G7 tăng trưởng trái chiều
Số liệu thống kê công bố gần đây cho thấy tình trạng tăng trưởng kinh tế trái chiều trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Tính chung cả nhóm, tăng trưởng GDP nội khối giảm nhẹ xuống 0,4% trong quý IV/2023 so với 0,5% của quý trước đó. Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Vương quốc Anh, Nhật Bản và Đức đều giảm từ 0,1 - 0,3%, Mỹ tăng trưởng chậm lại, xuống 0,8% so với 1,2% trong quý III, Pháp ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0, nhưng kinh tế Canada lại phục hồi với mức tăng trưởng 0,3% sau khi sụt giảm trong quý III, Italy cũng tăng trưởng nhẹ 0,2%.
Anh chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm chậm nhất kể từ năm 2009. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết GDP của nước này giảm 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2023, đánh dấu quý sụt giảm thứ hai liên tiếp và bị coi là suy thoái kỹ thuật. Tính chung cả năm 2023, GDP của Anh ước tính chỉ tăng 0,1% so với năm 2022. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng lạm phát cao vẫn là rào cản lớn nhất kìm hãm tăng trưởng, buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phải duy trì lãi suất cao khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng.
Chính phủ Nhật Bản ngày 21/2 tỏ ra kém lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong tháng do những lo ngại về chi tiêu tiêu dùng và sản xuất. Lần đầu tiên trong 2 năm, Chính phủ Nhật Bản đã hạ mức đánh giá về chi tiêu tiêu dùng, lưu ý rằng xu hướng tăng tiêu dùng gần đây "có vẻ chững lại". Chi tiêu tiêu dùng thường tương đương hơn một nửa GDP của Nhật. Theo báo cáo kinh tế của Chính phủ Nhật, mặc dù sản lượng công nghiệp dự kiến sẽ tăng nhưng hoạt động sản xuất gần đây lại đi xuống. Những đánh giá tiêu cực này được đưa ra trong bối cảnh số liệu công bố trước đó cho thấy nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý cuối năm ngoái do nhu cầu nội địa yếu, khiến Nhật Bản mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Trên thực tế, kinh tế Đức cũng không sáng sủa hơn. Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, GDP của Đức trong quý IV giảm 0,3% so với quý III sau khi điều chỉnh biến động giá cả và mùa vụ. Ngày 21/2, Nội các Đức thông qua việc điều chỉnh giảm mạnh mức tăng trưởng kinh tế năm nay từ 1,3% như dự báo trước đó xuống còn 0,2%. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhấn mạnh: “Đức đang thoát khỏi khủng hoảng chậm hơn mong đợi. Môi trường kinh tế toàn cầu không ổn định và tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức thấp trong lịch sử là thách thức đối với một quốc gia xuất khẩu như Đức”. Bộ trưởng Habeck xác định những “vấn đề cơ cấu” dài hạn của nền kinh tế Đức, như thiếu hụt công nhân lành nghề, tình trạng quan liêu quá mức và đầu tư yếu kém kéo dài, cần phải được giải quyết.
Những động lực cũ và mới
Nền kinh tế Mỹ cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong suốt năm 2023, không chỉ tránh được suy thoái mà còn duy trì đà tăng trưởng tích cực, bất chấp tác động của lãi suất cao, và do đó được điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong quý I/2024 lên 1,5%. Những nhân tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ là tác động giảm bớt của chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường lao động mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện trong năm 2024. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và lãi suất cũng được cắt giảm, đưa đến khả năng tăng trưởng 1,7% trong năm 2025.
Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng ổn định, vượt trội so với các nền kinh tế tiên tiến, với dự báo tăng trưởng GDP thực tế là 3,9% năm nay và 4% năm 2025, sau khi tăng 4,2% năm ngoái. Trong nhóm này, Trung Quốc đang chững lại trong khi Ấn Độ và nhiều nền kinh tế ở Đông Nam Á đang trỗi dậy, một phần được hỗ trợ bởi những thay đổi cơ cấu đang diễn ra trong thương mại và đầu tư toàn cầu.
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay, với mức tăng trưởng thực tế 4,5%, và tiếp tục chậm lại ở mức 4,3% trong năm tới. Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức kinh tế, đáng chú ý nhất là do lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, dẫn đến những lo ngại và mất niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm chi tiêu và đầu tư bị giảm sút. Tăng trưởng còn chịu thêm áp lực do đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm, cho thấy tác động ngày càng tăng của căng thẳng địa chính trị đối với hoạt động kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, nay lại bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng nhiều tổ chức khác đánh giá là “lực cản” đối với kinh tế thế giới. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có những cải cách thị trường lớn, Trung Quốc có thể mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình“. Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc sẽ đè nặng lên toàn bộ khu vực Đông Á, nơi vốn là một trong những động lực kinh tế lớn của thế giới.
Nguy cơ suy thoái còn phủ bóng?
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu hồi tháng trước, WB cho biết nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2024 đã giảm bớt nhờ kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn dự kiến trong năm 2023. Tuy nhiên, hậu quả dai dẳng của đại dịch COVID-19, chiến tranh kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cùng lạm phát cao triền miên khiến triển vọng tăng trưởng năm 2024 trở nên “chậm chạp” và nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với “thành tích nửa thập kỷ yếu nhất trong 30 năm qua”.
Trong khi đó, theo IMF, tăng trưởng toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trong năm 2023 và tỷ lệ lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến, nhưng tăng trưởng thương mại thế giới, được dự đoán là 3,3% vào năm 2024, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 4,9%. Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu được IMF cập nhật tháng 1/2024 dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay ở mức 3,1% và 3,2% năm tới, với dự báo năm 2024 cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo hồi tháng 10/2023 do khả năng phục hồi cao hơn dự kiến ở Mỹ và một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lớn, cũng như hỗ trợ tài chính ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dự báo cho giai đoạn 2024 - 2025 thấp hơn mức trung bình lịch sử (2000 - 2019) là 3,8%.
Thị trường chứng khoán cũng có thể gặp khó khăn trong thời kỳ suy thoái. Khi niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng giảm, các công ty có thể buộc phải sa thải nhân viên, dẫn đến hiệu quả đầu tư kém và thị trường hoảng loạn. Cơ quan xếp hạng Fitch dự đoán rủi ro địa chính trị gia tăng có nghĩa là giá các mặt hàng chủ chốt, bao gồm cả dầu và khí đốt, có thể sẽ vẫn ở mức cao.
Báo cáo Triển vọng các nhà kinh tế trưởng mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy một bức tranh hỗn hợp trong năm 2024, khi chỉ hơn một nửa số nhà kinh tế trưởng được khảo sát (56%) dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu và 43% dự đoán các điều kiện không thay đổi hoặc mạnh hơn. Tuy nhiên, có nhiều điều không chắc chắn hơn vì đây cũng là năm bầu cử lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.