Thế bí của Hungary trong cuộc đối đầu Nga-phương Tây

Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hungary và thỏa thuận năng lượng mới của ông với Thủ tướng nước chủ nhà Viktor Orban đã gây ra một sự tranh luận nữa về những nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu liên minh phương Tây. Chuyên gia Donald Jensen, một học giả tại Trung tâm Quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhận định về những phát triển đầy tranh cãi này.

Ngày 17/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm chính thức Budapest-một chuyến công du được thiết kế nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Điện Kremlin với Hungary trong khi phần còn lại của châu Âu “lạnh nhạt” với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong vài giờ hội đàm, ông Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đồng ý mở rộng một hợp đồng khí đốt vì nó sắp hết hiệu lực trong năm nay. Hai bên cũng đã đạt được một thỏa thuận xây dựng một nhà máy năng lượng hạt nhân. Cả hai nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ ủng hộ dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự án đường ống khí đốt này sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và bao gồm các chi nhánh mang khí đốt qua Hy Lạp và vùng Balkan tới Hungary. Trong chuyến thăm của ông Putin, Thủ tướng Orban đã chỉ trích các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), những nước muốn cô lập Nga, là “không có lý trí”, đồng thời phủ nhận cáo buộc rằng mối quan hệ giữa Budapest và Moskva gây tổn hại đến sự đồng thuận của châu Âu về vấn đề Ukraine.

Ông Putin (phải) không được chào đón trong EU; cuộc gặp của ông với Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) là cuộc hội đàm song phương đầu tiên với một nước thành viên của EU kể từ tháng 6 năm ngoái. Ảnh: EPA


Khi đưa tin về chuyến thăm trên của ông Putin, các phương tiện truyền thông ở cả Hungary và bên ngoài đều thiên về hướng tiêu cực. Một vài ấn phẩm truyền thông nội địa cho rằng chỉ có một mục đích duy nhất về chuyến thăm của ông Putin là xuất hiện tại một quốc gia vừa là thành viên của EU và NATO. Nhưng hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng chính phủ của ông Orban đã làm giảm tầm quan trọng của chuyến thăm, ít nhất là so với những gì mà ông Putin đã nhận được ở Belgrade (thủ đô của Serbia) vào tháng 11 năm ngoái. Truyền thông Áo và Hungary cũng cho rằng chuyến thăm của ông Putin nhằm gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo Hungary và đe dọa sẽ cắt giảm bán khí tự nhiên nếu ông không được tiếp đón ở Budapest. Tờ New York Times của Mỹ dựa vào một phân tích ở Hungary đã chỉ ra những căng thẳng giữa hai bên, nhưng tờ Washington Post lại nhấn mạnh về sự nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo.

Hungary hiện đang trong thế tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ với Nga và EU. Nguồn tài trợ, văn hóa và các nguồn năng lượng vẫn là động lực mạnh mẽ để những nước này hướng đông (hướng về mối quan hệ tốt đẹp với Nga). Chính sách đối ngoại của ông Orban là một sự pha trộn giữa lý tưởng và chủ nghĩa cơ hội. Trong một bài phát biểu về dân chủ hồi mùa hè năm ngoái, Thủ tướng Hungary đã ca ngợi nền dân chủ ở  Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Singapore và Nga, đồng thời tuyên bố rằng nước này vẫn thuộc về NATO và EU. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, ông Orban đã hạn chế những lời tuyên bố ủng hộ Nga, nhưng cho rằng các lệnh trừng phạt chống Nga là “vô nghĩa” và bày tỏ quan ngại về số phận của 200.000 người Hungary ở Ukraine, đồng thời ông cũng đưa ra những lời lẽ mà ông Putin từng phát biểu ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Ông Putin đã không có chuyến thăm nào tới một nước thành viên của EU kể từ tháng 6/2014. Điều này khiến các chuyên gia phương Tây cho rằng việc Tổng thống Putin xuất hiện ở Budapest chính là nhấn mạnh tầm quan trọng của Điện Kremlin trong việc “quyến rũ” Hungary. Nga cũng có mối quan hệ tốt với đảng cực hữu Pháp, đảng cực tả ở Hy Lạp, và đề xuất hợp tác năng lượng với Áo và Bulgaria, nơi mà, giống như ở Budapest, các nhà lãnh đạo đều lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt chống lại Moskva của EU.

Thủ tướng Đức Merkel (phải) trong chuyến thăm tới Budapest đầu tháng 2/2015.


Việc xích lại gần Moskva của ông Orban sẽ đi kèm với chi phí chính trị đối với vị thế của Hungary tại EU. Nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã nhận được sự cảnh báo về những gì mà họ cho là Hungary đang trôi vào quỹ đạo của Nga. Trước đó cũng vào tháng 2 này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm Budapest và bà đã bất đồng quan điểm với Thủ tướng Orban qua lời giải thích của ông về vấn đề dân chủ. Ông Orban từng có tín hiệu ủng hộ EU: trong tháng 11/2014, ông mô tả Đức như là một "chiếc la bàn" đối với Hungary trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định Hungary sẽ lựa chọn con đường riêng của mình trong quan hệ với Moskva và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Việc ông Orban quyết định phản đối việc kéo dài lệnh trừng phạt chống lại Nga khi chúng được đưa ra thảo luận trong những tháng tới, sẽ khiến cho cách tiếp cận của EU về vấn đề Ukraine có thể bị suy yếu.

Khi đã đạt được một thỏa thuận khí đốt với Moskva, ông Orban có thể sẽ mạnh mẽ hơn. Ngày 17/2 vừa qua, ông này tuyên bố sẽ không ủng hộ một kế hoạch của EU nhằm tích hợp chính sách năng lượng của liên minh này, một động thái nhằm tìm cách sửa đổi các điều lệ của EU để tạo ra một liên minh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Theo kế hoạch này, Hungary sẽ phải hạn chế việc bán lại khí đốt của Nga cho Ukraine. Ông Orban cũng hy vọng thỏa thuận với Moskva sẽ giúp nhận được sự ủng hộ từ đảng của ông.



Công Thuận (Theo Viện nước Nga hiện đại)
Hungary chìa cành ô liu cho Mỹ
Hungary chìa cành ô liu cho Mỹ

Hungary đã có hành động chìa cành ô liu cho Mỹ bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Peter Szijjarto rằng Hungary sẵn sàng hàn gắn những chiếc cầu nối với Mỹ đã bị suy yếu gần đây bởi các cáo buộc tham nhũng từ Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN