Taliban đang thay đổi - Một thế hệ mới bắt đầu xuất hiện

Nếu lực lượng Taliban chịu ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Mỹ và chính phủ Afghanistan thì đây sẽ là bước chuyển biến đáng chú ý và mới nhất của một phong trào lâu nay vẫn bị coi là biểu tượng của chủ nghĩa cực đoan khắc nghiệt, sùng bái bạo lực và tôn giáo.

Lực lượng Taliban bắt đầu hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, thu hút sự ủng hộ của người dân Afghanistan bằng cách đem lại trật tự cho nhiều khu vực nông thôn vốn chịu sự đàn áp và bóc lột của các lãnh chúa. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào năm 1996, lực lượng này đã bắt đầu áp đặt một "phiên bản" luật Hồi giáo Sunni hà khắc ở đất nước này.

Hiện trường vụ đánh bom do Taliban tiến hành ở thủ đô Kabul, ngày 11/6/2013. Ảnh: THX/TTXVN


Truyền hình, âm nhạc và rạp chiếu phim đều bị cấm. Trẻ em gái không được tới trường và phụ nữ phải mặc loại áo trùm toàn thân trong khi đàn ông phải để râu. Afghanistan bắt đầu nếm trải một cuộc sống hà khắc dưới chế độ cai trị của những người Hồi giáo cuồng tín. Chính quyền Taliban khi đó đã thành lập một bộ riêng, chuyên kiểm soát các hành vi đạo đức và xử phạt vi phạm. Tất cả đều bị xét xử và hành hình công khai. Kẻ trộm bị chặt tay chân và các vụ hành hình luôn diễn ra trước sự chứng kiến của đám đông. Bất kỳ ai bị bắt tại một cửa hàng trong giờ cầu nguyện cũng đều bị ngồi tù và thậm chí việc nuôi chim bồ câu hoặc thả diều cũng là phạm pháp.

Sự cai trị của Taliban đột ngột chấm dứt vào khoảng cuối năm 2001, khi Mỹ bắt đầu chiến dịch quân sự tại Afghanistan và ủng hộ cuộc nổi dậy của các tay súng thuộc lực lượng kháng chiến mang tên Liên minh phương Bắc sau vụ khủng bố 11/9 (nhằm vào nước Mỹ).

Taliban đã che chở lực lượng al-Qaeda, bao gồm thủ lĩnh của mạng lưới này là Osama bin Laden từ năm 1997, và từ chối giao nộp ông ta trong bối cảnh Mỹ tìm cách đáp trả các hành động khủng bố đã đánh sập hai tòa tháp đôi tại New York và nhiều vụ tấn công cùng thời điểm tại Washington.

Câu hỏi "liệu Taliban có biết trước về âm mưu tấn công ngày 11/9 hay không" hiện vẫn đang được tranh luận gay gắt, song nhiều chuyên gia cho rằng lực lượng này chỉ nghĩ rằng al-Qaeda đang theo đuổi một cuộc "thánh chiến" tổng thế nhằm vào các mục tiêu quan trọng của phương Tây.

Nhiều nhà ngoại giao, chẳng hạn như cựu Đại sứ Anh tại Kabul, Sherard Cowper-Coles, cho rằng từ lâu giữa Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan vẫn luôn tồn tại "một sự chia rẽ sâu sắc". Ông thừa nhận rằng phân tích đó, cùng với sự hiện diện của các thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo đang sống tự do tại Pakistan, khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chiến dịch do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan đã xác định "sai kẻ thù và sai khu vực"?

Nhiều phần tử Taliban đã được tị nạn tại nước Pakistan láng giềng, và Pakistan là một trong số ít quốc gia công nhận chính quyền giai đoạn 1996-2001 của Taliban. Pakistan từ lâu vẫn bị cáo buộc là cung cấp các hỗ trợ thiết yếu, và trở thành thiên đường phía bên kia biên giới đối với quân nổi dậy Taliban nhằm thúc đẩy việc hình thành một chính quyền dễ bảo ở Kabul sau khi lực lượng quân sự do Mỹ dẫn đầu rút hoàn toàn khỏi khu vực vào năm tới.

Sau khi bị tước bỏ quyền lực, Taliban đã rút về khu vực người Pashtun sinh sống tại phía Nam và phía Đông Afghanistan, đồng thời tăng cường một chiến dịch nổi dậy chống lại các lực lượng quân đội nước ngoài sau năm 2005, khi Mỹ tập trung nguồn lực cho cuộc chiến tại Irắc.

Chuyên gia và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Taliban, ông Jere Van Dyk - người từng bị các phiến quân bắt giam trong 45 ngày hồi năm 2008 - nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2012: "Đây (Taliban) là một phong trào theo chủ nghĩa dân tộc. Họ đơn giản chỉ muốn tự giải thoát khỏi những kẻ xâm lược ngoại đạo, giống như những gì mà các thế hệ cha ông của họ đã làm, để có được cái mà họ cho là một chính quyền Hồi giáo thích hợp. Sâu xa hơn, điều mà họ muốn là một khu vực Pastun thống nhất, họ muốn một Afghanistan theo đạo Hồi triệt để".

Lực lượng Taliban, với hàng nghìn chiến binh nòng cốt, hiện được cho là nằm dưới sự chỉ đạo của Mullah Omar, một cựu binh lão thành, người đã bị mất một con mắt trong cuộc chiến với quân đội Liên Xô hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do lực lượng này thay đổi liên tục trong suốt giai đoạn tiến hành các cuộc nổi dậy, nhiều người hiện đặt câu hỏi "liệu thủ lĩnh của lực lượng này có thực sự kiểm soát được toàn bộ các chiến binh trên thực tế hay không?". Taliban đã trở thành một lực lượng nhạy bén và thức thời. Các phần tử Taliban có thể sử dụng các thiết bị gây nổ ngẫu tác một cách thuần thục và hiện đang tiến hành một cuộc chiến tuyên truyền khá hiệu quả thông qua các tài khoản Twitter, các tin nhắn và băng video nhằm chỉ trích chính quyền Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của NATO ở Afghanistan sắp đi đến hồi kết (vào năm 2014), giới chuyên gia cho rằng lực lượng Taliban cũng đang biến đổi theo những chiều hướng khác nhau, với việc một số phần tử Taliban ngày càng tỏ ra hứng thú với việc tham gia chính trường.

Masoom Stanikzai, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Tối cao thuộc Chính quyền Afghanistan chịu trách nhiệm thúc đẩy các nỗ lực nhằm tổ chức các cuộc đàm phán với Taliban, nhận định: "Taliban đang thay đổi. Một thế hệ mới đang xuất hiện. Một số có các quan điểm mới và hoàn toàn khác về mọi vấn đề, kể cả những vấn đề liên quan tới phụ nữ".


TTXVN/Tin tức
Mỹ vẫn tiến hành đàm phán với Taliban?
Mỹ vẫn tiến hành đàm phán với Taliban?

Bất chấp sự phản đối của Afghanistan, ngày 19/6 một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với báo giới rằng cuộc đàm phán theo kế hoạch giữa Mỹ và lực lượng Taliban có thể sẽ được tổ chức trong vài ngày tới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN