cuộc bầu cử quốc hội vào mùa Thu này. Đảng trên đã thu hút được một số cử tri của PiS, trở thành lực lượng chính trị có ảnh hưởng và có khả năng thành lập một liên minh mới. Sự trỗi dậy của đảng Liên đoàn Tự do và Độc lập đã báo động cho đảng cầm quyền, khiến họ phải điều chỉnh chính sách của mình và áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Ukraine, có thể nhằm thu hút cử tri.
Vào tháng 5/2023, Ba Lan và 3 quốc gia khác (Hungary, Slovakia và Bulgaria) đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, lệnh cấm này cần có sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu.
Kiev đã hai lần nhượng bộ: Lần đầu tiên Ukraine đồng ý vào tháng 5 với việc Ủy ban châu Âu đưa ra lệnh cấm tạm thời xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang 5 nước EU (4 nước đã đề cập và Romania), và sau đó vào tháng 6 là gia hạn lệnh cấm cho đến giữa tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, sau khi đồng ý gia hạn lệnh cấm, Kiev nhấn mạnh rằng đây là nhượng bộ cuối cùng và quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ tại Brussels.
Ngược lại, các quốc gia trên ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm ít nhất cho đến cuối năm nay, trong đó Ba Lan thể hiện quan điểm cứng rắn nhất và tuyên bố sẽ không mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, ngay cả khi Ủy ban châu Âu đưa ra quyết định khác.
Lần này Kiev không giữ im lặng. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã phản ứng gay gắt, nói rằng đó là một động thái không thân thiện và dân túy sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Ukraine và an ninh lương thực toàn cầu. Ông Shmyhal kêu gọi các đối tác và Ủy ban châu Âu đảm bảo xuất khẩu thực phẩm Ukraine sang EU mà không bị cản trở.
Tuyên bố của Thủ tướng Ukraine đã gây ra phản ứng gay gắt ở Ba Lan. Trong một số bộ phận xã hội Ba Lan, họ cho rằng nếu Ba Lan đã hỗ trợ rất nhiều cho Ukraine, thì họ có quyền yêu cầu Kiev nhượng bộ nhất định. Phát biểu tại một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Ba Lan, người đứng đầu văn phòng chính sách quốc tế của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, ông Marcin Pshidach, nói rằng Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ thực sự to lớn từ Ba Lan và nước này "nên ghi nhận vai trò mà Ba Lan đã đóng góp cho Ukraine trong thời gian qua".
Tóm lại, thời gian từ nay đến khi cuộc bầu cử tại Ba Lan diễn ra (dự kiến vào tháng 10 năm nay) sẽ là giai đoạn thử thách trong quan hệ giữa Kiev và Warsaw. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng sau cuộc bầu cử, hai bên sẽ có cơ hội khôi phục quan hệ song phương như mức trước đó, đặc biệt là khi xem xét khả năng hình thành liên minh kéo dài.