Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị bốn bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ hợp tác nhằm tạo điều kiện cho sự trở về an toàn, tự nguyện và lâu dài của những người tị nạn, đồng thời tiếp tục thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức ở Syria.
Trong số các bên tham gia hội nghị, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia liên quan nhiều nhất đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria, do vị trí địa lý là nước láng giềng, đồng thời Ankara cũng có nhiều toan tính chính trị và an ninh ở đây, nên Thổ Nhĩ Kỳ không ít lần đưa quân vào lãnh thổ Syria, hành động luôn bị chính quyền Damascus chỉ trích.
Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức chủ yếu giữ vai trò hỗ trợ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria do Mỹ phát động, hoặc như Anh và Pháp từng tham gia những chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào Syria, như cuộc tấn công hồi tháng 4/2018.
Điểm chung là cả bốn quốc gia này đều đang phải gánh chịu làn sóng người tị nạn, một trong những hậu quả do cuộc xung đột ở Syria gây ra.
Mặc dù Thủ tướng Đức đánh giá các cuộc thảo luận "phong phú và hữu ích", còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng "mọi thứ tốt đẹp", nhưng hội nghị vừa diễn ra ở London không thể xem là một giải pháp tháo gỡ nút thắt cho tình hình ở Syria, bởi những bên trực tiếp liên quan, bao gồm Syria, Mỹ và Nga không có mặt.
Nói cách khác, đây chỉ là một hội nghị về một chuyên đề hẹp, không phải toàn diện về tình hình Syria. Cũng chính vì thế, những sự đồng thuận hay lời kêu gọi đưa ra sau hội nghị là không đủ để tạo ra bước chuyển biến thực chất trong việc giải quyết cuộc xung đột ở đây.
Như lời ông Johnson, hai vấn đề được các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm là hồi hương người tị nạn và thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Về mặt bề nổi thì đây đang là hai vấn đề cấp thiết và có liên quan mật thiết với nhau ở Syria: Đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố, để tạo ra một môi trường sống an toàn, giúp người tị nạn Syria có thể sớm trở về quê nhà, ổn định cuộc sống và xây dựng tương lai.
Những gì vừa diễn ra tại hội nghị ở London nói lên một điều, rằng các nước Anh, Pháp, Đức và cả Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu suy nghĩ đến những giải pháp lâu dài hơn cho Syria, nhằm giải quyết bài toán khủng hoảng người di cư ở châu Âu.
Từ năm 2015, cuộc khủng hoảng người di cư đang làm xáo trộn xã hội cũng như chính trường ở châu Âu, đặc biệt tại Đức và Pháp. Trong khi đó, qua thỏa thuận đạt được với Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ vai trò chốt chặn, ngăn dòng người di cư ồ ạt tràn vào châu Âu một cách không thể kiểm soát như 3 - 4 năm về trước. Tuy nhiên, chính thỏa thuận ký năm 2015 này dường như đang khiến EU bị đặt vào thế bất lợi. Vấn đề người di cư không ít lần bị Thổ Nhĩ Kỳ biến thành "quân cờ" để gây sức ép với EU, nhất là đe dọa mở lại tuyến đường di cư từ nước này vào châu Âu nếu không được đáp ứng những yêu cầu.
Nhưng ở Syria không chỉ có chủ nghĩa khủng bố, mà cụ thể ở đây là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, với những phần tử thánh chiến cực đoan từng gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố gây rúng động giữa lòng châu Âu trong vòng 5 năm trở lại đây Ở đó còn là bàn cờ cạnh tranh chiến lược giữa các bên, với những "người chơi có máu mặt" gồm Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Mỹ tìm kiếm ở Syria một tương lai mà chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad suy yếu hoặc biến mất, thì Nga hành động ngược lại, ngăn chặn toan tính của Mỹ để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Moskva ở Trung Đông. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ lại quan tâm đến vấn đề người Kurd và vừa thúc đẩy một chiến dịch quân sự mang tên "Cội nguồn hòa bình" hồi tháng 9 vừa qua, đưa quân vào lãnh thổ Syria chống lại lực lượng người Kurd, đẩy người Kurd vào sâu trong lãnh thổ Syria, xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hơn, bất chấp sự chỉ trích của Damascus cũng như sự phản đối của Nga, Mỹ và cả EU.
Lợi ích của các bên trên bàn cờ Syria nhiều khi đối nghịch nhau, nên ngay cả khi hợp tác trong vấn đề này, như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia vòng đàm phán Astana nhằm tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, thì những toan tính khác nhau sẽ dẫn tới những nước đi lấn át lẫn nhau.
Vì thế, việc các nước châu Âu kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, không hành động quá mức ở miền Bắc Syria chỉ là một giải pháp nhằm tránh làm tình hình Syria trở nên hỗn loạn và phức tạp hơn, chứ không thể đem lại sự ổn định ở quốc gia Trung Đông để chấm dứt dòng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu.
Bàn cờ Syria có quá nhiều người chơi, và các quốc gia châu Âu tham dự hội nghị vừa qua ở London không phải là những người chơi quan trọng nhất, dù rằng bất kỳ cú sốc hay biến cố nào xảy ra ở Syria thì các nước EU sẽ chịu tác động trực tiếp, trước hết là dòng người tị nạn khổng lồ, và không loại trừ sẽ có những tay súng thánh chiến trà trộn vào để tới châu Âu.
Trong khi các bên liên quan vẫn cân nhắc từng nước đi theo toan tính lợi ích của mình, thì nguy cơ thảm kịch nhân đạo và một tương lai mờ mịt vẫn tiếp diễn ở Syria. Điều đó cũng đe dọa lợi ích của chính EU, song có vẻ các nước EU đang không thể tự bảo vệ mình.