Tiếp tục khẳng định sự hiện diện tại Lục địa Đen, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công du 4 nước châu Phi gồm Ethiopia, Nigeria, Angola và Kenia. Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức Thủ tướng năm 2013.
Mô hình 461
Một trong những hoạt động nổi bật của ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du châu Phi lần này là bài phát biểu tại trụ sở Liên minh châu Phi (AU) ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Bài phát biểu diễn giải chi tiết chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi với tiêu đề “Xây dựng tương lai tốt đẹp hơn trong hợp tác Trung-Phi”, đồng thời tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương kiểu mới. Ông Lý Khắc Cường đã đưa ra sáng kiến về “khung hợp tác 461” theo hướng thực thi 4 nguyên tắc, 6 lĩnh vực và 1 mục tiêu trong hợp tác song phương. Cụ thể, hai bên sẽ kiên trì 4 nguyên tắc “đối đãi bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau phát triển và đổi mới hợp tác” trong việc thúc đẩy hợp tác trên 6 lĩnh vực lớn là công nghiệp, tài chính, giảm đói nghèo, bảo vệ môi trường, giao lưu văn hóa và hợp tác an ninh nhằm hiện thực hóa một mục tiêu duy nhất là xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho hợp tác Trung - Phi.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn tại lễ khánh thành một công trình ở Ethiopia ngày 5/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong buổi làm việc sau đó với Chủ tịch Ủy ban AU, Thủ tướng Ethiopia Nkosazana Dlamini-Zuma, ông Lý Khắc Cường còn công bố khoản viện trợ bổ sung 12 tỷ USD cho Lục địa Đen, kèm theo cam kết sẵn sàng chia sẻ công nghệ phát triển hệ thống đường sắt cao tốc xuyên châu lục. Với những cam kết hào phóng này, Trung Quốc đã ghi thêm điểm cộng lớn trong lộ trình đầu tư vào khu vực đang có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới và sở hữu nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Nhòm ngó tài nguyên
Trên thực tế, từ lâu châu Phi đã trở thành “mục tiêu nhòm ngó” của Trung Quốc do sở hữu trữ lượng nguyên liệu dồi dào, được dự báo có thể cung cấp tới 12% nhu cầu dầu lửa của thế giới nhưng chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng quan hệ địa chiến lược với châu Phi thông qua hai trục chính: chính trị và kinh tế.
Về chính trị, Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ của châu Phi trong chính sách “một Trung Quốc” cũng như trong các diễn đàn quốc tế lớn. Để lấy lòng chính phủ các nước này, Bắc Kinh kiên trì thực hiện nguyên tắc trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Về kinh tế, Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng thị trường lên tới gần 1 tỷ dân ở châu Phi cho việc tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều Trung - Phi đạt 210 tỷ USD trong năm 2013. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong 5 năm qua và hiện có tới hơn 2.500 công ty của Trung Quốc đang hoạt động ở châu lục này.
Nhưng để khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thị trường tiêu thụ tiềm năng ở châu Phi, Trung Quốc không thể không đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng xập xệ ở Lục địa Đen. Vì vậy, Bắc Kinh đã chủ động khởi xướng và đảm nhận luôn vai trò đầu tư chính cho kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng mạng lưới đường sắt kết nối hầu hết các nước trong khu vực.
Mục đích của chiến lược này, một mặt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển tài nguyên thiên thiên nhiên tới các cảng biển và giảm đáng kể chi phí vận tải cho các nhà đầu tư Trung Quốc, mặt khác tạo thêm hàng triệu việc làm cho lao động Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi. Nó cũng là một kênh đầu tư quan trọng giúp Bắc Kinh “cắt lỗ” khi số tiền gần 2.000 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ Mỹ đang bị hao hụt đáng kể do đồng USD trượt giá.
Trong phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa tái khẳng định chiến lược thâm nhập châu Phi thông qua tài trợ về cơ sở hạ tầng khi bày tỏ hy vọng “toàn bộ các thủ đô của châu Phi đều được kết nối bằng tuyến đường sắt cao tốc để thúc đẩy phát triển xuyên châu lục". Trước đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng ở châu Phi hầu hết các dự án lớn, đặc biệt với các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá, trường học, nhà ở, bệnh viện, cầu cống và các mạng lưới cấp nước.
Tất nhiên, trong mối quan hệ này, cả Trung Quốc và các nước châu Phi đều được hưởng lợi. Nhưng xét về lâu dài, cái lợi mà Trung Quốc thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với chính phủ các nước châu Phi, nhất là khi các nhà lãnh đạo trong khu vực phải chấp nhận đánh đổi hay nhượng bộ lợi ích để nhận được những khoản “đầu tư” của Trung Quốc.
Hằng Linh