Cả quốc gia Nam Á phải gồng mình chống COVID-19 với nguồn ngân sách eo hẹp, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt kéo dài hai tháng rưỡi dù đã làm cạn kiệt các nguồn thu vẫn chưa thể đưa đại dịch đạt đỉnh, số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao mỗi ngày. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ấn Độ đã trở thành vùng dịch lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Brazil và Nga.
Kể từ đầu tháng 6, Ấn Độ đã buộc phải từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội. Nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, các địa điểm tôn giáo và một số dịch vụ giao thông công cộng đã được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 8/6. Quyết định nối lại các dịch vụ khác như đường bay quốc tế, tàu điện ngầm, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng tập gym… sẽ được đưa ra tùy thuộc vào diễn biến tình hình.
Tuy nhiên, guồng máy kinh tế của Ấn Độ được tái vận hành trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này đang tăng nhanh, tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia khác cũng đang tái khởi động nền kinh tế, trong khi công tác truy dấu tiếp xúc vẫn còn hạn chế ở hầu hết các bang. Ra đường vào thời điểm này, nhịp sống hối hả và cảnh tượng giao thông tấp nập như thể đại dịch chưa từng tồn tại, sẽ tạo ra ảo giác về một xã hội an toàn, bên trong thực tại về một làn sóng lây nhiễm thứ hai mạnh hơn và tàn khốc hơn như cảnh báo của các chuyên gia.
Tính đến sáng 16/6, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 10.243 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân ở nước này lên hơn 343.000 người, trong đó gần 10.000 ca tử vong. Theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã nhân đôi sau 17 ngày, và tăng thêm 100.000 ca chỉ trong 10 ngày qua. Với đà này, chỉ riêng ở Delhi, chính quyền thủ đô dự báo tổng số ca nhiễm có thể lên đến 550.000 ca vào cuối tháng 7. Khi đó, Delhi sẽ cần tới 80.000 giường bệnh, gấp gần 10 lần năng lực hiện nay.
Rõ ràng, lệnh phong tỏa toàn quốc kết thúc cũng chính là lúc dịch bệnh bắt đầu tăng tốc lây nhiễm, làm bộc lộ những yếu kém về cơ sở hạ tầng vốn nghèo nàn của nước này. Báo chí sở tại đã bắt đầu đăng tải những câu chuyện về một số bệnh nhân tử vong sau khi liên tiếp bị nhiều nơi từ chối nhập viện do thiếu giường bệnh. Các cơ sở hỏa thiêu cũng đang phải vận hành hết công suất khi dòng người xếp hàng ngày càng dài thêm. Xét nghiệm COVID-19 thậm chí sau vài ngày mới có kết quả.
Bệnh viện công thì quá tải, trong khi chi phí điều trị COVID-19 tại các bệnh viện tư ở Ấn Độ, nếu may mắn còn giường, là nỗi ám ảnh với cả những người trung lưu. Theo khảo sát của báo The Hindu, bệnh nhân phải đặt cọc từ 2.600 - 8.500 USD khi đăng ký nhập viện tại một số bệnh viện tư ở Delhi, hoặc phải nhận hóa đơn thanh toán “khủng” sau những ngày dài nằm viện với chi phí hơn 500 USD/ngày.
Ông Mukesh Kumar, một bác sĩ khoa thần kinh học tại bệnh viện tư Max ở Delhi, cũng giống như phần lớn các đồng nghiệp, được điều động đi chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Theo ông, số các ca nhiễm mới đang tăng vọt và Ấn Độ đang lâm vào một cuộc chiến đầy chông gai. Đánh giá về nguy cơ do dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ, bác sĩ Harjit Singh Bhatti, chuyên gia tại Viện Khoa học y tế toàn Ấn (AIIMS) nhấn mạnh: “Chúng ta như đang ngồi trên một trái bom hẹn giờ. Nếu chính phủ không tăng chi tiêu cho y tế, mọi thứ sẽ không thay đổi. Rất nhiều người sẽ chết. Nhưng nếu một số quyết định chính sách mạnh mẽ được đưa ra không chỉ ở Delhi mà trên khắp Ấn Độ, chúng ta có thể giảm thiểu được thiệt hại”.
Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) cho thấy nước này cần chi đến 6,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để chống COVID-19 với những biện pháp công cộng tăng cường, cao gấp 5 lần mức chi hiện nay. Nhưng liệu điều đó có khả thi, khi mà Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 9/6 dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng âm 3,2% trong tài khóa hiện tại (2020-2021), mức tăng thấp nhất trong hơn 40 năm qua. Nước này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng sau khi hàng triệu người lao động đã rời bỏ các đô thị về quê trong thời gian phong tỏa toàn quốc. Nhiều chuyên gia lo ngại tác động từ dòng người di cư ngược rất có thể sẽ khiến kinh tế Ấn Độ bị thụt lùi nhiều năm.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Ấn Độ phải đối mặt với vô vàn khó khăn ập đến như một cơn sóng thần. Các hệ thống của nước này chưa bao giờ được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với một thảm họa như vậy. Hai tháng rưỡi phong tỏa giúp kìm hãm tốc độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, nhưng không thể đảo ngược xu hướng dịch bệnh lan rộng. Khi những hạn chế được nới lỏng gần đây, các ca nhiễm mới đã tăng đột biến và liên tiếp "lập kỷ lục", đặt ra câu hỏi liệu Chính phủ Ấn Độ đã sẵn sàng cho việc ngăn ngừa một thảm kịch.
Nhiều nước khác trên thế giới cũng bắt đầu nới lỏng phong tỏa sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống y tế để kiểm soát dịch bệnh (như ở Đức và Đan Mạch), hoặc đã kiểm soát được dịch bệnh (như New Zealand). Nhưng Ấn Độ thì ngược lại. Ngay cả sau khi đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hơn 2 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống người dân, dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh và số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao. Ấn Độ đã không thể sử dụng hiệu quả khoảng thời gian này để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc dỡ bỏ phong tỏa, kiềm chế dịch bệnh lẫn gia tăng tỷ lệ xét nghiệm.
Chưa kể, từ đầu tháng 5, khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp hơn với 40.000 ca nhiễm và mỗi ngày tăng thêm 3.000-5.000 ca, Chính phủ Ấn Độ quyết định vận hành hàng nghìn chuyến tàu đặc biệt chở tổng cộng 6 triệu người lao động di cư về quê, vô tình đưa virus đến những vùng đất mới xa xôi. Không loại trừ đây là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm ở nhiều bang của Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ngoài 4 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra, Tamil Nadu, Delhi và Gujarat vốn chiếm phần lớn tổng số ca mắc của cả nước, hiện một số bang khác của Ấn Độ cũng đang chứng kiến đà lây nhiễm tăng nhanh, lên mức trên 10.000 ca, gồm Tây Bengal, Uttar Pradesh, Rajasthan và Madhya Pradesh.
Theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, lệnh phong tỏa tại nước này đã làm chậm quá trình lây nhiễm của virus, với thời gian số ca nhiễm nhân đôi tăng từ 4,8 ngày khi áp dụng các hướng dẫn giãn cách xã hội, lên khoảng 17 ngày hiện nay. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác đang dỡ bỏ phong tỏa. Thời gian số ca nhân đôi ở Đan Mạch tăng từ 1,23 lên 115 ngày, Italy từ 1,5 đến 198 ngày và New Zealand từ 2,27 đến 900 ngày.
Ấn Độ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa theo từng giai đoạn từ ngày 4/5, tăng năng lực xét nghiệm từ 1.800 xét nghiệm/ngày trước phong tỏa lên 140.000 xét nghiệm/ngày tính đến ngày 3/6. Tuy nhiên, con số này cần phải được đặt bên cạnh mức dân số khổng lồ ở Ấn Độ. Xét nghiệm là chìa khóa để xác định các ổ dịch và cô lập chúng, đặc biệt tại những khu ổ chuột có mật độ dân số cao vốn là một đặc trưng của Ấn Độ. Nhưng đến nay nước này mới chỉ tiến hành hơn 4.000 xét nghiệm/1 triệu dân, so với mức 76.884 ở Italy, 62.198 ở New Zealand và 140.009 ở Đan Mạch. Tất cả các quốc gia này hiện cũng đang mở cửa trở lại.
Tiêu chí xét nghiệm của Ấn Độ cũng rất hạn hẹp so với các nước khác. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, từ ngày 10/5, Hàn Quốc và New Zealand xét nghiệm bất kỳ cá nhân nào (kể cả người không có triệu chứng) có nhu cầu xét nghiệm, trong khi các nước như Đan Mạch và Đức xét nghiệm bất cứ người nào có triệu chứng giống với COVID-19. Nhưng ở Ấn Độ, đối với những người ở bên ngoài vùng cách ly, chỉ những người đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 mới đủ điều kiện xét nghiệm. Những người có triệu chứng nhưng không có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân hoặc không sống trong khu vực cách ly, thì bị loại, trừ khi họ mắc bệnh hô hấp cấp tính nặng.
Ngân sách y tế ở Ấn Độ chỉ tương đương hơn 1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trước đại dịch, Ấn Độ chỉ có 0,5 giường bệnh/1.000 người, so với 3,2 ở Italy và 12,3 ở Hàn Quốc. Nước này lâu nay cũng đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Giờ đây, nhà chức trách đang tăng cường năng lực điều trị với việc chuyển đổi sân vận động, phòng tiệc, khách sạn và toa tàu không sử dụng thành bệnh viện dã chiến hoặc các cơ sở cách ly. Ở Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra, chính quyền đã đề nghị nhân viên y tế từ các vùng khác của bang và cả các khu vực khác của Ấn Độ hỗ trợ trong nỗ lực này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố nước này đang trong một cuộc “trường kỳ kháng chiến” chống virus SARS-CoV-2, và các chuyên gia nhận định dịch bệnh sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 11 tới. Nhưng khi Ấn Độ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc kiểm soát các đợt bùng phát của COVID-19, kịch bản tồi tệ nhất vẫn đang đợi nước này từ xa.