Tại sao Triều Tiên thả hai công dân Mỹ?

Triều Tiên vừa thả tự do cho 2 công dân Mỹ bị bắt giữ mà không có một điều kiện nào. Triều Tiên có đạt được điều gì khi thả tự do cho họ? Mỹ đã hứa hẹn điều gì với Triều Tiên?

Ba công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ. Từ trái qua: Matthew Todd Miller, Jeffrey Fowle và Kenneth Bae. Ảnh: cbsnews.


Ngày 8/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo 2 công dân Mỹ, Kenneth Bae và Matthew Todd Miller, bị chính phủ Triều Tiên bắt giữ đã được thả tự do. Hai người này đã được James Clapper, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ hộ tống về nước.

Động thái chưa từng có tiền lệ này của Triều Tiên diễn ra chỉ 3 tuần sau khi Bình Nhưỡng thả tự do cho một công dân Mỹ khác - Jeffrey Fowle, người bị Triều Tiên giam giữ trong gần 6 tháng.

Trong quá khứ, Bình Nhưỡng luôn đặt ra yêu sách “giải thoát” những công dân Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên đối với Washington. Ông Kim Jong Il, cựu lãnh đạo Triều Tiên, từng gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Jimmy Carter vì những lý do tương tự để đổi lấy những lợi ích cho quyền lực của mình.

Tuy nhiên, chuyến thăm của James Clapper đã không phải là một “phần thưởng” với Triều Tiên. Thứ duy nhất mà Chính phủ Triều Tiên nhận được là “một lá thư ngắn gọn” của Tổng thống Mỹ Barack Obama được vị Giám đốc tình báo gửi tới.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này không mất gì trong vụ Triều Tiên thả tự do cho Kenneth Bae, chịu án 15 năm ở một trại cải tạo vì “thái độ thù địch”, và Miller, bị bắt giữ hồi tháng 4 vì bị tình nghi chống lại chế độ Triều Tiên. Tuyên bố này theo sau tuyên bố tương tự vào thời điểm Jeffrey Fowle trở về nhà.

Đương nhiên, cả hai tuyên bố này là bắt buộc về mặt chính trị. Do đó, một số nhà phân tích đã đặt ra nghi vấn liệu chính quyền Obama có tạm thời từ bỏ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” – chờ đợi Triều Tiên để giải cứu Bae và Miller, và liệu Washington có bí mật hứa hẹn điều gì với Triều Tiên.

David Maxwell, thuộc Đại học Georgetown, đã nhắc nhở rằng chính quyền Triều Tiên chưa thay đổi các mục tiêu của chính sách đối ngoại và nhấn mạnh rằng “có thể còn điều gì đằng sau” vụ việc. Bởi hành động thả con tin đầy thiện chí mà không có sự đảm bảo về lợi ích nào không phải là cách hành động của gia tộc Kim.

Vậy, điều gì có thể đã xảy ra đằng sau tấm rèm?

Chính quyền Kim Jong-un có rất nhiều điều để đạt được thông qua cuộc gặp với người Mỹ, đặc biệt sau khi đe dọa cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc, đồng minh Triều Tiên trước đây. Mối quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng từng không mấy vững chắc, nhưng vụ xử tử Jang Song Thaek, chú rể của nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái, đã dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong quan hệ đồng minh Trung -Triều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.


Ông Kim Jong-un, nắm quyền hành lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết của cha mình, đã trao cho người chú rể Jang Song Thaek gần như toàn quyền kiểm soát quan hệ với Bắc Kinh.

Sự loại bỏ “tàn bạo” ông Jang Song Thaek hồi năm ngoái khỏi trung tâm quyền lực Triều Tiên đồng nghĩa rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mất đi nhiều khả năng đối thoại với nhau. Tồi tệ hơn, các phụ tá thân tín từng trợ giúp ông Jang trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng đã bị “nhổ rễ”.

Nói ngắn gọn, nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đã tự tay cắt đi người ủng hộ quan trọng nhất. Và Trung Quốc, chỉ thể hiện sự kiên nhẫn giới hạn với những người anh em bên kia biên giới, đã không phản ứng tốt với thái độ xem nhẹ liên tiếp từ chế độ Kim Jong-un.

Những sự kiện này buộc Triều Tiên phải tìm tới những mối quan hệ khác. Trong vài tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã khởi động một “cuộc tấn công mê hoặc” hướng vào Moskva, Tokyo và Seoul. Hồi đầu tháng 10, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Hwang Pyong So, nhân vật quyền lực thứ 2 trong Chính phủ Triều Tiên, đã có chuyến thăm bất ngờ tới Incheon, Hàn Quốc. Và có lẽ, Washington là điểm dừng mới nhất trong chuyến du ngoạn thiện chí của Bình Nhưỡng.

Một lý giải khác đối với việc trả tự do 3 người Mỹ có thể là:

Các nhà lập pháp Triều Tiên đang cố gắng khiến Trung Quốc lo ngại bằng cách tạo ra ấn tượng rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc với Washington. Bởi việc Mỹ hoạt động tại Bắc Triều Tiên, ngay ở biên giới Trung Quốc, là điều cuối cùng mà Bắc Kinh muốn nhìn thấy.

Sau cùng, Bình Nhưỡng có lẽ đang cố gắng ngăn chặn việc bị đưa ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC), sau khi Ủy ban điều tra Liên hợp quốc về nhân quyền công bố báo cáo khép nhà lãnh đạo Triều Tiên vào “tội ác chống lại loài người” hồi tháng 2.

Để cho Bae và Miller trở về quê hương có thể là một phản ứng chưa đầy đủ đối với thế giới, nhưng sự thừa nhận chưa từng có tiền lệ của Triều Tiên về sự tồn tại của các “trại cải tạo” hồi đầu tháng 10 cho thấy họ đang làm tất cả có thể để ngăn chặn việc bị trừng phạt trước ICC.

Nếu thực sự có một thay đổi trong chính sách của Bình Nhưỡng, thì lá thư của ông Obama có thể mở cánh cửa tới những cuộc thảo luận tiếp theo. Mặc dù một sự cải thiện nền tảng trong quan hệ sẽ không sớm đạt được, việc thử thách những người Triều Tiên không có gì sai.



H. Nhân (Theo TheDailyBeast)



Triều Tiên thả 2 công dân Mỹ còn lại
Triều Tiên thả 2 công dân Mỹ còn lại

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo 2 công dân Mỹ bị chính phủ Triều Tiên bắt giữ đã được trả tự do.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN