Theo Đài Phát thanh Tự do châu Âu (RFE/RL) ngày 9/6, lần thứ hai chỉ trong vài tháng, Azerbaijan đã cảnh báo công dân của mình không nên đến Iran sau vụ tấn công chết người vào Đại sứ quán Azerbaijan ở Tehran vào đầu năm nay mà họ đổ lỗi cho “tình hình bất ổn ở nước Cộng hòa Hồi giáo” này.
Ngược lại, trong những tuần gần đây, các quan chức Iran đã tức giận vì “sự cố chấp” được cho là của nước láng giềng phía Tây Bắc (Azerbaijan) và sự can dự của các đối thủ trong khu vực vào những gì mà Tehran coi là “sân sau” của mình.
Mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Azerbaijan với “đối thủ không đội trời chung” của Iran, Israel - nổi bật là các thỏa thuận quốc phòng, việc mở Đại sứ quán ở Tel Aviv hồi tháng 3 và chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Israel Isaac Herzog tới Azerbaijan vào tháng trước - đã trở thành những nguồn cơn khiến cho mối quan hệ của Tehran với Baku suy giảm xuống mức thấp mới.
Tehran không chính thức công nhận Israel, quốc gia mà họ coi là “chế độ phục quốc Do Thái” sát hại người Palestine và cáo buộc “có âm mưu phá hoại cũng như gây bất ổn” bên trong biên giới Iran.
“Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã cảnh báo công dân nước này không nên đi du lịch đến Iran! Đây là chính sách tương tự mà Tổng thống Israel đã thực hiện và đề cập trong chuyến thăm gần đây của ông ấy tới Baku”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã tweet vào tuần trước.
Mối quan hệ phức tạp
Chuyến thăm của Tổng thống Herzog tới Azerbaijan, trong đó nói rằng ông và người đồng cấp nước chủ nhà Ilham Aliyev đã thảo luận sâu về “cấu trúc an ninh khu vực đang bị Iran đe dọa”, dường như đã gây chấn động ở Tehran.
“Từ quan điểm của Iran, mối quan hệ chặt chẽ giữa Azerbaijan với Israel là một vấn đề lớn, [cũng như] sự hiện diện tích cực của Israel trong lĩnh vực quân sự [của Azerbaijan] và cung cấp cho nước này vũ khí cùng các mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ”, nhà phân tích Iran Touraj Atabaki, Giáo sư danh dự và chuyên gia về lịch sử xã hội của Trung Đông và Trung Á tại Đại học Leiden, nói.
Nhưng mối quan hệ mới "chớm nở" của Baku với Israel chỉ là một trong nhiều yếu tố gây căng thẳng cho mối quan hệ của Iran với Azerbaijan, một quốc gia có đa số người Hồi giáo Shia.
Các nhà quan sát cho rằng mối quan hệ này trở nên phức tạp kể từ khi Azerbaijan độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991. Nhưng mọi thứ thậm chí còn trở nên rắc rối hơn khi Baku chiếm lại lãnh thổ dọc biên giới Iran trong cuộc chiến năm 2020 với Armenia về Nagorny - Karabakh.
Tehran đã phản đối mạnh mẽ ý định của Baku trong việc sử dụng các vùng đất đã chiếm lại để xây dựng Hành lang Zangezur, hành lang Đông - Tây này sẽ kết nối đất liền Azerbaijan với vùng tách rời Naxcivan và mở ra một tuyến đường thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối thủ khác của Iran, và xa hơn nữa.
Trong khi Iran tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn “Iran Hùng mạnh” dọc theo biên giới của nước này với vùng Naxcivan vào tháng 10/2022 - một hành động phô trương lực lượng nhằm nhấn mạnh rằng họ sẽ không “cho phép phong tỏa” các liên kết thương mại và vận tải của mình với Armenia - thì sáng kiến trên đã có bước tiến mới.
Khi thảo luận về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Armenia và Azerbaijan, Phó Thủ tướng Nga Aleksei Overchuk tuyên bố vào ngày 31/5 rằng hai bên đã tiến gần đến một thỏa thuận sẽ mở đường cho tuyến đường xuyên qua Armenia và lãnh thổ Azerbaijan trước đây bị chiếm đóng bởi Yerevan, và “mở đường đến Nga, các quốc gia thuộc EU và Iran”.
Khi Iran tìm cách thúc đẩy thương mại với Nga nhằm tránh các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc hoàn thành tuyến đường Bắc - Nam thứ hai cũng sẽ đi qua Azerbaijan, triển vọng về một tuyến đường thương mại đi qua Armenia vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa hai bên.
“Iran không thích hành lang này bởi vì trong cuộc cạnh tranh lớn hơn giữa Tehran và Baku, điều đó sẽ làm suy yếu Iran nếu hành lang này được tạo ra, do hiện tại, Azerbaijan phải sử dụng không phận hoặc lãnh thổ của Iran để tiếp tế cho Naxcivan”, Luke Coffey, chuyên gia về chính sách tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Washington, nhận định.
Hành lang Zangezur, nếu được hoàn thành, có nghĩa là “Iran sẽ trở nên ít quan trọng hơn trong mắt các nhà hoạch định chính sách ở Baku, và có lẽ Azerbaijan sẽ cảm thấy được khuyến khích để có một đường lối cứng rắn hơn đối với Iran”, chuyên gia Coffey lưu ý.
Rõ ràng một kịch bản như vậy không phù hợp với Iran, quốc gia đã nỗ lực để gây ảnh hưởng ở Azerbaijan. “Một bộ phận đáng kể dân số Azerbaijan là người Shia và kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Azerbaijan độc lập, Iran đã coi Azerbaijan là sân sau để [mở rộng] ảnh hưởng của của mình”, Giáo sư Atabaki nói.
Trong khi đó vào tháng 11/2022, Baku gây căng thẳng với Tehran bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quân sự của riêng mình dọc theo biên giới Iran, Tổng thống Aliyev nói rằng Azerbaijan cần phải cho Tehran thấy rằng "chúng tôi không sợ họ".
Một bước ngoặt
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên, cuộc tấn công vào Đại sứ quán Azerbaijan ở Tehran hồi tháng 1 năm nay được một số nhà quan sát coi là một bước ngoặt trong quan hệ song phương.
Azerbaijan đã sơ tán nhân viên đại sứ quán sau vụ tấn công, trong đó một nhân viên bảo vệ thiệt mạng và hai người khác bị thương khi một tay súng xông vào đại sứ quán và nổ súng. Baku đổ lỗi vụ tấn công cho cơ quan an ninh Iran và gọi đó là “hành động khủng bố”.
Vào tháng 2, chính quyền Azerbaijan cho biết họ đã bắt giữ gần 40 người vì nghi ngờ làm gián điệp cho Iran.
Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 3 với cáo buộc ám sát Fazil Mustafa, một nhà lập pháp người Azerbaijan, người từng chỉ trích Iran. Sau vụ bắt giữ 4 người vào tháng 4 liên quan đến vụ việc, Baku cáo buộc Tehran đứng đằng sau âm mưu này.
Hai tuần sau, truyền thông Azerbaijan đưa tin về vụ bắt giữ 20 người được cho là có liên hệ với Cơ quan tình báo Iran, những người bị cáo buộc thúc đẩy “tuyên truyền của Tehran, truyền bá mê tín tôn giáo, [và] âm mưu lật đổ chính phủ ở Baku”.
Trong một động thái ăn miếng trả miếng, Tehran và Baku đã trục xuất 4 nhà ngoại giao của nhau vào cuối tháng 4. Và trong khi quan hệ ngoại giao vẫn tiếp tục bế tắc, những căng thẳng thể hiện rõ ràng khi ngoại trưởng của hai nước tổ chức một loạt cuộc điện đàm trong tháng đó, trong đó Iran nói rõ rằng Tehran không tán thành quan hệ của Baku với Israel.
Vào ngày 3/6, Azerbaijan đã châm ngòi cho căng thẳng mới khi đưa ra cảnh báo du lịch, khuyến cáo công dân nước này không nên đi du lịch đến Iran và những người đã ở đó nên cảnh giác.
Tuy nhiên trong cuộc điện đàm ngày 8/6, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov nhấn mạnh nhu cầu giải quyết những bất đồng hiện nay giữa hai nước láng giềng để đưa quan hệ trở lại bình thường. Hai bên cũng lưu ý các cuộc đàm phán phải tiếp tục, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai bên phải trao đổi các nhóm làm việc kỹ thuật và chuyên môn để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay giữa họ.