Tại sao Triều Tiên ‘đóng băng’ chương trình tên lửa suốt 2 tháng qua?

70 ngày trôi qua kể từ lần cuối Triều Tiên phóng tên lửa. Đây được coi là kỳ nghỉ lâu nhất trong năm 2017 đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia này.

Người dân Triều Tiên xem tin tức về vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 qua lãnh thổ Nhật Bản. Ảnh: Reuters/KNCA

Trong cả tháng 8 và tháng 9, Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ phóng thử liều lĩnh, bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một quả tên lửa bay ngang qua Nhật Bản, khiến dư luận lo ngại một cuộc đối đầu trên Bán đảo Triều Tiên sắp xảy ra.

Tuy nhiên xung đột đã không bùng phát. Chỉ có các màn khẩu chiến và cuộc tập trận quân sự giữa Triều Tiên và khối liên minh do Mỹ dẫn đầu bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc là tiếp tục.

Theo đài phát thanh Sputnik, việc tạm dừng đột ngột chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng khiến giới quan sát lo ngại, đưa ra một số giả thuyết giải thích vì sao hoạt động thử tên lửa bỗng dưng bặt tiếng.

Theo một số nhà quan sát và phóng viên, lí do Triều Tiên tạm hoãn các lần phóng thử tên lửa là vì quốc gia này đã gặp phải một trở ngại rất lớn trong việc phát triển tên lửa. Dường như họ không thể chế tạo ra được một thiết bị có khả năng quay trở lại bầu khí quyển hiệu quả, cho phép tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sống sót trong quá trình bay trong bầu khí quyển Trái Đất.

Trong khi đó, một giả thuyết khác được đưa ra là Bình Nhưỡng nhận ra rằng mình đang quá sức khi chống lại liên minh mà Mỹ dẫn đầu. Một cuộc tấn công Triều Tiên sẽ trở thành thảm họa trên nhiều cấp độ, nhưng kết quả khả quan đối với ban lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng rất mong manh. Việc triển khai phương tiện quân sự của Mỹ, đặc biệt là bộ 3 nhóm tàu sân bay hạt nhân tới Bán đảo Triều Tiên có lẽ đã khiến Bình Nhưỡng tạm kìm hãm tham vọng tên lửa của mình.

Không chỉ có vậy, giới quan sát nhận định chính các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên có thể có tác dụng ngăn chặn quốc gia này thực hiện các hành động khiêu khích, vì sợ điều đó khiến nền kinh tế của họ lung lay.

Vậy Triều Tiên có thể thử lại tên lửa vào khi nào?


Theo phán đoán của các chuyên gia, quốc gia Đông Bắc Á này có thể sẽ chờ đến tháng 2 năm sau mới phóng tiếp tên lửa.

Thứ nhất, điều kiện thời tiết khi đó thuận lợi, ảnh hưởng tích cực tới những buổi phóng thử. Thứ hai, trong tháng đó, hai cuộc tập trận quân sự quan trọng Mỹ - Hàn cũng dự kiến triển khai. Thứ ba, Thế vận hội Olympic Mùa đông 2018 tại Seoul cũng tổ chức vào khoảng thời gian đó, mọi ánh mắt sẽ dồn về Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, đầu tháng 11, Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) và tình báo nước ngoài Hàn Quốc cho biết Triều Tiên từ giờ đến cuối năm sẽ thử một vụ phóng tên lửa nữa, dưới dạng phóng vệ tinh trong khuôn khổ phát triển chương trình khám phá không gian. Ngày 28/11, các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đang ở trong tình trạng báo động sau khi thu được các tín hiệu vô tuyến cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, dựa theo hình ảnh vệ tinh, các tín hiệu cũng có thể chỉ liên quan đến hoạt động huấn luyện mùa Đông của quân đội Triều Tiên.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Triều Tiên quyết đương đầu với Mỹ bằng hạt nhân
Triều Tiên quyết đương đầu với Mỹ bằng hạt nhân

Vị quan chức cấp cao Triều Tiên khẳng định quyết tâm chống Mỹ bằng hạt nhân và nhấn mạnh châu Á không cần phải lo lắng vì Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân chỉ có một mục đích duy nhất là chống lại Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN