Thế giới bất an, rộ trào lưu xây tường biên giới

Pakistan mới đây thông báo đã bắt đầu cho xây một hàng rào dọc biên giới với Afghanistan để ngăn chặn phiến quân vượt biên. Pakistan chỉ là một trong nhiều nước đã, đang và sẽ xây dựng những bức tường, hàng rào biên giới vì bất an với một thế giới đầy rẫy rủi ro.

Ồ ạt xây tường, hàng rào

Chính phủ Pakistan cho biết động thái xây hàng rào là để ngăn chặn các phiến quân Hồi giáo ở Afghanistan vượt biên và tấn công trên đất Pakistan.

Hào và hàng rào dọc biên giới Pakistan - Afghanistan. Ảnh: AP

Trước Pakistan, đã có nhiều quốc gia muốn xây rào, tường ở biên giới mà nổi tiếng nhất là Mỹ với kế hoạch của Tổng thống Donald Trump xây tường dọc biên giới với Mexico. Ấn Độ còn “chịu chơi” hơn khi tuyên bố sẽ xây tường biên giới với cả hai nước là Pakistan và Bangladesh để ngăn chặn khủng bố thâm nhập.


Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cho rằng thế giới đang tiến tới giai đoạn liên kết nhiều hơn bao giờ hết, đạp đổ mọi bức tường trên đường đi và dường như tường ngăn cách chỉ là quá khứ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng trên thực tế, tường và hàng rào biên giới đang mọc lên khắp nơi trên thế giới với tốc độ nhanh nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.


Khi Bức tường Berlin sụp đổ cuối Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hóa bùng nổ. Quá trình toàn cầu hóa đã làm một số khu vực trên thế giới nảy sinh mong muốn được tách biệt, đặc biệt là sau khi một loạt sự kiện lớn xảy ra như vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều nước muốn tách biệt bằng cách xây các rào chắn hữu hình.


Nghiên cứu của nhà khoa học chính trị Ron Hassner và Jason Wittenberg cho biết: Trong 51 biên giới được xây dựng củng cố giữa các nước kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, khoảng một nửa được xây dựng từ năm 2000 đến 2014. Các biên giới dưới dạng những kết cấu như hàng rào Mỹ-Mexico, rào chắn Israel-Bờ Tây, hàng rào Saudi Arabia-Yemen thường có xu hướng do các nước giàu xây để ngăn chặn người dân các nước nghèo hơn. Ông Ramo nhận định: “Tường, hàng rào, hào của thế giới hiện đại dường như ngày càng dài hơn, tham vọng hơn và được bảo vệ tốt hơn”.


Gần đây, nhiều hàng rào đã xuất hiện ở châu Âu trong bối cảnh các nước chật vật với làn sóng di cư ồ ạt. Tờ The Economist nhận định rằng châu Âu sẽ sớm có nhiều hàng rào hữu hình dọc biên giới hơn là thời Chiến tranh Lạnh. Các biện pháp kiểm soát biên giới mới đang đe dọa khu vực miễn thị thực Schengen ở Liên minh châu Âu (EU).


Theo tác giả Hassner và Wittenberg, các nước dường như đang học công nghệ củng cố ranh giới từ các nước lân cận và các cường quốc khu vực mà họ cho là đã thành công. Khi ngày càng nhiều quốc gia muốn củng cố biên giới, đặc biệt là Mỹ và khu vực EU, càng nhiều nước sẽ coi rào chắn hữu hình là để bảo vệ quốc gia.


Hiệu quả tới đâu?


Theo lý giải của các nước xây hàng rào biên giới, mục đích là để ngăn cản làn sóng nhập cư, khủng bố và nạn buôn lậu qua biên giới. Tuy nhiên, hiệu quả của tường, rào tới đâu còn là vấn đề phải bàn.

Hàng rào có ngăn chặn được làn sóng di cư? Ảnh: Reuters

Theo Hassner và Wittenberg, tường biên giới có hiệu quả nhất khi tường chỉ là một phần trong chiến lược kiểm soát biên giới và khi không có biện pháp nào khác. Các nước không nên bàn về việc xây hay không xây tường, thay vào đó nên nghĩ cách làm thế nào để hệ thống kiểm soát biên giới có hiệu quả. Ví dụ, thay vì muốn xây tường chặn toàn bộ người di cư, các nước cần phân loại xem đối tượng di cư nào cần khuyến khích.


Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói tường biên giới vô ích trước các mối đe dọa không biên giới. Các chuyên gia cũng chung nhận định này.


