Tham vọng tăng cường hiện diện quân sự của Pháp ở Trung Đông

Với tình hình hiện tại, Paris có lợi ích rất quan trọng về kinh tế, văn hóa, quân sự, đặc biệt là việc bán vũ khí ở Trung Đông. Do đó, Pháp có ý định tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của mình trong khu vực, vì vị trí và diễn biến có thể phát sinh sau khi Mỹ rút khỏi khu vực.

Theo hãng thông tấn Iran Nour News ngày 12/2, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với trang web của Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại Iran, cựu Đại sứ Iran tại Pháp Abolghassem Delfi đã bình luận về quyết định của Pháp cung cấp hỗ trợ quân sự cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm bảo vệ không phận trước bất kỳ cuộc xâm lược nào, cho rằng Pháp đang muốn tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực Trung Đông.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón Thái tử UAE Abu Dhabi Mohammed bin Zayed tại lâu đài Fontainebleau, phía Nam Paris, Pháp, ngày 15/9/2021. Ảnh: AP

Ông Abolghassem Delfi chỉ ra mối quan hệ sâu rộng giữa Pháp và UAE trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ quân sự, kinh tế và văn hóa, đồng thời nhấn mạnh đến lợi ích quan trọng của Paris ở UAE. UAE đã chi những khoản tiền khổng lồ vào lĩnh vực văn hóa và truyền thông ở Pháp, trong khi các công ty Pháp cũng hoạt động rất tích cực tại UAE và họ coi đây là cái cớ để Pháp bảo vệ UAE.

Vị chuyên gia về các vấn đề quốc tế trên nhấn mạnh: "Trong hai thập kỷ qua, sự hiện diện của Pháp ở Trung Đông đã phần nào suy giảm và chúng ta đã chứng kiến ​​sự giảm sút ảnh hưởng của họ ở Syria, ở mức độ thấp hơn tại Liban; nhưng với tình hình hiện nay, Paris, với lợi ích kinh tế, văn hóa, quân sự và vũ khí rất quan trọng trong khu vực, nên nước này có ý định gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình".

Ông Delfi nêu rõ cùng với việc tăng cường bán vũ khí và hợp tác quân sự ở khu vực Vịnh Ba Tư trong những năm gần đây, Paris đã ủng hộ Riyadh trong cuộc chiến chống Yemen, bất chấp nhiều áp lực quốc tế. Ông nói: "Pháp đã hội đàm với Saudi Arabia và UAE, trên thực tế, Pháp có lý do chính đáng để tăng cường sự hiện diện với các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không ở những nước này".

Ông lưu ý rằng Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, người trước đây là Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp, đã tạo ra một chương mới trong mối quan hệ quân sự sâu rộng của Pháp thông qua việc bán vũ khí cho Trung Đông, trong đó có Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Qatar và Kuwait. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hiện nay cũng đang đi theo con đường tương tự.

Đồng quan điểm trên, Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định với worldpoliticsreview.com rằng, trong khi Tổng thống Joe Biden dường như quyết tâm giảm bớt sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và "xoay trục" sang châu Á, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại đi theo hướng ngược lại. Trong những năm gần đây, ông Macron đã nhiều lần thực hiện các chuyến công du tới Liban, Iraq và các quốc gia vùng Vịnh, đồng thời đưa ra một loạt sáng kiến ​​ngoại giao nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực. 

Đối với ông Macron, Trung Đông không chỉ là một sân khấu quan trọng cho các lợi ích của Pháp, mà còn là nơi để khẳng định vị thế toàn cầu của Paris. Đối với cả hai mục tiêu, biện pháp thực hiện là thông qua quan hệ đối tác với các nước vùng Vịnh quan trọng, đặc biệt là UAE, hiện là đồng minh khu vực “chiến lược” của Pháp.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng giảm tập trung vào khu vực và cảm giác thờ ơ chung của châu Âu đối với những diễn biến ở Trung Đông, sự can dự của Pháp là một dấu hiệu quan trọng. Lợi ích trước mắt của Pháp ở Trung Đông nằm ở nhu cầu ổn định khu vực lân cận phía Nam châu Âu, trước tác động sâu sắc của các cuộc xung đột khu vực đối với châu Âu trong thập kỷ qua.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nỗ lực của Pháp tập trung vào việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran và ngăn chặn xung đột giữa một bên là Washington với các đối tác Trung Đông và bên kia là Tehran. Nỗ lực này đang được Pháp tiếp tục theo đuổi trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, với sự đồng tài trợ của Pháp cho Hội nghị Baghdad ở Iraq vào tháng 8 năm ngoái, có sự tham dự của ông Macron để tập hợp các quan chức từ các quốc gia Arab vùng Vịnh và Iran. 

Tóm lại, chuyên gia Julien Barnes-Dacey cho rằng, ông Macron dường như đang muốn lấp đầy khoảng trống lãnh đạo ở Trung Đông rộng lớn hơn, khi Mỹ giảm bớt can dự trong khu vực, cho rằng Pháp có thể trở thành một nhà hòa giải bên ngoài cần thiết.

Công Thuận/Báo Tin tức
Tại sao Mỹ im lặng về chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp?
Tại sao Mỹ im lặng về chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp?

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp không chỉ nhằm ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine, mà còn là một phần trong chiến lược lớn hơn của Pháp trong việc thiết lập quyền tự chủ của châu Âu trước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN