Đầu tiên là những sóng gió trên chính trường Mỹ, trong đó đáng chú ý là việc lần đầu tiên trong lịch sử, một chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm, khiến cơ quan lập pháp rơi vào tình trạng tê liệt suốt 3 tuần. Tiến trình bầu cử chủ tịch mới gặp nhiều trắc trở, 3 ứng cử viên được đề cử đã phải rút lui do sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với người đảm nhiệm "ghế nóng", Hạ nghị sĩ Mike Johnson, ứng cử viên thứ tư. Với những bài toán hóc búa như chi tiêu chính phủ, viện trợ cho Israel và Ukraine gây tranh cãi quyết liệt tại Quốc hội Mỹ, nhiệm kỳ của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai.
Năm 2023 cũng chứng kiến Chính phủ Mỹ bên bờ vực phá sản khi quốc hội bất đồng về vấn đề nâng mức trần nợ công trong khi Bộ Tài chính cạn kiệt ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Quả bom “vỡ nợ” chỉ được tháo ngòi nổ vào phút chót. Giới chuyên gia nhận định với lịch sử Quốc hội Mỹ gần 80 lần nâng trần nợ công từ năm 1960 và chính phủ 10 lần bị đóng cửa trong vòng 40 năm qua, cuộc chiến về nợ công và ngân sách sẽ là nỗi ám ảnh kinh niên của nước Mỹ chừng nào các nghị sĩ của đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn coi đây là công cụ mặc cả lợi ích.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở bước chạy đà đã bắt đầu nóng dần lên cùng những gương mặt đầu tiên lộ diện không còn xa lạ với cử tri. Trước tiên là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden - được coi là gương mặt đại diện xuất chúng duy nhất hiện nay của đảng Dân chủ. Bên phía Cộng hòa, đường đua giành lá phiếu đề cử có phần gay cấn hơn khi ngoài cựu Tổng thống - tỷ phú - doanh nhân Donald Trump, còn có 4 chính khách được đánh giá là tiềm năng. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump duy trì được lợi thế áp đảo và dư luận Mỹ ngày càng tin tưởng rằng cuộc bầu cử năm 2024 sẽ là cuộc tái đấu giữa cựu Tổng thống Trump và Tổng thống đương nhiệm Biden. Tất nhiên, chặng đường này còn tiềm ẩn nhiều biến số. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát ngày 13/12 đã phê chuẩn cho phép tiến hành cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Joe Biden, trong khi ông Trump đang chuẩn bị đối mặt với 4 phiên tòa hình sự.
Bạo lực súng đạn tiếp tục là nỗi ám ảnh thường trực của nước Mỹ. Vụ việc đẫm máu nhất năm xảy ra ngày 26/10, ít nhất 22 người đã thiệt mạng, khoảng 50 đến 60 người bị thương trong vụ xả súng hàng loạt tại nhiều địa điểm ở thành phố Lewiston, bang Maine. 2023 được coi là một trong những năm tồi tệ nhất về các vụ xả súng ở Mỹ trong 10 năm qua. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm, dữ liệu từ Gun Violence Archive cho thấy tại Mỹ đã xảy ra 430 vụ xả súng hàng loạt (là những vụ khiến hơn 4 người thương vong, không kể hung thủ), tức là trung bình gần hai vụ mỗi ngày. Trong khi đó, quá trình ban hành các quy định pháp lý nhằm tăng cường kiểm soát và kiềm chế bạo lực súng đạn đang gặp khó khăn do sự phân cực của các đảng phái và sự cản trở của các nhóm lợi ích.
Trên lĩnh vực đối ngoại, bất đồng trong chính giới Mỹ đã tác động lớn đến nhiều vấn đề khác, điển hình là viện trợ cho Ukraine và Israel. Để đạt được thỏa thuận chi tiêu nhằm chấm dứt nguy cơ chính phủ bị đóng cửa, Hạ viện Mỹ đã gác lại yêu cầu của Nhà Trắng về khoản viện trợ gần 106 tỷ USD cho Israel và Ukraine. Nguồn viện trợ của Mỹ có ý nghĩa sống còn với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Trong khi đó, chiến sự kéo dài và chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm" tại Gaza dường như đang phủ bóng lên quan hệ giữa Mỹ và Israel. Dù là đồng minh quan trọng nhất của Israel tại các diễn đàn quốc tế, song Washington phản đối ý định của Nhà nước Do Thái muốn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Gaza sau khi xung đột kết thúc.
Nói như vậy không có nghĩa nước Mỹ năm 2023 thiếu những điểm sáng. Tình hình kinh tế Mỹ trong 3 quý đầu năm diễn biến theo chiều hướng tốt dần lên. Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm qua vào quý III/2023, đạt mức tăng trưởng 4,9%, cao hơn gấp đôi mức 2,1% trong quý liền kề trước đó. Các chuyên gia nhận định tăng trưởng việc làm là yếu tố khiến người tiêu dùng không ngần ngại chi tiêu đang là động lực chính. Tuy nhiên, cũng không loại trừ giả thuyết tăng trưởng mạnh quý vừa qua cũng có thể là một “đỉnh cao" trước khi nền kinh tế Mỹ chững lại trong quý tiếp theo và kéo dài sang năm 2024. Các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng mạnh này sẽ giảm xuống khi lãi suất cho vay dài hạn tăng lên, đi kèm việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất ngắn hạn, người tiêu dùng sẽ siết chặt hầu bao và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu.
Theo các nhà kinh tế, trong ngắn hạn, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều thách thức. Dự báo lãi suất vẫn ở mức cao và có khả năng sẽ duy trì như vậy khi Fed phải tiếp tục chống lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, cho dù rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu cùng một loạt "cơn gió ngược", song hầu hết các nhà kinh tế tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể thiết kế một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái. Giáo sư Brian Bethune, Đại học Boston nhận định: “Nền kinh tế không chỉ có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc mà còn đạt được mức tăng trưởng dựa trên năng suất trong hai quý liên tiếp vào năm 2023, có nghĩa là chu kỳ kinh doanh vẫn rất vững chắc”.
2023 cũng là một năm Mỹ tiếp tục củng cố vai trò trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và các đồng minh. Hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5 vừa qua tại Nhật Bản với sự xuất hiện của Tổng thống Biden, bất chấp lúc đó nước Mỹ đang bên bờ vực vỡ nợ, cho thấy nỗ lực của Washington bảo vệ vai trò dẫn dắt phương Tây trong các vấn đề nóng của thế giới. Mỹ cũng chính là chất xúc tác thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật – Hàn tại Washington đã tạo tiền đề cho sự ra đời của một khuôn khổ hợp tác an ninh ba bên bền vững. .
Năm 2023 chứng kiến Mỹ phát huy vai trò nước chủ nhà dẫn dắt các thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thu hẹp các khác biệt, thúc đẩy hợp tác để vượt qua những thách thức mà thế giới đang đối mặt. Điều đặc biệt của Tuần lễ cấp cao APEC 2023 là loạt cuộc gặp thượng đỉnh bên lề có vai trò mở đường cho các nỗ lực chính trị "sưởi ấm những quan hệ đang nguội lạnh", trong đó đáng chú ý nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới phân tích cho rằng khi lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngồi lại với nhau, rõ ràng các siêu cường này muốn ổn định tình hình khi cảm nhận được mối quan hệ song phương đang bị cuốn vào các diễn biến căng thẳng trên thế giới. Theo các chuyên gia, cuộc gặp của hai nguyên thủ là sự xác định phương hướng cho xu thế phát triển của quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới, đó là “cố gắng thay đổi mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp hơn” và “đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột”.
Có thể nói, nước Mỹ đã trải qua năm 2023 khá nhiều bất ổn, dù vẫn có những thành tựu kinh tế và đối ngoại đáng khích lệ. Năm 2024 dự báo nước Mỹ vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là cuộc quyết đấu trong năm bầu cử tổng thống, nguy cơ chính phủ đóng cửa vẫn treo lơ lửng và những căng thẳng đối ngoại, trong đó có vấn đề liên quan đến bế tắc trong xung đột tại Ukraine và Trung Đông.