Với hàng rào mà Ấn Độ định xây với Bangladesh và Pakistan, kênh BBC dẫn lời các nhà phân tích cho rằng địa hình khó khăn trên khu vực hai biên giới sẽ khiến việc đảm bảo biên giới là điều gần như bất khả thi. Bharat Karnad, một chuyên gia an ninh quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở Delhi, nhận định: Đây là những biên giới mở và bạn không thể bịt kín hoàn toàn cho dù cố sức đến đâu, cho dù dùng công nghệ cao đến đâu. Có những khu vực ở Kashmir mà tuyết rơi dày có thể xóa bỏ bất kỳ hàng rào nào được dựng lên.


Với hàng rào Pakistan-Afghanistan, các chuyên gia cho rằng mối quan hệ văn hóa sâu sắc giữa người Pashtun ở hai bên biên giới sẽ khiến cho việc xây hàng rào là điều không hiệu quả. Mỗi ngày, hàng nghìn người Afghanistan và Pakistan vượt Đường Durand – ranh giới 2.430 km mà người Anh từng lập ra và không được Afghanistan công nhận là biên giới chính thức với Pakistan. Nhiều người Pashtun có mối quan hệ văn hóa, lịch sử và gia đình với nhau ở hai bên biên giới cũng không công nhận. Về việc làm hàng rào để ngăn phiến quân từ Afghanistan, các chuyên gia cho rằng phía Pakistan sẽ tốn công vô ích vì phiến quân không sử dụng các chốt biên giới chính thức, thay vào đó chúng sẽ xâm nhập qua những khu vực không chính thức dọc biên giới.


Với các nước ở vòng ngoài châu Âu, việc xây hàng rào không thể cản nổi làn sóng di cư từ Trung Đông, châu Phi. Chỗ này bị bịt lại, họ sẽ tìm đường khác. Hàng rào sẽ không thể cản bước họ tìm cuộc sống mới an toàn hơn khi mà nếu ở quê nhà, họ sẽ chết vì chiến tranh, xung đột, đói nghèo.


Tiền đâu ra?


Ngoài việc hiệu quả hạn chế, vấn đề kinh phí để xây tường, hàng rào cũng là một bài toán đau đầu với nhiều quốc gia.

Một đoạn hàng rào dọc biên giới Mỹ - Mexico gần Naco, bang Arizona. Ảnh: Reuters

Theo hãng thông tấn TASS, năm 2016, Ukraine đã chi 8 triệu USD để củng cố biên giới với Nga. Năm 2015, nước này chi 16 triệu USD để nâng cấp biên giới bằng cách làm hào chống tăng, lắp hàng rào kim loại và làm đường vành đai. Mới đây, kế hoạch xây tường biên giới với Nga đã bị ngừng vì thiếu tiền. Bà Yulia Svetlichnaya, một đại diện chính quyền khu vực Kharkov nói: “Không có tiền cho dự án này và theo tôi biết, dự án đã dừng trên lãnh thổ Kharkov”. Dự án được cấp 160 triệu USD tới năm 2018. Đề xuất củng cố biên giới Ukraine- Nga dài hơn 2.200 km được đưa ra lần đầu năm 2014 bởi Thủ tướng khi đó là Arseniy Yatsenyuk.


Tiền cũng là vấn đề lớn cản trở chính quyền của ông Trump trong việc xây tường biên giới dọc Mexico. Ngày 29/3, các tờ báo Mỹ đã dẫn dự toán chi phí xây tường của thượng nghị sĩ Claire McCaskill đảng Dân chủ. Theo đó, chi phí ước tính là 66,9 tỷ USD, chứ không phải là 8 đến 10 tỷ USD mà ông Trump từng nói trong chiến dịch tranh cử. Điều đó có nghĩa là mỗi người Mỹ phải trả 200 USD cho bức tường. Bà Claire nói: “Đáng lo ngại là chi phí xây dựng có thể tăng cao hơn rất nhiều vì chi phí mua lại đất dọc biên giới hiện do tư nhân sử hữu không được đưa vào dự toán ban đầu”.


Trước mắt, Bộ An ninh Nội địa cho biết ông Trump sẽ đề nghị Quốc hội cấp khoản đầu là 999 triệu USD để xây 100 km tường đầu tiên trong tài khóa 2017. Khoản này phải được Quốc hội thông qua trước 28/4 thì mới có thể bắt đầu xây tường.


Hiện chưa rõ Quốc hội Mỹ sẽ cấp bao nhiêu tiền để xây tường và việc chính quyền Trump yêu cầu Mexico trả tiền xây tường cũng là điều gần như bất khả thi. Xem ra, bức tường “to lớn, đẹp đẽ” mà ông Trump ấp ủ đang gặp phải rất nhiều rào cản.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Ông Trump phát tín hiệu cứng rắn trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc
Ông Trump phát tín hiệu cứng rắn trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc

Chỉ vài giờ sau khi thông tin chính thức về cuộc thượng đỉnh Trung-Mỹ được phát đi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên mạng xã hội rằng Mỹ không nên chịu đựng những thâm hụt thương mại lớn và tỷ lệ thất nghiệp cao thêm nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN