Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cảnh báo về thâm hụt quá mức không thể tránh khỏi đối với Italy, Pháp và các nước khác, làm gợi lại những lo ngại về khủng hoảng tài chính trong quá khứ. Dự báo những nỗ lực giám sát và củng cố tài chính nghiêm ngặt sẽ diễn ra từ năm 2025, có khả năng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia bị ảnh hưởng.
Theo bình luận của mạng tin Euronews.com ngày 9/4, những 'cơn ác mộng' tài chính từng gây khó khăn cho châu Âu trước đây đang quay trở lại, ảnh hưởng đến Italy, Pháp và các nước châu Âu khác.
Trong một phiên điều trần tại quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti, cho biết Ủy ban châu Âu có thể sẽ khuyến nghị Hội đồng Liên minh châu Âu khởi xướng Quy trình xử lý thâm hụt vượt mức (EDP) đối với Italy và một số quốc gia khác.
Đầu tháng 3 vừa qua, văn phòng thống kê quốc gia Italy là Istat đã điều chỉnh mức thâm hụt của năm 2023 lên 7,2% GDP từ mức 5,3%. Italy chuẩn bị công bố Tài liệu kinh tế và tài chính (DEF) trong tuần này, cho thấy đánh giá thâm hụt dự kiến của chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu thâm hụt năm 2024 và 2025 dự kiến lần lượt là 4,3% và dưới 4%.
Bộ trưởng Giorgetti lưu ý rằng kế hoạch ngân sách hiện tại của Italy phù hợp với các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm thâm hụt tài chính dần dần.
EDP là gì?
Quy trình này buộc các quốc gia thành viên EU phải xử lý mức thâm hụt và nợ lớn. Quy trình này có thể được Ủy ban châu Âu thực hiện nếu một quốc gia đã vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm ngưỡng thâm hụt tương đương 3% GDP, hoặc nếu quốc gia đó vi phạm quy tắc nợ khi duy trì mức nợ chính phủ tương đương 60% GDP mà không giảm dần ở mức vừa phải.
Lý do Pháp và Italy nguy cơ đối mặt với EDP
Sau nhiều năm đình chỉ vì đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ủy ban châu Âu đã hoãn các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia thành viên có thâm hụt hoặc nợ quá mức cho đến năm 2024.
Bank of America lưu ý trong một báo cáo gần đây: “Hiện tại, nhiều vấn đề tài chính đang quay trở lại châu Âu, đặc biệt là Pháp và Italy nằm trong tầm ngắm”.
Ngay trước Lễ Phục sinh (31/3), Pháp đã thông báo mức thâm hụt ngân sách năm 2023 tương đương 5,6% GDP, phần lớn là do doanh thu yếu hơn dự kiến. Điều này sẽ đẩy tỷ lệ nợ so với GDP của nước này lên cao hơn.
Nhà kinh tế Chiara Angeloni tại Bank of America nhấn mạnh rằng việc không duy trì được mục tiêu tài chính năm 2023 của Italy rõ rệt hơn, do chi tiêu tăng lên, đặc biệt là do Superbonus - một chương trình tín dụng thuế xây dựng để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Ngay cả Đức cũng phải đối mặt với những thách thức. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng có thể đẩy tỷ lệ nợ của Đức lên trên 65% GDP vào năm 2027.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Theo Bank of America, quy trình EDP đối với Italy, Pháp và 10 quốc gia thành viên khác gần như không thể tránh khỏi hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có sự giám sát và thực hiện các nỗ lực hợp nhất chặt chẽ hơn từ năm 2025 trở đi.
Sau khi quy trình này được kích hoạt, Pháp sẽ cần thực hiện điều chỉnh ngân sách ổn định ít nhất 0,5 điểm phần trăm mỗi năm về mặt cơ cấu từ năm 2025, theo tính toán của nhà kinh tế Ruben Segura-Cayuela của Bank of America.
Rủi ro vẫn là các quốc gia có thể bị buộc phải điều chỉnh tài chính mạnh mẽ và chính sách tài khóa chặt chẽ về mặt cơ cấu, có khả năng cản trở tăng trưởng kinh tế trong tương lai.