Đó là nội dung bài phân tích của chuyên gia Margarita Assenova thuộc tổ chức Jamestown Foundation được đăng trên trang web của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) của Ba Lan. Bài phân tích khẳng định:
Tàu tuần dương thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga bắn tên lửa trong một cuộc tập trận. Ảnh: THX/ TTXVN |
“Là một quốc gia có toàn bộ đường biên giới phía Đông hứng chịu nguy cơ từ sự tăng cường quân sự của Nga trên Biển Đen (Bulgaria đối diện với Nga qua Biển Đen), Bulgaria dường như ít có nỗi lo ngại về mối đe dọa từ Nga hơn là nỗi lo ngại về việc chọc giận Moskva do chính sách hợp tác với các nước thành viên NATO.
Trong bối cảnh NATO tập trung tăng cường hợp tác để nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn thì Sofia rõ ràng đang lo ngại rằng do tăng cường hợp tác hải quân ở Biển Đen mà Bulgaria có thể bị Moskva xếp vào danh sách thành viên của “mặt trận chống Nga”. Điều này đã cản trở đề xuất của Romania về việc thành lập một lực lượng hải quân chung ở Biển Đen đặt dưới sự chỉ huy của NATO.
Kể từ khi gia nhập NATO năm 2004 Sofia đã kiên trì chính sách gia tăng hiện diện của NATO trong khu vực thông qua các hoạt động tập trận chung cũng như hợp tác với lực lượng hải quân NATO ở Địa Trung Hải. Tại Hội nghị thượng đỉnh Warsaw (Ba Lan) Tổng thống Plevneliev cũng đã tái khẳng định chính sách ủng hộ và thúc giục NATO tăng cường hiện diện ở Biển Đen.
Nhiều chính trị gia và thành viên của chính phủ Bulgaria nhận thức rất rõ về nguy cơ từ các hoạt động quân sự gia tăng của Nga ở Biển Đen. Họ đã và đang nỗ lực trong việc nâng cao năng lực của không quân và hải quân Bulgaria cũng như hoạt động phối hợp giữa các lực lượng này nhằm đối phó với các mối đe dọa ở khu vực Đông Bắc.
Vấn đề là Thủ tướng Boyko Borissov, nhân vật đầy ảnh hưởng trên chính trường Bulgaria, lại đang muốn hạn chế ảnh hưởng của vấn đề an ninh ở Biển Đen, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới, khi ông này khả năng sẽ đại diện cho đảng Gerb ra tranh cử.
Mặc dù trong tuyên bố chung Warsaw ngày 9/7 các lãnh đạo NATO cam kết sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu và gia tăng hợp tác với các đối tác ở Biển Đen, nhưng tại Sofia ông Borissov lại tuyên bố về đề xuất lập khu vực “phi quân sự” ở Biển Đen.
Tuy nhiên, ông Borissov không nêu cụ thể về cách thức để đạt được mục tiêu này trong khi trên thực tế Crimea, Donbass, Abkhazia và Transnistria đều nằm trong khu vực Biển Đen. Đề xuất của Thủ tướng Borissov cũng chưa được chuyển tới các đối tượng cụ thể, trong đó có Nga, nước đang dự định đến năm 2020 sẽ tăng cường thêm 30 tàu chiến mới cho Hạm đội Biển Đen của nước này.
Được trang bị các hệ thống tên lửa dẫn đường nhiều hơn bất cứ hải quân của nước nào ở Biển Đen, hạm đội Nga với 47 tàu chiến và 6 tàu ngầm đã và đang là "ông lớn" trong mảng an ninh khu vực.
Việc sáp nhập bán đảo Crimea và kiểm soát khu vực Abkhazia trong thực tế đã gia tăng phạm vi tác chiến của hải quân Nga. Báo chí cũng vừa đưa tin về việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới bán đảo Crimea.
Nếu được triển khai ở phía Đông của bán đảo này, gần eo biển Kerch, tầm bắn của các tên lửa S-400 có thể bao trùm bờ biển của Bulgaria, phần lớn lãnh thổ của Romania cũng như phong tỏa hoàn toàn các tuyến bay qua Biển Đen của các hãng hàng không Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Bulgaria Borissov lại đang mong muốn tận dụng thế mạnh về du lịch biển để thu hút du khách quốc tế đến nước này. Sofia cũng đang lưỡng lự trong việc tham gia các hoạt động tăng cường năng lực phòng thủ và ngăn chặn của NATO ở trong khu vực.
Sự lo ngại của Sofia là có cơ sở do gần 80% các hoạt động xuất nhập khẩu của nước này đi qua Biển Đen trong khi ngành du lịch đã và đang đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP của Bulgaria. Việc tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đen có nguy cơ tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của Bulagria, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển.
Thủ tướng Bulgaria Borissov lại đang mong muốn tận dụng thế mạnh về du lịch biển để thu hút du khách quốc tế đến nước này. |
Quan trọng hơn, ông Borissov lo ngại khả năng Nga áp dụng các biện pháp trả đũa nếu Sofia tăng cường hợp tác hải quân với Bucharest và Ankara nhằm hình thành lực lượng đối trọng với Nga ở Biển Đen. Ngoài ra, Thủ tướng Borissov cũng đang muốn tranh thủ các lực lượng “thân Nga” tại Bulgaria trước cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, nhất là các tổ chức dân tộc chủ nghĩa, nhà thờ chính thống giáo, giới chính trị gia và doanh nhân có quan hệ với Nga…
Đảng Xã hội Bulgaria cũng đã dự thảo nghị quyết về việc tuyên bố khu vực phi quân sự ở Biển Đen để trình quốc hội nước này.
Chính sách của chính quyền Borissov không chỉ mâu thuẫn với chính sách chung của NATO và các nước láng giềng trong khu vực mà còn gia tăng bất đồng trên chính trường nước này, nhất là trong việc hoạch định chính sách ở Biển Đen trong thời gian tới”.