Thế cân bằng mong manh

Điểm nhấn trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Trung Quốc được đánh dấu bằng việc hai bên ký kết 19 thỏa thuận và 24 hợp đồng thương mại, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 6/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là một kết quả đáng kể trong chuyến thăm lần thứ hai của vị nguyên thủ Pháp tới cường quốc châu Á, với trọng tâm ưu tiên là các vấn đề kinh tế và thương mại.

Trong bối cảnh nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump mở cuộc chiến thương mại với nhiều đối tác, trong đó cả Trung Quốc và Pháp đang phải đối phó, Paris hy vọng có thể tìm được một tiếng nói chung với Bắc Kinh, cho phép tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư song phương. Về phần mình, Trung Quốc cũng rất cần đến đối tác mới, đặc biệt với Liên minh châu Âu (EU), mà Pháp, một trong những nền kinh tế đầu tàu với tiếng nói có trọng lượng ở châu Âu, là lựa chọn hàng đầu. Bắc Kinh chủ trương tăng cường quan hệ với Paris để thông qua đó thúc đẩy hợp tác Trung Quốc-EU, cũng như cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phương Tây. 

“Quan hệ đối tác toàn diện”, “đối thoại chiến lược”... là những cụm từ được các nhà ngoại giao hai bên nhắc tới để nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Pháp - Trung. Tuy nhiên, xét trên thực tế, mối quan hệ này lại đang chứng kiến tình trạng bất đối xứng gia tăng, với cán cân thâm hụt thương mại nghiêng về phía Pháp lên đến gần 30 tỷ euro (33,2  tỷ USD). Thách thức lớn nhất đối với chính quyền của ông Macron là vừa phải mở rộng hợp tác thương mại vừa phải bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Pháp.  Tổng thống Pháp cũng không giấu tham vọng "tái cân bằng quan hệ" giữa hai nước.

Có vẻ trong chuyến thăm này, Tổng thống Pháp cố gắng vừa bảo vệ lợi ích của nước Pháp vừa gửi một thông điệp về một EU thống nhất tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Như một biểu tượng, tháp tùng Tổng thống Macron ngoài đoàn doanh nghiệp Pháp còn có Bộ trưởng Nghiên cứu Đức Anja Karliczek, Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Phil Hogan và đại diện khoảng 20 công ty Đức, một cách để ngầm phát đi hình ảnh về sự hợp lực của EU trước nền kinh tế khổng lồ ở châu Á. Đây cũng có thể là cách để Tổng thống Pháp tạo được thế cân bằng trong quan hệ đối tác với Trung Quốc. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 4 lần, thảo luận hàng loạt vấn đề về khí hậu, đa dạng sinh học, tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương. Chính sách ôn hòa của Tổng thống Pháp khi tới Trung Quốc, với thông điệp “đối thoại xây dựng” và “đôi bên cùng có lợi” dường như đã phát huy tác dụng.

Bước tiến đầu tiên của Tổng thống Pháp trong việc "mở cửa" thị trường Trung Quốc đã được cụ thể hóa bằng những thỏa thuận và hợp đồng được ký trong chuyến thăm. Trong số những hợp đồng quan trọng, phải kể đến đơn đặt hàng 120 động cơ Leap do Safran sản xuất trị giá khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD), và việc thành lập liên doanh giữa Saft (Total) và một nhà công nghiệp Trung Quốc để sản xuất pin lithium-ion. Tuy nhiên, Paris đã không đạt được thỏa thuận về dự án xây một nhà máy tái chế chất thải hạt nhân của Orano (trước đây là Areva) tại Trung Quốc. Hợp đồng này, ước tính trị giá khoảng 11 tỷ euro (12,2 tỷ USD), đã được đàm phán từ hơn 10 năm nay. Dù vậy, Bắc Kinh cũng nhượng bộ khi cam kết sẽ đưa ra kết luận trước ngày 31/1/2020. 

Một dấu hiệu đáng khích lệ khác, hai vị nguyên thủ đã cùng nhau chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận về công nhận lẫn nhau và bảo vệ các chỉ dẫn địa lý giữa EU và Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa hai bên này sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các nhà sản xuất nông nghiệp của EU. Thỏa thuận về bảo hộ đầu tư vẫn đang được hai bên tiếp tục đàm phán. Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ cho hợp tác giữa EU và Trung Quốc, để các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước thứ ba thông qua dự án "Vành đai và con đường" phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế.

Một bước tiến khác có thể nhắc tới, là cuộc hội đàm và họp báo chung của hai nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc đã cho thấy sự thống nhất quan điểm trước chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả trong lĩnh vực môi trường, thương mại và vấn đề hạt nhân Iran. Hai vị nguyên thủ đã nhấn mạnh rằng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mà Mỹ đã chính thức thông báo rút vào ngày 4/11, là "quy trình không thể đảo ngược". Trong Lời kêu gọi Bắc Kinh về bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu được công bố nhân dịp này, cả hai nước đều khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu, để đảm bảo thực thi Hiệp định Paris "một cách toàn diện và hiệu quả". Cùng ca ngợi chủ nghĩa đa phương, phản đối "chủ nghĩa bảo hộ và trò chơi tổng bằng không", chỉ trích "một cuộc chiến thương mại chỉ đem đến những người thua cuộc", Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang đứng về một bên để đối trọng với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà Tổng thống Donald Trump đang thực hiện. Ngay trong vấn đề hạt nhân Iran, nhà lãnh đạo Pháp cũng cho rằng những căng thẳng hiện nay thể hiện sự thất bại của "chủ nghĩa đơn phương thô bạo" kiểu Mỹ.

Ít nhiều thì chủ trương "mềm mỏng và linh hoạt" mà Tổng thống Pháp thực hiện trong chuyến thăm đã thu được những kết quả nhất định với các những lợi ích thương mại, và ở một phương diện nào đó, mục tiêu tái lập thế cân bằng trong quan hệ đối tác giữa Pháp và Trung Quốc đã đạt được. Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc là đối tác của cả Pháp và EU. Hai bên có lẽ cần tới nhau và hỗ trợ lẫn nhau, trước hết là để đối phó với một cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động.

Tuy nhiên, giữa Pháp và Trung Quốc vẫn còn tồn tại rất nhiều chủ đề đối ngược. Chuyến thăm của Tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có những yếu tố không thuận. Trung Quốc không mặn mà với “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Pháp mà Tổng thống Macron đã nêu trong chuyến thăm năm 2018; không bằng lòng việc Pháp bán máy bay Rafale cho Ấn Độ hoặc mở cảng cho Hải quân Ấn Độ. 

Trên phương diện EU, Trung Quốc vẫn nghiêng về các quốc gia ủng hộ và tham gia dự án "Vành đai và con đường" đầy tham vọng của mình, trong đó có Hy Lạp và Italy. Thị trường Trung Quốc chỉ được hé mở từng chút một trong khi chính quyền Bắc Kinh luôn tìm cách trì hoãn thời gian. Thậm chí Trung Quốc không cam kết sẽ ký kết thỏa thuận bảo hộ đầu tư với châu Âu vào năm tới, tuy cả Đức và Pháp đang thúc đẩy để các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào tháng 9/2020. 

Trong khi đó, Pháp và EU cũng không ủng hộ Trung Quốc trong nhiều vấn đề, như hành động gây căng thẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sự can dự ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc vào thị trường EU đang gây mối quan ngại lớn. Bên cạnh đó, châu Âu còn đang bị chia rẽ trong việc quyết định mở hay không mở thị trường 5G cho công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Những khác biệt đó khiến thế cân bằng trong quan hệ Pháp và Trung Quốc nói riêng, và kể cả quan hệ EU và Trung Quốc nói chung, trở nên mong manh. Nói cách khác, kết quả đáng ghi nhận mà chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Trung Quốc mang lại, có thể chỉ đem lại lợi ích trong ngắn hạn.

Linh Hương (Pv TTXVN tại Pháp)
Tổng thống Pháp xoa dịu những lo ngại về chương trình cải cách lương hưu
Tổng thống Pháp xoa dịu những lo ngại về chương trình cải cách lương hưu

Trong một cuộc thảo luận với các công dân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/10 đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về chương trình cải cách lương hưu, vốn đã làm dấy lên cuộc biểu tình phản đối của các tài xế, phi công, luật sư, bác sĩ và cảnh sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN