Câu trả lời từ phía ban tổ chức rất đơn giản. Đó là mỗi người sẽ được phát một chai nước sát khuẩn nhỏ và hai chiếc khẩu trang.
“Giới chức không nhắc đến vaccine. Thậm chí, họ không nói về việc chúng tôi có được xét nghiệm COVID-19 hay không”, tình nguyện viên người Đức Barbara Holthus, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Sophia, Tokyo, cho biết.
Theo đài CNN (Mỹ), chỉ còn 100 ngày nữa Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ diễn ra. Sự kiện thể thao này đã bị lùi lại một năm vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, câu hỏi về cách thức tổ chức một sự kiện thể thao lớn và đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên, vận động viên, quan chức và người dân Nhật Bản, vẫn chưa được có lời đáp.
Mối lo ngại ngày càng gia tăng khi Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4. Tính đến ngày 14/4, quốc gia này đã vượt ngưỡng 500.000 ca mắc COVID-19 và gần 9.500 trường hợp tử vong. Một số tỉnh đang thắt chặt các biện pháp phòng dịch khi các ca mắc hàng ngày gia tăng đáng báo động.
Bà Hideaki Oka, Giáo sư tại Đại học Y Saitama, cho rằng Nhật Bản có thể không thể kiểm soát được làn sóng mới trước khi Thế vận hội diễn ra vào ngày 23/7 tới.
Trong khi Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 11/4 cam kết đảm bảo 100 triệu liều vaccine vào cuối tháng 6, cho đến nay Nhật Bản mới chỉ tiêm vaccine cho khoảng 1,1 triệu trong số 126 triệu dân, chưa đến 1% dân số. Chỉ 0,4% dân số Nhật Bản đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Tình nguyện viên Holthus cho biết việc hỗ trợ Thế vận hội là cơ hội "chỉ có một lần trong đời”, nhưng hiện tại nó là “một trải nghiệm thực sự rủi ro”.
Trong một tuyên bố, Ban Tổ chức Tokyo 2020 cho biết họ đang chuẩn bị cho “một Thế vận hội an toàn và đảm bảo” mà sẽ không cần tiêm vaccine.
Triển khai vaccine chậm chạp
Với việc đăng cai tổ chức Thế vận hội trị giá 25 tỷ USD, có lẽ không quốc gia nào ở châu Á có nhiều động lực hơn Nhật Bản trong việc kiểm soát các ca COVID-19 và tiêm chủng cho người dân.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhật Bản đã chậm trễ phê duyệt vaccine COVID-19 so sới các chính phủ khác. Quốc gia này phải mất hơn 2 tháng phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech. Theo Kyodo News, nước này mới bắt đầu triển khai tiêm chủng từ tháng 2 và những người cao tuổi bắt đầu được tiêm vaccine vào ngày 12/4.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của việc chậm trễ là do sự thận trọng nhằm tránh hoài nghi về vaccine đã làm hỏng các nỗ lực tiêm chủng trước đây ở Nhật Bản. Song dù bằng cách nào, cách tiếp cận đó đã khiến Nhật Bản tụt hậu so với các quốc gia châu Á khác, chẳng hạn Trung Quốc và Ấn Độ.
“Họ nói rằng những người cao tuổi sẽ được tiêm phòng vào tháng 6. Nhưng trên thực tế, ngay cả nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng chưa được tiêm phòng”, bà Oka nói.
Biện pháp phòng dịch dành cho vận động viên
Đối với Nhật Bản, quốc gia ghi nhận 2.112 trường hợp mắc mới hôm 13/4, việc tổ chức một sự kiện thể thao trong bối cảnh dịch bệnh sẽ là một thách thức rất lớn.
Những người nước ngoài tham dự Thế vận hội sẽ phải xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi đến Nhật Bản, sau đó sẽ được xét nghiệm lại, theo Playbook Tokyo 2020 do Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) phát hành hôm 21/2.
Nhưng theo IOC, các vận động viên sẽ không phải cách ly trong 14 ngày sau khi đến Nhật Bản, trừ khi họ vi phạm các biện pháp phòng ngừa COVID-19 của nước này hoặc có khả năng nhiễm virus.
Trong suốt Thế vận hội, những người tham gia sẽ được "xét nghiệm COVID-19 ở các khoảng thời gian khác nhau”. Tất cả các vận động viên và khách tham dự sẽ được chỉ định một "nhân viên liên lạc COVID-19."
Khách quốc tế cũng được yêu cầu chỉ rời khỏi chỗ ở của họ để "đến các địa điểm chính thức diễn ra Thế vận hội và các địa điểm bổ sung có giới hạn". Họ cũng cần tránh tiếp xúc gần, luôn phải đeo khẩu trang và không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Các nhà tổ chức Thế vận hội đã không trả lời các câu hỏi về các biện pháp giãn cách sẽ được duy trì như thế nào tại làng Olympic.
Thế vận hội có trở thành sự kiện siêu lây nhiễm?
Dù các vận động viên trong làng Olympic đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến Nhật Bản, nhưng họ chắc chắn sẽ phải tiếp xúc với hàng chục nghìn tình nguyện viên chưa được xét nghiệm, những người thường đi lại giữa các địa điểm diễn ra Thế vận hội và nhà của họ.
Trang web Tokyo 2020 cho biết các tình nguyện viên nên đi phương tiện công cộng đến các địa điểm tổ chức Thế vận hội khi tham gia tình nguyện. Tại Tokyo, đã có 510 trường hợp mới mắc COVID-19 vào hôm 13/4.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có sự kiện Tokyo 2020 nào phải hoãn lại do COVID-19 hay không, giới chức nói rằng tình hình đang "thay đổi theo từng khoảnh khắc."
Tình nguyện viên Holthus cho biết ngoài nước sát khuẩn và hai chiếc khẩu trang, các quan chức Thế vận hội đã cấp cho các tình nguyện viên một cuốn "nhật ký tình trạng sức khỏe". Trong đó, họ có thể ghi lại tình trạng sức khỏe của chính mình.
"Sẽ có rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại đây. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một ổ dịch bùng phát tại một trong những địa điểm tổ chức Thế vận hội? Điều gì sẽ xảy ra nếu nó lây lan từ một người trong chúng ta?”, Holthus nói.
Trong khi đó, Ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết họ có "hy vọng lớn" rằng tình hình COVID-19 ở Nhật Bản sẽ được cải thiện trước khi Thế vận hội diễn ra.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bên để chuẩn bị tổ chức một Thế vận hội an toàn và đảm bảo vào mùa hè này", tuyên bố cho biết.