Tham vọng của ông Obama thách thức đảng Cộng hòa

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc bản Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội khóa 114 trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang ngày càng vững chắc, nhưng nội bộ chính trường vẫn bị chia rẽ sâu sắc trong các chính sách đối nội.

Điểm nổi bật trong bản Thông điệp Liên bang năm nay của ông Obama là kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ tầng lớp trung lưu, khối cử tri đông đảo nhất trong các kỳ bầu cử, coi đây là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối nội.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang năm 2015 trước lưỡng viện Quốc hội ở thủ đô Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN


Giới phân tích nhận định ông chủ Nhà Trắng muốn gửi tới Quốc hội lưỡng viện Mỹ - với cán cân lực lượng nghiêng về đảng Cộng hòa - rằng cần có sự nhượng bộ sau những tuyên bố khá mạnh mẽ trước đó về việc sử dụng quyền phủ quyết tối cao của một tổng thống.

Như để nhấn mạnh vai trò quan trọng của tầng lớp trung lưu trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Obama đã mở đầu vấn đề kinh tế bằng việc thuật lại câu chuyện về một đôi vợ chồng trung lưu Rebekah và Ben đã phải làm việc vất vả và cùng nhau vượt qua giai đoạn khủng khoảng tài chính để có thể có một cuộc sống ổn định như hiện tại.

Đối với ông chủ Nhà Trắng, câu chuyện của đôi vợ chồng trên là câu chuyện của nước Mỹ. Họ đại diện cho hàng triệu người Mỹ đã làm việc chăm chỉ, hy sinh và làm mới mình.

Ông nhấn mạnh chính sự cố gắng và kiên trì của những công dân thuộc tầng lớp trung lưu đã giúp nước Mỹ phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay với một nền kinh tế đang tăng trưởng, những khoản nợ giảm dần, một nền công nghiệp năng động và một nền sản xuất năng lượng phát triển hơn bao giờ hết.

Với quan điểm phát triển một nền kinh tế lấy trọng tâm là tầng lớp trung lưu, vị Tổng thống của đảng Dân chủ đã yêu cầu Quốc hội lưỡng viện do đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối phải sửa quy định về thuế, theo đó buộc tầng lớp thượng lưu cũng như những nhà đầu tư phải đóng thuế nhiều hơn và dùng số tiền đó để thực thi một loạt biện pháp nhằm cải thiện cuộc sống của tầng lớp trung lưu.

Ông cũng đề xuất giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và miễn học phí hai năm cho sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng, cho rằng biện pháp này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp mà còn tạo điều kiện cho nhiều người Mỹ được đào tạo thêm, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Giới phân tích nhận định những tuyên bố của Tổng thống Obama phản ánh quyết tâm duy trì tôn chỉ của đảng Dân chủ vốn tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế cho người dân nói chung, thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với quan điểm "cố hữu" của giới nghị sĩ đảng Cộng hòa vốn phản đối việc tăng thuế thu nhập đối với tầng lớp thượng lưu và các tổ chức tài chính bởi theo họ, mức thuế đánh vào các tập đoàn và cá nhân giàu có đã rất cao và cản trở những người tạo ra công ăn việc làm.

Nhận định về vấn đề này, Giáo sư/Tiến sĩ Báo chí - truyền thông Edward Arke đến từ Đại học Messiah của Mỹ cho rằng Tổng thống Obama sẽ khó có thể thuyết phục được các thành viên của đảng Cộng hòa, đặc biệt là những đảng viên bảo thủ, đồng thuận với ý định trên.

Trong bối cảnh đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối toàn bộ lưỡng viện Quốc hội, những đề xuất của ông Obama chắc chắn sẽ châm ngòi cho tranh cãi trên chính trường Mỹ trong hai năm cuối nhiệm kỳ của mình, đặc biệt khi ông chủ Nhà Trắng cảnh báo sẽ sử dụng quyền hành pháp để phủ quyết những dự luật đi ngược lại lợi ích của tầng lớp trung lưu.

Mặc dù sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, song một số nhà phân tích cũng cho rằng quan điểm của Tổng thống Obama với trọng tâm là tầng lớp trung lưu sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân trong bối cảnh chênh lệch giữa thiểu số những người giàu ở Mỹ với những người nghèo nhất đang ngày càng nới rộng.

Báo cáo của Cục Thống kê dân số Mỹ công bố hồi tháng 8/2014 cho thấy trong giai đoạn 2000-2011, giá trị tài sản tăng thêm hàng năm của những gia đình giàu nhất nước Mỹ tăng 11%, đạt trung bình 630.754 USD/hộ/năm.

Ngược lại, trong năm 2011, giá trị tài sản tăng thêm của những gia đình nghèo nhất nước Mỹ bị thâm hụt tới hơn 6.000 USD so với con số âm 900 USD hồi năm 2000.


Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán và bất động sản tăng vọt sau cuộc khủng hoảng nhà đất khiến túi tiền của những người giàu có ở Mỹ tiếp tục phình to, trong khi hầu bao của những người thuộc nhóm nghèo nhất xẹp lép do phải gánh những khoản nợ vượt quá số tài sản hiện có.

Chính sự chênh lệch này từng là lý do khiến cuộc biểu tình "Chiếm Phố Wall" bùng nổ hồi năm 2011 trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối các chính sách và luật lệ bất công chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số những người giàu có, dẫn tới nợ nần chồng chất và người lao động Mỹ phải đóng thuế cao hơn để trả nợ.

Thông điệp liên bang của Tổng thống Obama đã kết thúc trong những tràng pháo tay tán thưởng của các nghị sĩ đảng Dân chủ, trong khi các đại diện của phe Cộng hòa tại Quốc hội luôn tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt.

Thông qua đề xuất cải cách hệ thống thuế, Tổng thống Obama đã khẳng định quan điểm đặt quyền lợi và tình hình kinh tế của tầng lớp trung lưu làm trọng tâm cho các chính sách kinh tế mà Nhà Trắng sẽ theo đuổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, liệu đề xuất này có vượt qua được rào cản của Quốc hội lưỡng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát hay không vẫn còn phụ thuộc vào sự quyết tâm và khả năng của Tổng thống Obama trong hai năm cuối nhiệm kỳ.


Phương Oanh (TTXVN)


Dư luận Mỹ trái chiều về Thông điệp Liên bang 2015
Dư luận Mỹ trái chiều về Thông điệp Liên bang 2015

Dư luận Mỹ tiếp tục có những phản ứng trái chiều với bản Thông điệp Liên bang năm 2015 mà Tổng thống Mỹ Barack Obama trình bày trước lưỡng viện Quốc hội vào 20/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN