Trên mục “Ở chân trời” của tạp chí trực tuyến Mỹ “Chính trị thế giới” (WPR), Richard Weit - nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Hudson (Mỹ) - đã dự báo thập kỷ đầy khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Nga.
Ông Richard Weit cho rằng trong thời Chiến tranh Lạnh, tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Liên Xô đảm bảo duy trì đế chế quân sự Xô viết mạnh mẽ với nguồn ngân sách thường chiếm từ 15-25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên Xô. Tuy nhiên, do sự tan rã bất ngờ của Liên bang Xô viết, ngành công nghiệp vũ khí Nga phải tìm cách duy trì sự tồn tại của chính mình bằng cách bán vũ khí cho Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước khổng lồ ở châu Á. Xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh bùng nổ thay thế cho các thị trường truyền thống trước đó là Đông Âu, Trung Đông và chính quân đội Nga.
Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim đó về dài hạn đã trở nên không bền vững khi cả Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng ngày càng thoát khỏi phụ thuộc vào tổ hợp công nghiệp quân sự Nga về vũ khí. Đây là dấu hiệu cho thấy một thời kỳ khó khăn hơn đối với Nga, nước hiện có hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là vũ khí và năng lượng. Buôn bán vũ khí đã đẩy Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong số các nước nhập khẩu vũ khí, còn Nga trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ấn Độ cũng đang thúc đẩy quan hệ địa chính trị mới với Mỹ và Mỹ đang hấp dẫn Ấn Độ với công nghệ vũ khí tiên tiến hơn nhiều so với công nghệ vũ khí của Nga. Vì vậy, tuy Ấn Độ có thể là bạn với cả Nga lẫn Mỹ nhưng sự hấp dẫn của vũ khí và công nghệ Mỹ cuối cùng sẽ làm suy yếu và thay thế quan hệ hiện đang gắn Ấn Độ với Nga.
Buôn bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc tăng rất mạnh sau Chiến tranh Lạnh nhưng trong thập kỷ qua đã trở nên trì trệ vì nhiều lý do. Mặc dù vẫn phụ thuộc vào Nga về một loạt công nghệ và thiết bị, song Trung Quốc đang tập trung phát triển tổ hợp công nghiệp vũ khí của mình. Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã chiếm tới 1/6 lượng vũ khí mà họ sản xuất năm 2006. Vì vậy, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục tăng trong tương lai. Thiết bị do Trung Quốc sản xuất không phải ưu việt nhưng Trung Quốc cam kết phát triển công nghệ vũ khí có thể cạnh tranh với hệ thống vũ khí của phương Tây.
Đối với Nga, tìm được khách hàng lớn mua vũ khí thay thế Trung Quốc và Ấn Độ là việc không dễ dàng. Nga sẽ rất khó phát triển được các quan hệ dài hạn để có được khách hàng trung thành. Chỉ còn một nhóm nhỏ các nước như Iran, Vênêxuêla cần mua vũ khí của Nga vì các nước này căng thẳng với Mỹ và châu Âu. Nhiều nước mua vũ khí truyền thống của Nga như Libi và Irắc nay không thể tiếp tục truyền thống này trong tương lai.
Công nghiệp vũ khí của Nga là khu vực hiện đại nhất và nằm trong định hướng xuất khẩu của Nga. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ thực sự vượt qua ngành công nghiệp vũ khí của Nga, Nga sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong thập kỷ tới. Xuất khẩu năng lượng giúp Nga không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại tệ mạnh nhưng tình trạng suy giảm của công nghiệp vũ khí sẽ dẫn đến khủng hoảng thất nghiệp ở Nga và hạn chế phát triển các công nghệ đem lại lợi nhuận cao. Thập kỷ tới đe dọa biến Nga thành nước phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu năng lượng đang cạn kiệt, mô hình kinh tế có thể tác động tiêu cực đến chính trị và xã hội Nga.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)