Thấy gì từ động thái 'quốc tế hóa' nội các Ukraine?

Lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine và thế giới, 3 công dân nước ngoài được bổ nhiệm là bộ trưởng trong nội các của một quốc gia. Giải thích về tiền lệ này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định rằng Ukraine cần học tập "kinh nghiệm của nước ngoài" để thoát khỏi bờ vực phá sản sau nhiều thập kỷ bế tắc chính trị và tình trạng tham nhũng hoành hành.

 

Tổng thống Ukraine đã ký sắc lệnh nhập quốc tịch cho 3 người nước ngoài được bổ nhiệm là Bộ trưởng trong Nội các của Ukraine.


Các thủ tục nhằm thực thi vô điều kiện tiền lệ trên cũng đã được hoàn tất một cách nhanh chóng. Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh trao quốc tịch Ukraine cho một công dân Mỹ là bà Natalie Jaresko - người đứng đầu một quỹ tương hỗ tư nhân và đã được Quốc hội Ukraine phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính, và ông Aivaras Abromavicius - một chủ ngân hàng đầu tư người Litva, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế. Các nghị sỹ Ukraine cũng phê chuẩn ông Alexander Kvitashvili, cựu Bộ trưởng Y tế Gruzia, giữ chức vụ tương tự tại Ukraine. Theo đề xuất của Tổng thống và được sự ủng hộ của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk, hai vị trí chủ chốt trong Chính phủ là Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao đều được giữ nguyên so với Chính phủ trước đó.


Tổng thống Poroshenko cũng lấy lý do người nước ngoài "có nhiều ưu thế khi không có những mối liên hệ với các tầng lớp chính trị Ukraine" để giải thích cho việc hồi cuối tuần qua đã bổ nhiệm một người nước ngoài đứng đầu Cục chống tham nhũng quốc gia mới được thành lập.      


Thậm chí đã có một số ý kiến cho rằng, Ukraine sẽ còn có những bước đi xa hơn trong việc bầu chọn các vị trí thứ trưởng và hiện Ukraine đang xem xét 7 hồ sơ trao quốc tịch cho công dân nước ngoài tiếp theo.  


Nhà chức trách giải thích về quyết định cho người nước ngoài nắm giữ vị trí điều hành những bộ ngành nhạy cảm nhất của đất nước là để giải quyết tình trạng người dân ngày càng nghi ngờ những chính trị gia người Ukraine, vốn có tiếng xấu là gây bè kết cánh, và tham nhũng vô độ. Tổng thống Poroshenko chỉ rõ rằng người nước ngoài có "lợi thế" đặc biệt, do họ không liên quan đến giới chính trị của Ukraine. "Không có ai sẽ là người đỡ đầu của bất cứ ai" là điều ông Poroshenko khẳng định khi đề cập "chủ nghĩa gia đình trị" chính trị.


Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chính quyền Ukraine đang đi một nước cờ nguy hiểm. Bởi dù có thể được xem là một cuộc cách mạng về chính trị và dù có thể sẽ "lấy lòng" các đối tác phương Tây và các nhà đầu tư, song quốc gia Đông Âu này sẽ đối mặt với những hệ lụy còn lớn hơn, đó là sự chia rẽ và suy giảm lòng tin. Thực tế, đã có một số ý kiến cho rằng, thành phần Chính phủ mới không chỉ cho thấy Ukraine đang bị chỉ đạo từ bên ngoài, mà còn là minh chứng rõ nhất về sự thiếu niềm tin của chính quyền vào chính nhân dân của mình.


Một điều cũng phải nói thêm rằng, những bổ nhiệm này không hoàn toàn là hợp pháp, bởi luật pháp Ukraine cấm bổ nhiệm những người mang 2 quốc tịch vào các vị trí quan trọng trong chính phủ, song dường như lúc này đây đó không phải điều quan tâm của các quan chức Ukraine.


Hiện có nhiều chuyên gia Ukraine và quốc tế đặt dấu hỏi về hiện tượng "quốc tế hóa" thành phần nội các của Ukraine. Họ cho rằng thực tế này cho thấy duy nhất một điều rằng Ukraine đang bị đặt dưới sự kiểm soát từ bên ngoài và phải chăng các hoạt động của Kiev hiện đều do Mỹ và EU "giật dây".


Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko bất chấp đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, vẫn tiếp tục đi xa hơn trên con đường hướng tới EU và NATO, cho dù hai tổ chức này đều tuyên bố Kiev chưa sẵn sàng để được chào đón trở thành thành viên. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Poroshenko cho rằng tình trạng trung lập đứng ngoài khối của Ukraine đã được chứng minh là không hợp lý và cần phải từ bỏ. Vì vậy, Ukraine đã quay trở lại ý tưởng hội nhập NATO. Quân đội Ukraine sẽ tăng cường hợp tác với các lực lượng vũ trang NATO và định hướng lại theo tiêu chuẩn của khối này.


Bất kể nguyện vọng của ông Poroshenko, Ngoại trưởng Đức mới đây khẳng định rằng ông không tin việc Ukraine gia nhập EU trong tương lai gần sẽ trở thành hiện thực, vì việc hiện đại hóa kinh tế và chính trị của Ukraine là một "dự án cho nhiều thế hệ". Ông Steinmeier cũng cho rằng, ông phản đối Ukraine gia nhập NATO mà chỉ cân nhắc ủng hộ khả năng hợp tác. Thực tế, có thể thấy rõ lý do EU cũng như NATO chắc chắn không muốn mọi việc càng trở nên rối bời hơn khi cố tình "bật đèn xanh" cho nguyện vọng của Ukraine.


Một nguồn tin ngoại giao cho biết, vấn đề về tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ vấp phải rất nhiều hạn chế. Trong khi chính phủ mới của Kiev muốn tái khởi động tiến trình tìm kiếm tư cách thành viên tại NATO, sau khi bị gián đoạn dưới thời Tổng thống bị phế truất Victor Yanukovich, thì Nga vẫn kiên quyết phản đối điều này. Và đó chính là lý do vì sao EU và NATO đang tỏ ra hết sức thận trọng.



Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)

           

 

 

Vì sao Ukraine cho người nước ngoài giữ nhiều ghế nội các quan trọng?
Vì sao Ukraine cho người nước ngoài giữ nhiều ghế nội các quan trọng?

Ukraine cho người nước ngoài điều hành những bộ ngành nhạy cảm nhất để giải quyết tình trạng người dân ngày càng nghi ngờ những chính trị gia người Ukraine, vốn có tiếng xấu là luôn đấu đá lẫn nhau và lái những chiếc xe hạng sang khắp thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN