Tại sao châu Âu không có các ‘đại gia’ công nghệ như Mỹ?

Với tuyên bố trong tháng này rằng Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra công ty thương mại điện tử Amazon về hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể trong lĩnh vực kinh doanh sách điện tử, sự nhiệt tình trong việc chống độc quyền ở châu Âu dường như đang bị kích thích cao độ. Apple, Google và Facebook đều là mục tiêu của cuộc điều tra, và Amazon hiện là tiêu diểm của ít nhất 3 cuộc điều tra độc lập.

Hình ảnh Steve Jobs (trái) và Steve Wozniak của gã khổng lồ Apple năm 1976.


Nhà chống độc quyền hàng đầu của châu Âu Margrethe Vestager muốn chúng ta tin rằng đây chỉ là sự trùng khớp ngẫu nhiên khi rất nhiều mục tiêu là các công ty công nghệ Mỹ: “Điều này chỉ phản ảnh rằng có nhiều công ty mạnh của Mỹ có ảnh hưởng trên thị trường kỹ thuật số ở nước ngoài”.

Vậy, tại sao châu Âu lại không thúc đẩy việc thành lập các công ty công nghệ thành công? Nói cách khác, đã khi nào các nhà quản lý Mỹ điều tra và nộp đơn kiện một công ty công nghệ châu Âu vì sự thống lĩnh thị trường? (Câu trả lời: Không bao giờ).

Như Giáo sư về sở hữu trí tuệ và chống độc quyền tại Đại học New York Scott Hemphill nhận xét: "Không có nhiều công ty công nghệ châu Âu có sức mạnh đáng kể so với Mỹ. Vì vậy, không có gì là bất ngờ khi họ không nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà chức trách chống độc quyền của Mỹ".

Cụ thể, tại Mỹ, 3 trong số 10 công ty hàng hàng đầu có giá trị vốn hóa thị trường là các công ty công nghệ được thành lập trong nửa thế kỷ qua: Apple, Microsoft và Google. Trong khi đó, ở châu Âu, không có công ty nào nằm trong top 10.

Tuy nhiên, so với tất cả các khu vực khác trên thế giới, châu Âu là nơi có khả năng cạnh tranh thành công với Mỹ trong lĩnh vực này. EU có các trường đại học danh giá, lực lượng lao động được đào tạo tốt, có kỹ thuật tay nghề cao, lực lượng người tiêu dùng dồi dào và có nguồn lực lớn về vốn đầu tư.

Trong lịch sử, châu Âu có các phát minh thay đổi thế giới như báo in, ống kính quang học được sử dụng trong kính hiển vi và kính thiên văn, và động cơ hơi nước. Nhưng thời gian gần đây thì sao? Số lượng các phát minh là không nhiều: King Digital Entertainment, nhà sáng lập ra trò chơi Candy Crush  và hiện có trụ sở tại London (Anh), được thành lập cách đây một thập kỷ ở Thụy Điển, từng nổi lên như một cuộc cách mạng về trò chơi video.

Karlheinz Brandenburg, một người Đức, đã phát minh ra định dạng MP3 để nghe nhạc kỹ thuật số, và các ứng dụng viễn thông Skype đã được sáng lập bởi một nhóm gồm 2 người Scandinavia và 3 người Estonia. Nhưng Apple đã tạo ra máy nghe nhạc iPod MP3.

Điều này đã không được chú ý ở châu Âu. Tháng trước, EU đã công bố chiến lược "thị trường kỹ thuật số chung" nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp châu Âu cải cách và thúc đẩy thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến và xóa bỏ những rào cản gây trở ngại cho quá trình kết nối trực tuyến như vấn đề bản quyền và thương hiệu, chi phí giao hàng thông qua mua sắm trực tuyến xuyên biên giới và tăng cường công tác bảo mật dữ liệu cá nhân.

Các nước châu Âu đã nỗ lực tái tạo ra một thung lũng Silicon khổng lồ với các trung tâm công nghệ như Công viên Khoa học Oxford ở Anh, “Silicon Allee" ở Berlin và Isar Valley ở Munich (Đức), và "Docks Silicon" ở Dublin (Ireland).

"Tất cả họ đều muốn có một thung lũng Silicon. Nhưng không ai trong số họ có thể bắt kịp về quy mô và có sự tập trung vào các công nghệ mới, mang tính đột phá thực sự như ở Mỹ. Châu Âu và phần còn lại của thế giới đang chơi trò đuổi bắt", Jacob Kirkegaard, nhà kinh tế người Đan Mạch và là chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.

Petra Moser, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford (Mỹ), người được sinh ra ở Đức, thì cho rằng châu Âu đang lo lắng về vấn đề này. “Chúng tôi đang cố gắng tái tạo ra Thung Silicon ở những nơi như Munich, nhưng cho đến nay có rất ít thành công. Sự khác biệt về thể chế và văn hóa vẫn còn quá lớn", bà Moser chia sẻ.

Có những rào cản về thể chế và cấu trúc đối với sự đổi mới công nghệ ở châu Âu như vốn đầu tư kinh doanh thấp và luật lao động cứng nhắc đã hạn chế sự phát triển. Nhưng cả ông Kirkegaard và bà Moser đều cho rằng rào cản chính là vấn đề văn hóa.

"Thất bại nhanh, thất bại là bình thường" là câu thần chú của một Thung lũng Silicon, và sự tự do sáng tạo gắn bó chặt chẽ với sự tự do thất bại. Tại châu Âu, thất bại mang ý nghĩa như một sự sỉ nhục lớn hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Việc phá sản sẽ bị phạt nặng tại châu Âu, nhưng ở Mỹ, đây chỉ đơn giản là một con đường để nhiều doanh nghiệp đi đến thành công.

Giáo sư Moser nhắc lại rằng một doanh nhân tuyên bố phá sản ở Đức, đã phải tự tử: "Tại châu Âu, thất bại được coi là một thảm kịch cá nhân. Đó là danh dự. Một môi trường như thế không khuyến khích kinh doanh và chấp nhận nhiều sự rủi ro".

Bên cạnh đó, theo ông Kirkegaard, người châu Âu cũng rất ít tiếp thu các sản phẩm mang tính đột phá thực sự như Google hay Facebook. Ông trích dẫn ví dụ về Uber, loại hình dịch vụ taxi ra đời tại Mỹ. Uber đã được châu Âu đón nhận như sự xuất hiện của một loại virus. Trong khi đó, Mỹ có xu hướng hành động một cách hợp lý hơn và ít cảm xúc về các loại hàng hoá và dịch vụ mà họ tiêu thụ, bởi vì nó không gắn liền với bản sắc dân tộc và khu vực của họ.

Một trong những bước tiến lớn nhất của châu Âu là: Nơi đây là tiền thân của trường đại học hiện đại: Viện đại học Bologna (Italy), được thành lập năm 1088. Tuy nhiên, về các trung tâm nghiên cứu và sáng tạo, các trường đại học của châu Âu từ lâu đã nhượng lại vị thế hàng đầu cho Mỹ.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục ở châu Âu có xu hướng rất cứng nhắc với sự nhấn mạnh vào công tác kiểm tra và tuyển chọn ban đầu. Giáo sư Moser cho biết: "Nếu bạn không làm tốt ở độ tuổi 18, bạn sẽ bị loại. Điều đó khiến rất nhiều người có thể làm tốt hơn nhưng không bao giờ có cơ hội. Những người thể hiện tốt tại một cuộc kiểm tra học thuộc lòng như vẹt ở tuổi 17 có thể không sáng tạo khi họ 23 tuổi”. 

Những điều trên sẽ không dễ dàng thay đổi, cho dù người châu Âu muốn thay đổi. "Tại châu Âu, sự ổn định được đánh giá cao. Bất bình đẳng rất ít được dung nạp. Có một thứ văn hóa chung. Mọi người không nên quá gay gắt. Tiền không phải là vấn đề duy nhất. Đây có thể là những điều tốt”, Giáo sư Moser nói và kết luận các nhà cải cách thành công sớm nhận ra rằng thật khó để vượt qua những chuẩn mực văn hóa.


Công Thuận (Theo New York Times)
Doanh nghiệp châu Âu  vẫn tiếp tục rời bỏ Nga
Doanh nghiệp châu Âu vẫn tiếp tục rời bỏ Nga

Vừa qua Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra một số sắc lệnh yêu cầu các ngành chức năng Nga cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, trong đó đặc biệt tính đến đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh tại Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN