Nước Pháp vừa trải qua những ngày rúng động với bạo lực, khủng bố, đau thương, và nước mắt sau vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo khiến 17 người thiệt mạng.
Cho dù tất cả đều chung một quan điểm là lên án bạo lực, thông cảm với mất mát của Charlie Hebdo và ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng vụ khủng bố đã khiến các tòa soạn đứng trước một tình huống nan giải: Có nên đăng lại những biếm họa gây tranh cãi của Charlie Hebdo hay không? Những bức biếm họa này, mà những kẻ khủng bố nói là lý do để nã đạn vào 10 nạn nhân trong tòa báo, có nội dung chế giễu đấng tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Vẫn đưa những dòng tít đanh thép lên án vụ khủng bố, nhưng nhiều tờ báo tìm cách tránh xa các bức biếm họa của Charlie Hebdo. Có thể kể đến một số hãng tin từ chối đăng lại biếm họa như CNN, NBC, The New York Times... Thay vào đó, họ chỉ dùng từ để miêu tả nội dung tranh.
Trang web của Telegraph (Anh) đăng một bức ảnh của tờ Charlie Hebdo nhưng bìa tờ báo đã bị làm nhòa. Về sau, hình ảnh này đã biến mất khỏi trang web và được thay bằng ảnh của ông Stephane Charbonnier, họa sĩ biếm họa bị thiệt mạng của tạp chí, cầm tờ báo, bức ảnh vẫn được cắt cúp để che bớt bức biếm họa. Đối với The New York Daily News, hình ảnh “nhạy cảm” trên trang bìa đã bị làm nhòe. Ban biên tập tờ New York Times cũng vò đầu bứt tóc, tham vấn đồng nghiệp, nghĩ đi rồi lại nghĩ lại, sau cùng quyết định không đăng bức biếm họa nói trên. Tổng biên tập tờ Jewish Chronicle giải thích theo quan điểm của mình: “Công kích những báo không đăng thì dễ đấy. Nhưng tôi có quyền gì mà mạo hiểm mạng sống của nhân viên để đăng lại?”
Nhận định về sự cẩn trọng của báo chí, ông Lilie Chouliaraki, giáo sư truyền thông tại Đại học Kinh tế London, nói: “Theo tôi, mọi hành động đăng lại ngay lập tức biếm họa sẽ khơi gợi vết thương cũ và tạo ra phản ứng tiêu cực... Có những lúc tự ghìm mình lại là cần thiết”.
Sự cẩn thận của các tờ báo không phải là không có lý, khi một tờ báo của Đức, trước đó có đăng hình biếm họa của Charlie Hebdo, đã bị tấn công hôm 11/1, chỉ vài ngày sau vụ khủng bố tại Charlie Hebdo.
Vụ khủng bố còn khiến một số hãng tin tự ghìm mình nhiều hơn thế. Ngoài việc làm mờ hình ảnh nhạy cảm với những người theo Hồi giáo, hãng AP đã vội vã gỡ một bức ảnh của phóng viên Andres Serrano chụp năm 1987 trong kho ảnh. Bức ảnh này gây tranh cãi vì có nội dung được cho là thiếu tôn trọng đạo Thiên Chúa.
Trái lại, một số tờ báo khác quan niệm không đăng các bức biếm họa của Charlie Hebdo thì không khác gì phủ nhận tự do ngôn luận. Điển hình như Bloomberg, Huffington Post, không những đăng lại một, mà một loạt bức ảnh gây tranh cãi nhất của Charlie Hebdo. Các mạng xã hội cũng tràn ngập tranh biếm họa của Charlie Hebdo sau lời kêu gọi của các tổ chức ủng hộ tự do ngôn luận.
Với quan điểm trung dung, ông Carles Torner, giám đốc điều hành hiệp hội tác giả PEN International nhận định: “Đó là hành động thể hiện rõ ràng sự đoàn kết và dũng cảm. Nhưng tự do ngôn luận gồm cả việc kiềm chế, tự kiềm chế. Điều này phải do các tác giả, tổng biên tập, họa sĩ biếm họa của từng tờ báo quyết định”.
Xét cho cùng, các nhà báo dù ở đâu vẫn phải tâm niệm bài học về trách nhiệm nghề nghiệp: Đó là phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa một vấn đề nhạy cảm, dù là sự thật, nếu như điều đó gây ra tác hại với xã hội; phải cân đối giữa nhu cầu thông tin của độc giả và những hậu quả có thể gây ra với cộng đồng.
Thùy Dương