Tehran thổi luồng sinh khí mới vào Lục địa già

Chỉ tính riêng các hợp đồng Iran ký với các doanh nghiệp tại Italy hôm 25/1 đã lên tới con số 17 tỷ euro.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng người đồng cấp Italy - Tổng thống Sergio Mattarella thăm Dinh Tổng thống Italy. Ảnh: Reuters

Báo Độc lập (Nga) ngày 26/1 cho biết thông tin trên. Con số đó cho thấy chuyến công du tới hai quốc gia tại Lục địa già của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, sau khi nước này vừa thoát khỏi thế bị cô lập, đang thực sự trở thành một sự kiện đáng nhớ không chỉ trong lịch sử Iran, mà còn với các quốc gia châu Âu.

Lần đầu tiên trong hơn 10 năm có một nhà lãnh đạo từ thế giới Hồi giáo đến thăm một thủ đô châu Âu để ký những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD. Tehran đang thực sự biến thành một "ngưỡng cửa vàng" đối với châu Âu. Nhiều quốc gia đang muốn bước qua ngưỡng cửa đó, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, khi mà các quốc gia châu Âu không tránh khỏi tâm lý muốn cạnh tranh với Nga, vốn đang phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, trước hết trong lĩnh vực tài chính.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi lịch sử, sau suốt 16 năm qua của phái đoàn nhà nước Iran, chính là thủ đô Rome, nơi nhà lãnh đạo Rouhani hội đàm với Thủ tướng Italy Matteo Renzi và các doanh nhân nước này. Và trị giá các hợp đồng được ký trong ngành luyện kim, năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng nước, xây dựng, đóng tàu... lên tới 17 tỷ euro này, theo đánh giá của tờ Financial Times, "chỉ là điểm khởi đầu".

Ngoài hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Italia Matteo Renzi còn nhất trí hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Rouhani dự kiến sẽ có bài phát biểu trước 500 lãnh đạo doanh nghiệp Italy, trước khi có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis nhằm thảo luận về triển vọng hòa bình ở Trung Đông.

Rời Rome, ông Rouhani bay đến Paris, nơi vào ngày 27/1 sẽ gặp gỡ với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tờ Financial Times lưu ý rằng các công ty của Pháp cũng là "một trong những nhân tố vồ vập với Iran nhất ngay sau khi nước này được dỡ bỏ cấm vận". Những phái đoàn từ Paris đến Tehran hầu như mỗi tuần trong thời gian này, đã gây ra sự phẫn nộ của chính quyền Mỹ.

Tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn đã công bố kế hoạch của công ty nhằm xâm nhập thị trường Iran và khẳng định sẽ hiện diện nhiều hơn nữa tại Iran. Một nhà cạnh tranh khác của Pháp - Hãng Citroen, đã bán được 1 triệu chiếc xe hơi tại Iran, cũng đang thảo luận về một nhà máy lắp ráp mới trong quan hệ đối tác với hãng chế tạo oto của Iran- Khodro. Ngược lại, Tehran nhắm mục tiêu phát triển quan hệ với Hãng dầu Total của Pháp.

Bên cạnh đó, Iran cũng không bỏ qua mong mỏi làm ăn giữa Iran Air và Airbus, với hy vọng Tehran sẽ có ít nhất 114 máy bay của tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng châu Âu này. Airbus tuy hiện không bình luận về thỏa thuận này, nhưng các quan chức Iran từ trước đó đã khẳng định rằng trong những năm tới, Iran cần ít nhất 400 máy bay tầm trung, tầm xa và 100 máy bay loại nhỏ.

Tổng thống Iran bày tỏ hy vọng sẽ giành được khoảng 50 tỷ euro đầu tư của các công ty châu Âu trong năm nay. Trước đó, giới chức Iran cho rằng nếu thu hút được từ 30-50 tỷ euro sẽ giúp bảo đảm tăng trưởng 8% nền kinh tế Iran trong vòng một năm.

Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)
Trung Quốc muốn vượt mặt Nga tại Iran
Trung Quốc muốn vượt mặt Nga tại Iran

Báo Độc lập (Nga) ngày 25/1 nhận định Trung Quốc đang cạnh tranh với Nga để tranh giành ảnh hưởng tại Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN