Thất vọng với châu Âu, Gruzia lại hướng sang Nga?

Hy vọng đạt được thỏa thuận miễn thị thực với Liên minh châu Âu (EU) của Gruzia tại một hội nghị cấp cao ở Riga, Latvia, tuần qua đã biến thành thất vọng, khi kế hoạch này bị trì hoãn trong một động thái mà giới chức Gruzia cho rằng vì các lý do chính trị.

Theo báo "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 17/5, mặc dù nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây này đã ký một thỏa thuận tự do thương mại với EU hồi tháng 7 năm ngoái, song người dân Gruzia cảm nhận được rất ít lợi ích từ thỏa thuận đó. Với họ, đi lại miễn thị thực mới có ý nghĩa rõ ràng.

Tháng 9 năm ngoái, khi Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong bối cảnh xung đột tại miền Đông Ukraine đang leo thang, Gruzia cũng không được NATO chấp thuận "kế hoạch hành động thành viên" để mở đường cho nước này gia nhập NATO. Ông David Usupashvili, Chủ tịch Quốc hội Gruzia, phải thốt lên: "Điều tôi học được từ chính trị thế giới là càng là nước nhỏ càng ít có quyền thất vọng. Chúng tôi phải loại từ thất vọng trong từ điển của mình".

Thất vọng với châu Âu, nhiều người dân Gruzia giờ đây quay sang Nga.


Một cuộc thăm dò dư luận do Viện Dân chủ quốc gia Mỹ thực hiện cho thấy 31% người dân Gruzia ủng hộ gia nhập Liên minh Á-Âu, dự án liên kết giữa các nước thuộc Liên Xô trước đây do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất để làm đối trọng địa chính trị với EU. Mặc dù vẫn có 2/3 dân số ủng hộ liên kết với phương Tây, song tỉ lệ ngả sang dự án của ông Putin đã tăng lên gấp đôi trong một năm. Bà Eka Metreveli thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Gruzia nói: "Chúng tôi cần một củ cà rốt từ phương Tây. Có cảm giác rằng chúng tôi đang cố gắng nhưng không có gì xảy ra cả. Và Nga thì đang ở đây".

Kể từ khi ông Mikheil Saakashvili dẫn đầu cuộc cách mạng "Hoa hồng" năm 2003, Gruzia được xem như "nhà vô địch" về cải cách kinh tế và dân chủ trong số các nước thuộc Liên Xô trước đây. Vị trí của nước này cũng có tính chiến lược cao, với các đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy ngang đất nước từ Azerbaijan tới phía Tây để cung cấp cho châu Âu như một nguồn thay thế năng lượng của Nga.

Ông Usupashvili cho rằng nếu Moskva thu hẹp được hành lang rộng 75km giữa khu vực ly khai Nam Ossetia, vùng lãnh thổ mà Nga công nhận quyền độc lập sau cuộc chiến 5 ngày với Gruzia năm 2008, và Armenia ở phía Nam, quốc gia trong năm nay đã gia nhập Liên minh Á-Âu của Nga, nước Nga sẽ kiểm soát mọi thứ "từ biên giới Iran tới Bắc Cực".


Cuộc xung đột Ukraine đã bắt đầu làm thay đổi suy nghĩ của người Gruzia đối với Nga. Ghia Nodia, nhà chính trị học thuộc Đại học Ilia State ở thủ đô Tbilisi, nói: "Nhiều người Gruzia xem châu Âu như một kẻ yếu đuối và do dự. Nhưng Putin thì lại giống một người hùng đang dẫn dắt mọi việc theo ý của mình. Bởi thế người ta có thể đặt câu hỏi châu Âu mang lại những lợi ích gì? Và liệu chống lại Nga có phải là ngu ngốc không?".

Thất bại bất ngờ của chính quyền ông Saakashvili trong cuộc bầu cử năm 2012 trước liên minh "Giấc mơ Gruzia" của doanh nhân tỉ phú Bidzina Ivanishvili cũng góp phần làm thay đổi suy nghĩ của người dân. Liên minh gồm 6 đảng này vẫn trung thành với mục tiêu hội nhập phương Tây, nhưng chính phủ hiện nay của Thủ tướng Ikakli Garibashvili cũng tìm cách tái xây dựng mối quan hệ với Moskva.

Việc Nga bãi bỏ các lệnh cấm đối với rượu, nước khoáng và nông sản Gruzia mà họ áp đặt một thập kỷ trước đó đã thúc đẩy nền kinh tế nước này. Nông dân Gruzia coi Nga là một thị trường hứa hẹn hơn nhiều so với EU.

Chính phủ của liên minh "Giấc mơ Gruzia" cũng đã cho phép các kênh truyền hình Nga, từng bị cấm sau cuộc chiến năm 2008, được phát sóng trở lại ở Gruzia. Những tiếng nói ủng hộ Nga, phần lớn im lặng dưới thời chính phủ trước đó, lại có thể được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông Gruzia. Theo bà Metreveli, "sự tuyên truyền về Nga đang ngày càng mạnh mẽ hơn".

Các chính trị gia thiên về phương Tây và các nhà phân tích chỉ ra ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm ủng hộ Nga, ví dụ như Sự lựa chọn Á-Âu của Gruzia, một liên minh các tổ chức phi chính phủ hiện có tới 16.000 thành viên.

Các đảng ủng hộ Nga ở Gruzia tuyên bố rằng cơ hội duy nhất của Gruzia để lấy lại các khu vực ly khai là liên minh trở lại với Moskva. Theo giới quan sát, các đảng ủng hộ Điện Kremlin tại Gruzia chưa chắc đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào tháng 10/2016, nhưng họ có thể hội đủ số phiếu để ngăn chặn các đảng thân phương Tây giành quyền kiểm soát mọi thứ.


TTK

Mỹ - Gruzia tập trận tại căn cứ cũ của Nga
Mỹ - Gruzia tập trận tại căn cứ cũ của Nga

Khoảng 600 binh sĩ Mỹ và Gruzia đã bắt đầu cuộc tập trận chung dự kiến kéo dài 2 tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN