Nước Đức đã tiếp nhận tới 1 triệu người nhập cư và tị nạn trong năm 2015. Đây là thông tin chính thức được chính phủ Đức công bố vào giữa tháng 12 này.
Khả năng của Thủ tướng Angela Merkel và cả bộ máy chính trị Đức trong việc tiếp nhận số lượng người khổng lồ này, đảm bảo chỗ ăn ở và điều kiện sinh hoạt cho họ, cũng như ổn định được tình hình xã hội và phát triển kinh tế cho thấy năng lực quản lý khủng hoảng của người Đức là rất tốt.
Biến một cuộc khủng hoảng lớn trở thành một vấn đề xã hội bình thường, thậm chí thành cơ hội, là điều không phải nước nào cũng làm được như Đức. Có được điều này, một phần lớn nhờ chính phủ của Thủ tướng Merkel đã theo đuổi chủ trương “Chúng ta làm được“ (tiếng Đức: Wir schaffen das) và một “văn hóa tiếp đón" (Willkommenskultur) của đảng cầm quyền Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), cũng như của một bộ phận người dân Đức.
Một khu nhà được sử dụng làm nơi cư trú cho những người tị nạn tại Rossbach, miền nam nước Đức bốc cháy chưa rõ nguyên nhân ngày 18/12. Ảnh: AFP-TTXVN |
Tuy nhiên, “văn hóa chào đón“ không phải là của tất cả người Đức và các đảng phái Đức, mà chỉ ở một bộ phận người Đức và một số đảng phái. Dù công khai hay ngấm ngầm nhưng ngay trong nội bộ đảng CDU của bà Merkel, đã có một bộ phận không ủng hộ chính sách tiếp nhận người nhập cư và tị nạn không hạn chế của bà Merkel. Sự phản đối này mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào sự mềm mỏng hay quyết đoán của bà Merkel trong lời nói và hành động.
Trong khi đó, đối với một bộ phận khác trong dân chúng Đức, thái độ nói Không với người tị nạn và nhập cư là rất rõ ràng. Điều này thể hiện qua con số hơn 500 vụ đốt phá, tấn công các trung tâm tiếp nhận và cơ sở lưu trú cho người tị nạn tại Đức trong năm 2015. Tính trung bình mỗi tháng có hơn 10 vụ, rải rác ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở khu vực quanh thành phố Dresden, Leipzig và một số khu vực ở bang Nordrhein-Westfalen và bang Brandenburg.
Thái độ phân biệt và kỳ thị đối với người tị nạn nói riêng, đối với người nhập cư và người nước ngoài nói chung trong một bộ phận người Đức là điều không thể phủ nhận. Có những đảng phái ở Đức như đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), cương lĩnh của đảng được xác định rõ là không thân thiện với người nước ngoài, không chào đón người nước ngoài ở Đức và phản đối sự nhất thể hóa châu Âu.
Bên cạnh đó còn có các đảng cực hữu như đảng Dân tộc quốc gia Đức (NPD) cùng những phong trào chống người nước ngoài/người Hồi giáo như "Những người châu Âu yêu nước chống lại Hồi giáo hóa" (Pegida), những lực lượng đã và sẽ không bao giờ ủng hộ một nước Đức cởi mở với người nước ngoài, nhất là với người Hồi giáo.
Trước đó, Nội các Đức ngày 9/12 đã nhất trí một dự luật yêu cầu áp dụng bắt buộc thẻ căn cước thống nhất đối với người tị nạn đến nước này. |
Sự ủng hộ AfD của cử tri Đức dao động khoảng 6-10%, tùy theo bang và tùy từng thời điểm, cộng với những người ủng hộ các lực lượng và phong trào cực hữu khác thì con số này ít nhất là 15%. Tức là với dân số khoảng 85 triệu người, có đến chục triệu người Đức theo tư tưởng bài ngoại và thù địch với người nước ngoài. Đây là một số lượng rất lớn.
Ở hai thành phố Dresden và Leipzig thuộc bang Sachsen, miền Đông nước Đức, các cuộc tuần hành và biểu tình chống người nhập cư do đảng AfD hoặc phong trào Pegida tổ chức trong thời gian qua có lúc thu hút được hàng vạn người tham gia. Không phải không có những cuộc tuần hành ủng hộ người nhập cư ở các thành phố khác của Đức, nhưng số lượng ít hơn hẳn những cuộc biểu tình của AfD và Pegida.
Điều đáng nói là tâm lý thù địch với người nhập cư và người nước ngoài ở các bang miền Đông nước Đức, đặc biệt quanh khu vực Dresden và Leipzig lại cao hơn rất nhiều so với các bang ở miền Tây. Một phần nguyên nhân là dù sau hơn 20 năm hội nhập tái thống nhất với các bang miền Tây, sự phát triển kinh tế - xã hội của các bang ở miền Đông vẫn còn một khoảng cách nhất định so với các bang miền Tây, từ đó tạo ra một tâm lý "tự ti" và “khép kín" cho một bộ phận người dân ở khu vực này.
Đức đã đạt được những thành tích phát triển kinh tế ấn tượng những năm gần đây bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính phủ Đức cũng chăm lo tương đối tốt các chế độ an sinh xã hội cho mọi thành phần dân cư. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Đức vẫn là rất lớn, dẫn đến khả năng hưởng thụ các thành quả kinh tế giữa người giàu và người nghèo có sự khác biệt đáng kể.
Cùng với đó, làn sóng người nhập cư và tị nạn khổng lồ đổ vào Đức trong thời gian vừa qua cũng kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại gia tăng trong một bộ phận không nhỏ người dân Đức. Có thể nói đây là những thách thức lớn đòi hỏi chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cần có thêm các chính sách, giải pháp căn cơ và toàn diện hơn trong thời gian tới.