Thất bại báo trước của Hội nghị ngân sách EU

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong 2 ngày (22-23/11) để thảo luận về một ngân sách trị giá 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, bầu không khí bị chia rẽ sâu sắc trong liên minh 27 quốc gia đang chìm đắm trong khủng hoảng báo trước thất bại của hội nghị này.


 

Công nhân ngành sữa biểu tình vây kín các cơ quan EU ở Brúcxen hồi năm 2009.

 

Các quan chức EU đang trầy trật tìm kiếm một cách vô vọng thỏa hiệp cho ngân sách 2014-2020, theo đó những quốc gia giàu hơn (đang đòi giảm ngân sách của EU) phải xích lại gần hơn với quan điểm của những nước nghèo hơn vốn đang trông đợi Brúcxen trợ giúp những ngành công nghiệp và khu vực đang bị khủng hoảng nặng nề của mình. Trong một bài phát biểu "buồn rầu" trước Nghị viện châu Âu hôm 21/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói: "Tất cả đều chỉ nói về cắt giảm. Không ai nói về chất lượng đầu tư, mà chỉ có cắt giảm, cắt giảm".


Nhiều quốc gia thành viên EU đang mấp mé tình trạng suy thoái trong khi các quốc gia chủ trương ngân sách khắc khổ đang yêu cầu EU giảm mạnh chi tiêu, điều này khiến những quốc gia đang cạn kiệt tiền mặt ở phía đông và nam phẫn nộ. Trọng tâm của hội nghị (nói đúng hơn là một cuộc chiến) là các quỹ phát triển, vốn hàng năm chi hàng tỷ USD cho những quốc gia nghèo mới gia nhập EU để những nước này thu hẹp khoảng cách kinh tế với những nước láng giềng giàu có.


Tám quốc gia đóng góp trên thực tế cho ngân sách EU là Áo, Anh, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Đức, Hà Lan và Thụy Điển, đang về một phe yêu cầu giảm chi tiêu. Phe phản đối họ là các quốc gia - Ba Lan, Bồ Đào Nha, Bungari, Cộng hòa Séc, Extônia, Hy Lạp, Hunggari, Látvia, Lítva, Manta, Rumani, Xlôvakia, Xlôvênia - trên thực tế đang được cấp ngân sách. Đứng đầu phe này là Ba Lan và Bồ Đào Nha.


Các khoản trợ giá đối với ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, được rót thông qua Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) khổng lồ của EU, là một vấn đề đầy gây tranh cãi khác, đặc biệt là đối với Pháp - nước được hưởng lợi nhiều nhất từ trước đến nay nhờ chính sách này. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thề là sẽ "đấu tranh" để duy trì các khoản trợ giá nông nghiệp cực kỳ quan trọng của nước Pháp, vốn được giới vận động hành lang nông nghiệp nhiều ảnh hưởng ở Pari xác định là ranh giới đỏ không thể vượt qua.


Trong thư mời tham dự hội nghị gửi tới 27 nhà lãnh đạo EU, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đã viết: "Chúng ta hãy đừng phạm sai lầm. Việc không đạt được thỏa thuận sẽ gây hại cho tất cả chúng ta". Tuy nhiên, ngày 21/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói trước các nghị sĩ nước này rằng bà không biết "liệu chúng ta có đạt được thỏa thuận cụ thể nào" trong ngày 23/11 hay không, và khẳng định: "Nếu cần thiết, chúng ta sẽ lại nhóm họp vào đầu năm tới".


TTK (theo AFP)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN