Cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, sự suy giảm đa dạng sinh học này đang đẩy hành tinh đến bờ vực không thể phục hồi. Đây là nội dung Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024, được Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) công bố trước thềm Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP16), dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11 tại Cali, Colombia. Kèm theo đó là lời cảnh báo: Hệ sinh thái đang "lâm nguy", Trái đất đang tiến gần đến "điểm tới hạn", đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại, do đó cần một nỗ lực chung, ở quy mô lớn trong 5 năm tới để giải quyết các cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và thiên nhiên.
Xét về khu vực, Mỹ Latinh và Caribe chịu tác động nặng nề nhất, với mức suy giảm quần thể loài hoang dã lên tới 95%, trong khi châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm lần lượt là 76% và 60%. Xét về môi sinh, hệ sinh thái nước ngọt chứng kiến sự suy giảm mạnh nhất, tới 85%, quần thể sinh vật trên cạn và quần thể sinh vật biển lần lượt giảm 69% và 56%.
Các hệ sinh thái quan trọng như rừng Amazon - "lá phổi của hành tinh" đã mất hơn 17% diện tích nguyên sinh trong vòng 50 năm qua do nạn phá rừng. Điều này không chỉ làm suy giảm môi trường sống của hàng nghìn loài động thực vật mà còn khiến cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu thêm trầm trọng khi lượng CO2 trong khí quyển tăng mạnh.
Các đại dương cũng đang chịu áp lực từ các hoạt động của con người. Khoảng 90% quần thể cá trên thế giới đang bị khai thác ở mức thiếu bền vững hoặc quá mức, trong khi hiện tượng axit hóa đại dương do tăng nồng độ CO2 đang đe dọa nghiêm trọng các rạn san hô - nơi sinh sống của hàng triệu loài sinh vật biển. Tại vùng biển Đông Nam Á, nơi có các rạn san hô rộng lớn nhất thế giới, tỷ lệ rạn san hô bị tẩy trắng đã tăng lên do nhiệt độ nước biển tăng cao, đồng thời gây suy giảm nguồn thủy sản cho các cộng đồng ven biển.
Sự suy giảm đa dạng sinh học không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ). Các mục tiêu như xóa đói giảm nghèo (SDG 1), đảm bảo an ninh lương thực (SDG 2), bảo vệ các hệ sinh thái biển và đất liền (SDG 14 và SDG 15) đều phụ thuộc vào sự ổn định của tự nhiên. Nếu không kiểm soát được sự suy thoái này, việc đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu sẽ càng trở nên gian nan hơn.
Trong bối cảnh khẩn cấp ấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai những chiến lược quyết liệt nhằm bảo vệ và khôi phục đa dạng sinh học, với hy vọng cứu lấy thiên nhiên trước khi quá muộn.
Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, với tham vọng khôi phục ít nhất 30% diện tích đất và biển, tập trung đặc biệt vào các khu vực nông nghiệp và rừng. Bên cạnh đó, EU còn cam kết trồng 3 tỷ cây xanh, gia tăng khả năng hấp thụ carbon và giảm mạnh việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng như phân bón hóa học trong nông nghiệp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái. Sáng kiến Xanh châu Âu (European Green Deal) không chỉ là lời cam kết về bảo tồn, mà còn tích hợp hài hòa các yếu tố kinh tế và xã hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo.
Ở châu Phi, nhiều quốc gia đã phát triển các mô hình quản lý tài nguyên bền vững, kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế. Nam Phi và Kenya đã thành lập những khu bảo tồn lớn, đồng thời thực hiện các chương trình chống săn bắn động vật hoang dã. Với khu bảo tồn Okavango Delta rộng 20.000 km2, Botswana là một minh chứng cho nỗ lực bảo vệ thiên nhiên đầy ý nghĩa của khu vực. Rwanda cũng nổi bật với thành tựu bảo vệ loài khỉ đột núi và phát triển du lịch sinh thái tại núi Virunga, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tại châu Mỹ, rừng Amazon đang là trung tâm của nhiều chiến dịch bảo tồn lớn. Brazil, Colombia và Peru đã cam kết giảm nạn phá rừng và khôi phục những khu vực bị suy thoái. Brazil dự kiến xóa sổ nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời giảm 50% lượng phát thải từ ngành khai thác gỗ trong 10 năm tới.
Canada đặc biệt chú trọng bảo vệ hệ sinh thái Bắc Cực, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển lên tới 25% vào năm 2025.
Costa Rica được xem là một hình mẫu toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học. Quốc gia này đã khôi phục hơn 50% diện tích rừng bị mất trong thế kỷ 20 nhờ vào các chính sách trả tiền dịch vụ môi trường, khuyến khích người dân bảo vệ rừng. Costa Rica cũng đã chuyển đổi hầu như toàn bộ hệ thống năng lượng sang năng lượng tái tạo, góp phần giảm tác động đối với môi trường và thúc đẩy nỗ lực bảo tồn.
Tại châu Đại dương, New Zealand - một trong những quốc gia có hệ động vật đặc biệt nhất thế giới - đang nỗ lực loại bỏ các loài săn mồi ngoại lai như chuột và chồn khỏi đất nước với mục tiêu đạt được trạng thái "Predator Free" vào năm 2050. Các khu bảo tồn tự nhiên đã được thiết lập tại các đảo ngoại vi, giúp các loài bản địa có cơ hội sinh sôi mạnh mẽ.
Ở châu Á, Trung Quốc đang tập trung khôi phục diện tích rừng quốc gia và bảo vệ các loài quý hiếm như gấu trúc và hổ, còn Indonesia tích cực bảo tồn các khu vực đầm lầy than bùn "kho carbon" khổng lồ của hành tinh.
Việt Nam đang triển khai Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF - Việt Nam, ông Thibault Ledecq đánh giá Việt Nam có độ đa dạng sinh học rất cao, nhưng cũng giống như xu hướng trên toàn cầu, thiên nhiên Việt Nam đang bị ảnh hưởng. Theo ông Thibault Ledecq, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác đã triển khai nhiều sáng kiến để ngăn chặn xu hướng này và bắt đầu phục hồi đa dạng sinh học, tăng cường quản lý các khu vực được bảo vệ...
Tại Hội nghị COP15 về đa dạng sinh học diễn ra tháng 12/2022 ở Canada, các quốc gia đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu, đặt mục tiêu khôi phục và bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh vào năm 2030. Tại COP 16 sắp tới, các bên sẽ đánh giá việc thực hiện những cam kết đạt được, để hướng tới hoàn thành các mục tiêu của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030 của LHQ
Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024 một lần nữa cho thấy tình trạng suy giảm quần thể động thực vật hoang dã đã tới mức báo động, và đây chính là chỉ dấu cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt các loài và nguy cơ mất đi vĩnh viễn các hệ sinh thái khỏe mạnh, được gọi là "đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trong lịch sử". Giới khoa học cho rằng trong quá trình "tăng trưởng thiếu kiểm soát", con người đã hủy hoại hàng trăm chủng loài động thực vật và đẩy nhiều chủng loài khác đến bờ vực tuyệt chủng do hoạt động săn bắn, gây ô nhiễm, xâm hại môi trường...
Tuy nhiên, như khẳng định của Tiến sĩ Kirsten Schuijt - Giám đốc điều hành WWF, mặc dù tình trạng suy thoái đa dạng sinh học hiện tại rất nghiêm trọng, nhưng nhân loại vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình thế. Điều này đòi hỏi những hành động quyết liệt, ngay lập tức và ở quy mô lớn.
Bà nêu rõ: "Trong 5 năm tới, các quyết định và hành động của nhân loại sẽ quyết định tương lai của sự sống trên Trái Đất. Chúng ta không chỉ cần hoàn thành các SDG, mà còn phải đảm bảo thiên nhiên có thể phục hồi và phát triển, để hành tinh này tiếp tục là ngôi nhà an toàn cho các thế hệ mai sau".