Tăng thuế - Giải pháp chống lạm phát cho châu Á?

Châu Á hiện đang đạt mức tăng trưởng nhanh và nguy cơ đi cùng là lạm phát. Hai đầu tàu kinh tế khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc đều đã và sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ.


Các chính trị gia trong khu vực đã coi việc tăng giá dầu mỏ, thực phẩm vừa qua chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, giá cả hiện đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi bùng nổ lạm phát năm 2008 và đe dọa một vòng xoáy lương - giá mới. Nếu không có hành động thì tác động của lạm phát sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho tăng trưởng ấn tượng của châu Á.

Báo chí Anh dẫn phân tích của Tiến sỹ Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế cao cấp và hiện là Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế châu Á của Tập đoàn HSBC, cho rằng các chính sách tiền tệ theo khuôn khổ thông thường không còn tác dụng trong bối cảnh hiện nay.


Tăng lãi suất chỉ đơn giản là kéo thêm dòng vốn và khiến cho các điều kiện tài chính thêm bất ổn. Nâng giá trị đồng tiền ở một mức độ cần thiết là điều không thể chấp nhận được ở nhiều nước, chẳng hạn như Trung Quốc. Thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn là việc chưa từng làm được nhưng các biện pháp này không bao giờ chặt chẽ... Nói tóm lại, "bàn tay" của các ngân hàng trung ương hiện nay đều đã bị "trói chặt".

Vì thế, câu trả lời cho bài toán lạm phát là Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực là tăng các loại thuế và cắt giảm chi tiêu. Việc này sẽ làm giảm nhu cầu và cuối cùng là giảm các áp lực giá cả. Tuy nhiên, các chính phủ châu Á lại đang đi theo hướng ngược lại và đều có mức thâm hụt khá lớn. Các quan chức khắp khu vực đang chống đỡ bằng cách kiểm soát giá cả và trợ cấp để giảm tác động của "cú đấm" lạm phát. Các biện pháp này rất tốn kém và không giải quyết được các vấn đề cốt lõi. Nông dân sẽ không trồng thêm rau quả nếu giá cả nông phẩm của họ bị kiểm soát; những người có xe hơi sẽ không tiếp tục dùng xe nếu chi phí xăng dầu tăng mãi.

Tăng trưởng sẽ tiếp tục tăng mà không bị cản trở gì và cuối cùng là khiến giá cả ngày càng tăng. Do vậy, việc "siết chặt" những người đóng thuế, đặc biệt là những người giàu, là điều mà châu Á cần và hiện có ba sự lựa chọn trong việc tăng thuế.

Thứ nhất là tăng tỷ lệ áp thuế thu nhập. Việc tăng thuế này cần phải nhằm vào những hộ gia đình giàu có hơn. Rốt cuộc thì người nghèo hiện đang phải gánh chịu tác động của chi phí vận tải, giá lương thực tăng một cách bất cân xứng. Do đó, những người giàu, những người có mức tăng thu nhập ấn tượng, cần phải chia sẻ gánh nặng này với người nghèo. Một tỷ lệ thuế thu nhập cao hơn cũng sẽ giúp "làm mát" các thị trường bất động sản đang quá nóng của châu Á, vốn được coi là một nguồn khác của lạm phát.

Sự lựa chọn thứ hai là tăng các loại thuế bán hàng và thuế giá trị gia tăng (VAT) - hoặc đưa vào áp đặt loại thuế này ở những nơi chưa thực hiện. Việc này sẽ giúp tạm thời giảm lạm phát nhưng đồng thời cũng là công cụ hữu dụng để giảm tốc độ tăng trưởng của thương mại. Ấn Độ đã lên kế hoạch thực hiện bước đi này vào năm tới. Còn tại Trung Quốc, nguồn thu ngân sách từ việc tăng thuế VAT đối với các sản phẩm không thiết yếu có thể được chuyển cho các chính quyền địa phương, những nơi đang phải phụ thuộc vào việc phát triển bất động sản để có nguồn thu.

Lựa chọn thứ ba là tăng tỷ suất thuế doanh nghiệp. Việc này có thể được cơ cấu theo cách áp đặt một mức thuế tạm thời để ngăn cản các công ty đầu tư tràn lan trong các giai đoạn bùng nổ. Khi vượt qua thời kỳ này thì có thể bỏ loại thuế này để khuyến khích các doanh nghiệp, công ty tiếp tục đầu tư. Thay vì cùng nhau chạy đua thu hút đầu tư, các quốc gia khu vực châu Á cần phải sử dụng thuế doanh nghiệp như là một công cụ để đối phó với tình trạng biến động theo chu kỳ một cách thái quá trong hoạt động kinh doanh.

Lê Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN