Tấn công Syria – trò chơi của các tiền lệ

“Báo Độc lập” của Nga ngày 10/9 đăng bài viết rằng Washington đang tích cực chuẩn bị - cả về chính trị và thuần túy quân sự - để tiến hành tấn công quân sự Syria. Trong tuần này Thượng viện Mỹ sẽ xem xét dự luật Menendez-Corker, theo đó cho phép tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria trong vòng 2 tháng với khả năng kéo dài thêm 1 tháng.

Cuộc nội chiến ở Syria có thể trở thành nơi Mỹ tạo ra tiền lệ mới. Ảnh: Internet


Trở ngại đối với Washington là quan điểm của các đồng minh NATO, đặc biệt là việc Anh và Đức từ chối tham gia hành động quân sự. Nhà Trắng chưa thể hình thành một “liên minh tình thế” mà hiện họ đang nỗ lực hết sức để mở rộng.

Tình hình này gợi nhớ tới các sự kiện trong vòng 1 thập kỷ qua. Ngày 4/3/2002, Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair, tuyên bố chính quyền của Tổng thống Iraq, Saddam Hussein sở hữu các cơ sở bí mật chế tạo vũ khí hóa và sinh học. Ngày 10/10/2002 , Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết, cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng vũ lực với Iraq.

Hội đồng Bảo an LHQ không thông qua nghị quyết chấp thuận việc sử dụng vũ lực chống Iraq. Hội đồng NATO, do quan điểm phản đối của Pháp và Đức, cũng không đưa ra biện pháp trừng phạt như vậy. Tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó đã hình thành được “liên minh tình thế” với Anh, Italy, Tây Ban Nha và một số quốc gia nhỏ hơn khác. Mùa xuân năm 2003, liên minh này tiến hành chiến dịch quân sự dưới khẩu hiện loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) mà Saddam Hussein sở hữu.

So sánh các sự kiện năm 2003 với năm 2013 là không ngẫu nhiên. Trong cả 2 trường hợp, Mỹ đều tiến hành chính sách giải giáp cưỡng bức chế độ mà theo quan điểm của họ là nguy hiểm. Trở lại năm 1993, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra khái niệm chống phổ biến. Nhà Trắng tuyên bố các biện pháp cũ – kiềm chế kỹ thuật bằng ngoại giao và trừng phạt – là không đủ để ngăn chặn phổ biến WMD. Cần có tác động ngoại giao cứng rắn đối với các chế độ có nguy cơ nguy hiểm, và có thể sử dụng cả vũ lực với các chế độ này.

Cách tiếp cận trên mâu thuẫn với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 19, vốn cho phép các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy vậy luật Anglo-Saxon lại theo nguyên tắc án lệ: quyết định của tòa án với những vụ việc cụ thể được thừa nhận như một nguồn luật và nằm trong nền tảng của hệ thống luật pháp. Vì thế trong vòng 15 năm qua, Mỹ đã xác lập trên vũ đài chính trị quốc tế tiền lệ giải giáp cưỡng bức những chế độ mà họ xem là nguy hiểm, thể hiện qua nhiều nước cụ thể.

Tiền lệ đầu tiên là “giải giáp” Iraq – quốc gia mà theo xác định sau này vào thời điểm đó không sở hữu WMD cũng như phương tiện kỹ thuật để sử dụng các loại vũ khí này. Truyền thông thường buộc tội Mỹ đã sai lầm. Tuy nhiên Nhà Trắng chẳng ngây thơ đến vậy. Iraq đã cho phép Washington khẳng định nguyên tắc có thể tịch thu WMD của một “chế độ nguy hiểm” thông qua hành động quân sự.

Một tiền lệ khác là Iran. Ngoại giao Mỹ yêu cầu Tehran ngừng chương trình làm giàu uranium. Việc không cho Iran làm giàu urani đã xác lập một qui tắc mới trên vũ đài chính trị quốc tế: không phải tất cả các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân đều được phép tiến hành chu trình nhiên liệu hạt nhân.

Tiền lệ thứ ba là Triều Tiên. Washington, trong khuôn khổ đàm phán 6 bên, tìm cách buộc Bình Nhưỡng loại bỏ khả năng sản xuất plutoni ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí cũng như đầu đạn hạt nhân. Theo Washington việc giải giáp như vậy cần được tiến hành dưới sự kiểm soát của IAEA và/hoặc một ủy ban của “5 cường quốc”. Mỹ không có ý định sử dụng vũ lực với Triều Tiên, song cần thể hiện sức ép về quân sự và kinh tế, mà theo quan điểm của họ là buộc ban lãnh đạo Triều Tiên phải nhượng bộ.

Pakistan trở thành tiền lệ thứ 4. Sau khi nổ ra chiến tranh tại Afghanistan, truyền thông Mỹ đã nhiều lần khẳng định về nguy cơ Taliban chiếm các cơ sở hạt nhân của Pakistan. Hai lần (năm 2001 và năm 2007), Washington và Islamabad đã đàm phán về việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận tiềm lực hạt nhân của Pakistan. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Istanbul ngày 29/6/2004, các bên đã ký một tuyên bố mở rộng liên minh đối tác quân sự với Pakistan. Có vẻ như kế hoạch mà Washington đưa ra với Pakistan  nằm ngoài việc quản lý kho vũ khí hạt nhân của nhà nước “có vấn đề”.

Tiền lệ Syria theo cách của mình sẽ hoàn tất các công thức trên. Về khả năng can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria, Mỹ ít nhất đã đề cập tới từ tháng 3/2012. Tuy nhiên thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học thúc đẩy Mỹ lợi dụng tình hình để khẳng định một tiền lệ khác về giải giáp cưỡng bức. Nhà Trắng sẽ xử lý 2 kịch bản mới: Một là việc sử dụng vũ khí hóa học của một chính phủ “có vấn đề” với phe đối lập ở trong nước, và hai là sự can thiệp khẩn cấp của cộng đồng quốc tế đề trừng phạt chế độ đó.

Trong bối cảnh trên, quan điểm cứng rắn của Moscow – không đơn thuần chỉ là sự ủng hộ chính quyền Syria. Nga, một cường quốc hạt nhân, nghi ngờ chính sách giải giáp cưỡng bức của Mỹ. Thật khó có thể cùng lúc kết luận vì ai Washington tạo ra tiền lệ Syria và các tiền lệ khác.


Duy Trinh
(Theo Báo Độc lập - Nga
)   
Nhà Trắng vẫn ráo riết vận động tấn công Syria
Nhà Trắng vẫn ráo riết vận động tấn công Syria

Ngày 9/9, Nhà Trắng bắt đầu mở chiến dịch ráo riết vận động sự ủng hộ của Quốc hội và người dân Mỹ cho chủ trương phát động cuộc chiến vào Syria.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN