Đây là vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo cấp thiết về tình trạng kiểm soát "vũ khí nóng" tại Mỹ cũng như những "lỗ hổng" trong các quy định hiện hành về sở hữu súng đạn. Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi về vấn đề người nhập cư khi hung thủ được xác định có mối liên hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Xả súng đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ khi các vụ tấn công đẫm máu thường xuyên xảy ra tại các trường học, rạp chiếu phim, thậm chí ngay cả các cở sở quân sự của chính phủ, gây tâm lý bất an cho người dân. Dân số Mỹ vào khoảng 315 triệu người, song có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà không được kiểm soát. Dự luật kiểm soát súng đạn đã được chính quyền của Tổng thống Barack Obama thúc đẩy trong thời gian qua, song gặp trở ngại tại cơ quan lập pháp do sự xung đột giữa các nhóm lợi ích. Vụ xả súng đẫm máu ở Orlando một lần nữa đòi hỏi giới lập pháp Mỹ phải có hành động cụ thể, không thể tiếp tục thờ ơ trước sinh mệnh của hàng nghìn người dân vô tội. Và chắc chắn, vụ việc sẽ ít nhiều tác động tới chính trường Mỹ, hiện đang nóng lên sau các cuộc bầu cử sơ bộ tại hai đảng Dân chủ và Cộng hòa với hai gương mặt đã được định hình cho cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay.
Với ứng cử viên Hillary Cliton của đảng Dân chủ, thảm kịch trên sẽ là cơ sở để bà chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dự luật kiểm soát súng đạn, hiện đang bế tắc tại Quốc hội. Và đương nhiên, các cử tri, vốn lo ngại vấn đề an toàn trước tình trạng sử dụng súng đạn bừa bãi hiện nay ở Mỹ, sẽ dành lá phiếu ủng hộ cho bà Clinton.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc từ Nhà Trắng về vụ xả súng kinh hoàng tại thành phố Orlando, bang Florida. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, giới chức an ninh Mỹ thừa nhận rằng có một số dấu hiệu cho thấy đối tượng nổ súng Omar Mateen đã "hành động như một phần tử Hồi giáo cực đoan". Các thông tin thêm về thủ phạm như y từng bị điều tra vì có liên hệ với một kẻ đánh bom liều chết người Mỹ tại Syria - một thành viên mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda. Hay thậm chí, trước khi tiến hành vụ thảm sát, tên Mateen được cho là đã gọi điện cho 911 và tuyên bố trung thành với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng khiến giới điều tra không loại trừ giả thuyết đây là vụ tấn công khủng bố và thủ phạm là "một con sói đơn độc". Nếu giả thuyết này được chứng minh, mức độ nguy hiểm của vụ xả súng sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ kiểm soát súng đạn đơn thuần.
Một số chuyên gia cho rằng vụ xả súng “vô tình” đã mang lại lợi thế cho ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa, người chủ trương siết chặt các quy định về nhập cư và không che giấu thái độ kỳ thị tín đồ Hồi giáo, coi đây là căn nguyên cơ bản cho những quan ngại an ninh của nước Mỹ. Tỷ phú này từng gây tranh cãi với tuyên bố "cấm cửa" tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, đồng thời muốn xây tường rào để phong tỏa biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico. Ông cũng tuyên bố muốn trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy chế thị thực. Bản thân ứng cử viên Trump đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà chính trị đầu tiên cho rằng các lực lượng chức năng đang điều tra vụ xả súng theo hướng một hành động khủng bố.
Quan điểm nhuốm màu sắc cực đoan của tỷ phú Trump nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ, khi khủng bố đã trở thành mối quan ngại chính của người Mỹ sau các vụ tấn công khủng ở Paris (Pháp) khiến 130 người thiệt mạng và một vụ tấn công được cho là do IS tiến hành ở bang California hồi đầu tháng 12/2015 cướp đi sinh mạng của 14 người.
Từ những góc nhìn trên, vụ xả súng tại Orlando là lời cảnh báo nghiêm khắc về vấn đề an ninh trong lòng nước Mỹ. Và bài toán đặt ra không chỉ dừng lại ở vấn đề kiểm soát súng đạn mà còn là vấn đề ngăn chặn nguy cơ khủng bố đang làm đau đầu giới chức Washington. Tuy nhiên, dù là vấn đề gì đi chăng nữa thì đó cũng là những thách thức lớn đối với chính quyền mới cho dù ứng cử viên nào trở thành tổng thống.