Châu Âu nghiệt ngãNhiều khách du lịch từ các châu lục khác trong mùa hè này đã tránh xa các điểm đến ở châu Âu. Có thể kể đến một số vụ bạo lực điển hình gần đây, đến mức nhiều người cho rằng nó đã trở thành một phần của cuộc sống tại châu Âu.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công tại Nice, Pháp ngày 19/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau vụ tấn công khủng bố chết người xảy ra ở Paris tháng 11/2015, một lần nữa nước Pháp lại bị chấn động bởi khủng bố khi 84 người thiệt mạng ở Nice trong Ngày Quốc khánh. Thủ phạm đã lao xe tải và bắn súng vào đám đông.
Trong khi đó, tại Đức, ngày 25/7, một nhà hàng ở Ansbach vừa bị tấn công khiến một người chết, 12 người bị thương. Một ngày trước đó, một người tị nạn Syria 21 tuổi đã giết chết một phụ nữ bằng dao, làm bị thương hai người khác ở thành phố Reutlinge. Ngày 22/7, một tay súng người Đức gốc Iran đã nổ súng vào một trung tâm mua sắm đông đúc ở Munich, giết chết 9 người. Ngày 19/7, một người tị nạn Afghanistan 17 tuổi đã làm bị thương ít nhất 20 hành khách đi tàu khi chém họ bằng rìu ở Wurzburg.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ba kẻ đánh bom liều chết nghi là thành viên khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhằm vào sân bay quốc tế Ataturk, giết chết 36 người và làm bị thương nhiều người.
Tại Pháp, ngày 22/3, tấn công liều chết ở sân bay Brussels và ga tàu điện ngầm khiến 32 người chết, hàng trăm người bị thương. Thủ phạm có liên hệ chặt chẽ với nhóm khủng bố tấn công Paris cách đó bốn tháng.
Dưới tay những kẻ bạo lực, chiếc xe tải, cái rìu, khẩu súng, con dao hay quả bom đã làm tan nát nhiều mảnh đời vào những lúc họ không ngờ nhất. Nạn nhân là các gia đình vui vẻ xem bắn pháo hoa, thanh niên tụ tập ăn uống ở nhà hàng McDonald, khách du lịch đi tàu hỏa, người hâm mộ nhạc pop xem một buổi trình diễn cuối tuần…
Khác với những năm 1970 và 1980, thời điểm các nhóm phiến quân giết người để đạt mục đích chính trị, những vụ tấn công gần đây chỉ nhằm mục đích giết càng nhiều người càng tốt. Bà Raffaello Pantucci, chuyên gia an ninh thuộc Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia ở Anh, so sánh: “Các phiến quân từng cướp máy bay để trao đổi hành khách với một số đồng bọn bị tù giam. Còn bây giờ, mục đích chỉ là số người bị giết”.
Kỳ thị người tâm thầnCác quan chức an ninh cho rằng loạt vụ tấn công gần đây ở châu Âu và Mỹ cho thấy cần phải tăng cường thu thập thông tin tình báo và tăng cường để ý tới những người có vấn đề tâm thần. Một quan chức Mỹ ở châu Âu nhận định: “Chúng ta đang sống trong sợ hãi, dù là nỗi sợ xuất phát từ khủng bố hay những người tâm thần. Cho dù chúng tự cực đoan hóa hay bất ổn tâm thần thì chúng cũng có thể khủng bố và thay đổi cuộc sống của mọi người. Ở đây, chúng ta có hai đối tượng và chúng ta phải tập trung vào cả hai”.
Đối tượng là người tâm thần càng được chú ý hơn sau khi gia đình của kẻ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice (Pháp) cho biết hắn bị trầm cảm, từng phải điều trị nội trú trong bệnh viện tâm thần. Dư luận và báo chí bắt đầu đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa bệnh tâm thần, tư tưởng cực đoan và bạo lực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh tâm thần không phải là thứ gây ra các vụ tấn công khủng bố. Trên toàn thế giới, cứ bốn người thì có gần một người sẽ gặp một vấn đề về sức khỏe tâm thần tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đa số người bị bệnh tâm thần không bao giờ có hành vi bạo lực và họ thường gây ra nguy hiểm cho bản thân hơn là cho người khác.
Chỉ trong một số trường hợp, rối loạn tâm thần có thể khiến một số người nhạy cảm với tư tưởng cực đoan hơn và trong một số trường hợp hiếm hoi, tư tưởng cực đoan này có thể dẫn tới hành động bạo lực. Theo thống kê, chỉ 3 đến 5% hành vi bạo lực có thể do những người bị bệnh tâm thần nặng gây ra. Do đó, theo bà Ariane Bazan, giáo sư tâm lý lâm sàng tại Đại học Libre ở Brussels, không nên coi những người có vấn đề tâm thần là người dễ bị tổn thương và có khả năng cao bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan.
Theo tiến sĩ Raj Persaud, nhà tâm lý và giáo sư tại Đại học Gresham (London), chính những người cô độc, bất mãn mới dễ là đối tượng bị lôi kéo theo các tư tưởng cực đoan. Ông cho biết: “Họ bắt đầu mất nhân tính với người khác và có thể không cần nhiều động cơ khi thực hiện tấn công khủng bố”.
Dù vậy, vụ tấn công ở Nice không phải là lần đầu tiên người ta liên hệ giữa người tâm thần và hành vi khủng bố. Sau vụ giết hai nhà báo ở Virginia (Mỹ) năm 2015, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump cho rằng vụ việc “không phải là vấn đề súng đạn, mà là vấn đề tâm thần”. Suy nghĩ này cũng được đưa ra sau khi máy bay của hãng hàng không Germanwings gặp nạn đầu năm 2015 mà phi công là người có tiền sử tâm thần.
Ông Gregory Dalack, trưởng khoa tâm lý thuộc Đại học Michigan, nói rằng khi liên hệ giữa bệnh tâm thần và khủng bố, vô tình người ta đã khuyến khích dư luận đánh đồng bạo lực với bệnh tâm thần, khi mà trong thực tế phần lớn những kẻ có hành vi bạo lực lại không hề bị tâm thần.
Do đó, việc giới chức năng định tập trung vào đối tượng này để ngăn ngừa bạo lực xem ra sẽ mang lại tác dụng ngược, vừa gây ra tâm lý kỳ thị với người mắc bệnh tâm thần, vừa làm loãng lực lượng tập trung vào những đối tượng có nhiều khả năng trở thành khủng bố hơn.